10/05/2013 07:30 GMT+7 | Đọc - Xem
(giaidauscholar.com) - Trái với những gì người ta lo ngại về các bản dịch "lai căng", dịch giả uy tín Trịnh Lữ cho rằng dịch thuật Việt Nam đang làm đúng cách khi lựa chọn tôn trọng bản gốc, hạn chế Việt hóa để góp phần làm giàu ngôn ngữ Việt.
1. Trịnh Lữ, người dịch Cuộc đời của Pi, Đại gia Gatsby và có thời gian sống ở Mỹ, nói rõ tại tọa đàm Dịch thuật trong thực tếxuất bản ở Hà Nội hôm 8/5: "Thay vì dịch phóng tác và Việt hóa mạnh mẽ như thời gian đầu (dịch cả tên riêng nước ngoài ra tiếng Việt cho người đọc thấy quen thuộc), dịch thuật Việt Nam hiện nay đang làm một việc là mang chất ngoại lai toàn cầu đến với người đọc trong nước, và đó là một cách làm đúng đắn, bởi nó sẽ góp phần làm giàu ngôn ngữ Việt".
"Điều đó trái ngược với dịch thuật ở Mỹ. Họ dịch tất cả các tác phẩm nước ngoài ra một thứ tiếng Anh cơ bản, dễ hiểu để có thể bán được sách. Nhiều nghiên cứu ở Mỹ cho thấy bản dịch tiếng Anh từ các tác phẩm tiếng Tây Ban Nha của Gabriel Garcia Marquez đã tước đoạt hết những giá trị bản địa của tác phẩm gốc, tước đoạt hết giá trị văn chương của tiếng Tây Ban Nha để biến những tác phẩm của Marquez thành ra thuộc về thế giới tiếng Anh. Hầu như người dịch cũng không còn dấu ấn gì trong bản dịch, và những nhà nghiên cứu văn hóa cho đó là một sai lầm lớn".
Tại sao cách dịch "đồng hóa" đó lại là sai lầm? Bởi nó cực kỳ có hại cho những nền văn hóa nhỏ, mà Việt Nam là một trong số đó. "Đó chính là cách các nền văn hóa lớn nuốt chửng những nền văn hóa nhỏ và biến các giá trị văn chương của những nền văn học nhỏ thành của họ" – theo dịch giả Trịnh Lữ.
"Ngày xưa các cụ Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Tuân… chủ trương Việt hóa hoàn toàn, thậm chí biến thành tuồng, chèo… khiến người Việt Nam đọc không có cảm giác đây là tác phẩm của nước ngoài. Nhưng bây giờ, người đọc ý thức rõ đây là tác phẩm ngoại quốc và họ học thêm được rất nhiều kiến thức về các nền văn hóa nước ngoài".
Cũng theo nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, người dẫn chương trình, độc giả không nên vin vào lý do "cách dịch không hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam" khi "ném đá" các bản dịch vì đó là một lý lẽ lỗi thời.
2. Chung quan điểm với dịch giả Trịnh Lữ, dịch giả trẻ Lương Việt Dũng (người dịch Bếp, Đôi mắt ấy vẫn ở trên giường) có cách diễn đạt khác: "Vào thời kỳ đầu của dịch thuật Việt Nam, cách dịch phổ biến là "adaption" - phỏng dịch, thậm chí tên nhân vật nước ngoài cũng được Việt hóa để độc giả có thể nhớ được. Cách làm đó phù hợp với thời điểm và nhu cầu độc giả thời đó. Về sau, khuynh hướng đổi thành "adoption" - có thể hiểu là bám sát nguyên tác".
Dịch giả Lương Việt Dũng lấy ví dụ từ nền văn học Nhật mà anh nghiên cứu sâu. Ở Nhật, dịch thuật được làm rất hiệu quả và linh hoạt, có thể thay đổi khuynh hướng, hoặc "phục tùng", hoặc "phỏng dịch" để phù hợp với nhu cầu của độc giả mỗi thời. Điều này dẫn đến việc sách dịch của Nhật rất hấp dẫn độc giả.
Lương Việt Dũng đưa ra một kết luận chừng mực: "Khi đứng trước một tác phẩm, một yếu tố lớn quyết định cách xử lý của dịch giả là phản ứng của độc giả. Anh muốn tác phẩm được độc giả tiếp nhận hay muốn trung thành với từng câu chữ trong đó? Dịch giả nên có sự kế thừa, giao lưu với đồng nghiệp, tôn trọng lẫn nhau, chỉ tiếc điều đó trong giới dịch thuật Việt Nam hiện nay hơi thiếu".
Mi Ly
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất