11/01/2013 19:15 GMT+7 | Bóng đá Anh
(giaidauscholar.com) - Mới đây trên Daily Mail, HLV QPR Jamie Redknapp đã có bài viết bày tỏ sự lo ngại của ông với tương lai của bóng đá Anh khi các đội hàng đầu Premier League ngày càng tràn ngập ngoại binh, nhất là ở những vị trí chủ chốt như tiền vệ trung tâm và tổ chức, trong bối cảnh người Anh đang ngày càng lép vế.
Tương lai đó càng trở nên ảm đạm khi trong tương lai không xa, người Anh sẽ phải nói lời chia tay với một thế hệ những chiến binh xuất sắc nhất của họ ở hàng tiền vệ: Frank Lampard, Steven Gerrard và Paul Scholes.
Scholes trọn vẹn
Mỗi người một số phận, nhưng cả 3 đều đã ở bên kia sườn dốc sự nghiệp và thời gian của họ ở đỉnh cao có lẽ chỉ còn tính bằng tháng. Scholes, 38 tuổi, hiện là người hạnh phúc nhất. Anh đã có một sự nghiệp trọn vẹn cùng M.U sau 19 mùa giải, 10 chức vô địch Premier League, 3 Cúp FA, 2 Cúp Liên đoàn và 2 Champions League. Những gì có thể cống hiến cho đội bóng thì Scholes đã cống hiến hết, từ khi là một cầu thủ trẻ đầy triển vọng, rồi tiền vệ trung tâm giỏi nhất nước Anh với 2 danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất năm của PFA 2003 và 2007, cho đến khi giã từ sự nghiệp, rồi lại quay lại để là một cây trường sinh ở Old Trafford.
Tuy nhiên, chính việc trở đi trở lại đó cho thấy M.U gặp nhiều khó khăn trong việc tìm người thay thế anh ra sao. Tom Cleverley, một người Anh, hiện là truyền nhân khả dĩ nhất của Scholes, nhưng đẳng cấp và trình độ của tiền vệ trẻ này có lẽ sẽ chẳng bao giờ đạt tới được những tiêu chuẩn mà người tiền bối của anh đã đặt ra. Michael Carrick cũng chỉ còn vài năm trước khi sang bên kia sườn dốc và chưa bao giờ là một tiền vệ trung tâm được đánh giá cao. Những người khác, Anderson hay Shinji Kagawa, đều là ngoại binh.
Lampad bị đối xử tàn nhẫn
Lampard có lẽ mong muốn được như Scholes, khi anh tỏ ra vẫn còn hữu ích cho Chelsea. Tuy nhiên, những tuyên bố gần đây của cả ban lãnh đạo và HLV Rafael Benitez đều cho thấy tương lai của tiền vệ 35 tuổi này tại Stamford Bridge đã được định đoạt: anh sẽ phải ra đi muộn nhất là khi mùa giải này kết thúc. Từ khi Roman Abramovich đặt chân đến London vào mùa Hè 2003, Chelsea không còn những hợp đồng vì tình cảm và coi trọng truyền thống nữa, mà chỉ đơn giản là những tính toán lý trí đến tàn nhẫn.
Lampard không trưởng thành từ CLB và có lẽ cũng sẽ không giải nghệ ở Chelsea, nhưng vai trò của anh với Stamford Bridge không kém Scholes ở Old Trafford. Với 193 bàn, anh không chỉ là tiền vệ ghi được nhiều bàn nhất trong lịch sử CLB, mà còn là động lực chính trong mọi danh hiệu mà đội bóng áo xanh có được cho tới giờ, là nhân tố chủ chốt trong giai đoạn thành công nhất lịch sử The Blues. Có những giai đoạn Lampard được ví như một động cơ vĩnh cửu khi anh chơi liên tục, không ngơi nghỉ và với phong độ ổn định phi thường.
Nhưng càng nhớ lại những ngày vinh quang, thì lại càng thấy cách Chelsea đối xử với Lampard bây giờ là tàn nhẫn. Với sự bổ sung ồ ạt nhờ hầu bao hào phóng của ông chủ Abramovich trong mùa hè vừa rồi, đội bóng áo xanh giờ đã có một hàng tiền vệ khá chật chội. Bộ ba Juan Mata, Eden Hazard và Oscar luôn được tin cậy cho nhiệm vụ tấn công, dù là với Roberto Di Matteo hay hiện tại là Rafa Benitez. Phía sau là Ramires, John Obi Mikel và cả David Luiz. Ngay cả những người dự bị Victor Moses và Marko Marin đôi khi cũng được đặt trước Lampard. Và có một điều đáng chú ý, không một ai trong số đó là người Anh. Việc Lampard ra đi cũng đồng nghĩa với việc Chelsea không còn một tiền vệ trung tâm người bản địa nào.
Tượng đài Gerrard
Gerrard là cái tên sau cùng được nhắc đến trong danh sách này, bởi lẽ lúc này còn hơi sớm để nói rằng anh đã hết thời. Đội trưởng của Liverpool vừa có một giai đoạn hồi sinh mạnh mẽ và cho thấy anh vẫn còn là thủ lĩnh cả về tinh thần lẫn lối chơi cho đội bóng áo đỏ. Tất nhiên, 32 tuổi không còn là trẻ ở một giải đấu đòi hỏi nhiều về thể lực và sức bền như Premier League, nhưng chừng nào Gerrard còn có thể chơi bóng, anh sẽ còn nhận được mọi sự ủng hộ ở Anfield.
Vai trò của Gerrard tại CLB vùng Merseyside khác hẳn Scholes hay Lampard. Gerrard chắc chắn không bao giờ bị hắt hủi như Lampard, anh còn có ảnh hưởng lớn hơn cả Scholes với đội bóng của mình. Tại Old Trafford, cái bóng khổng lồ của Sir Alex Ferguson che phủ lên tất cả. Nhưng ở Anfield, do Liverpool đã thay 4 HLV trong vòng 4 năm qua, tiếng nói của một đội trưởng, tượng đài và người hùng như Gerrard trở nên cực kỳ quan trọng.
Vĩ thanh
Dù khác nhau, ba chàng ngự lâm của một thế hệ nhiều thất vọng của bóng đá Anh cũng có nhiều điểm chung. Đầu tiên là nỗi buồn với màu áo Tam sư, khi cả ba không ai giành được một danh hiệu lớn nào và luôn trải qua mọi chiến dịch quan trọng đều với sự thất vọng cay đắng. Scholes đã phải treo giày sớm ở đội tuyển Anh, trong khi Lampard không còn được trọng dụng nữa và Gerrard có lẽ cũng chỉ còn kỳ World Cup 2014 là cuối cùng.
Điểm chung thứ hai là về phong cách và lối chơi, cũng là điều từng làm dấy lên tranh luận về việc Lampard và Gerrard có thể cùng nhau chơi cho tuyển Anh hay không. Cả 3 thuộc về một thế hệ các tiền vệ Anh hết sức tài năng mà họ là những đại diện tiêu biểu nhất, với lối chơi rất điển hình cho bóng đá xứ sở sương mù ở một thời kỳ có thể gọi là tiền tiki-taka. Là những chiến binh thực sự, chơi bóng với tất cả sức mạnh, sự trực diện, không ngần ngại đối đầu, bản lĩnh và những cú sút xa mang tính chất thương hiệu, họ đã trở nên xa lạ và lạc lối trong thứ bóng đá vẽ vời coi trọng kỹ thuật và sự khéo léo như hiện giờ.
Từ phía chân trời, những Cleverley, Raheem Sterling, Scott Sinclair, Jack Rodwell… đang xuất hiện, nhưng chưa ai trong số đó cho thấy họ có thể thay thế được những bậc đàn anh đã để lại dấu ấn vĩnh hằng không chỉ với Premier League.
Trần Trọng
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất