29/01/2016 06:12 GMT+7 | Thể thao
(giaidauscholar.com) - 136 triệu euro, số tiền tính đến lúc này mà các CLB của giải VĐQG Trung Quốc bỏ ra để mua sắm cầu thủ ở thị trường chuyển nhượng mùa Đông 2016, hẳn khiến nhiều người kinh ngạc. Đặc biệt là việc họ bỏ ra tới 33 triệu euro để tậu về Ramires, nhà VĐ Champions League từ Chelsea, đã cho thấy họ làm rất khác với cách mà J-League hay K-League đã làm ở thời kỳ bộc phát bong bóng. Ramires là ai?
1. Đó là một cầu thủ mà bất kỳ đội bóng hạng trung bình khá nào của Premier League đều muốn tậu về ở mùa Đông này. Vậy mà anh lại đến Trung Quốc, nơi ai cũng nghĩ cầu thủ tới đó để bắt đầu làm quen với trạng thái nghỉ hưu.
Nhưng Ramires thật sự là ai? Anh có phải dạng cầu thủ trụ cột không thể thiếu của Chelsea hay không?
Không. Ramires mãi chỉ là một Ramires mà Chelsea có cũng được, bán cũng chả sao. Hơn nữa, anh là cầu thủ chất lượng nhiều CLB trung bình khá muốn có, song không phải ở mức giá điên rồ như Jiangsu Suning đã bỏ ra.
Trong một đội hình toàn ngôi sao, sự tồn tại hoàn toàn theo kiểu “có cũng được, không có chẳng sao” chắc chắn sẽ khiến Ramires cảm thấy mình không có giá trị gì nhiều. Và ở tư thế ấy, quyết định rời bỏ là dễ hiểu. Người cầu thủ (mà điển hình ở đây là Ramires) rồi sẽ nhận ra rằng tự trọng mình bị tổn thương. Bởi vậy, họ quyết ra đi, không phải vì chuyển nhượng phí quá cao; không phải vì quá nản lòng, mà bởi vì họ muốn đi tìm chính giá trị của mình, đi tìm sự khẳng định.
Như Ramires, anh thừa hiểu mình có sức đóng góp như một ngôi sao lớn, và anh muốn có vị thế một ngôi sao lớn. Ở Jiangsu Suning, anh biết mình sẽ được CĐV chủ nhà săn đón còn ghê gớm hơn bất kỳ ngôi sao nào được CĐV Chelsea săn đón ở Stamford Bridge. Chọn Jiangsu Suning, Ramires chọn sự ghi nhận, tưởng thưởng, thứ mà anh không hề có, trừ thời điểm anh ghi bàn vào lưới Barca dưới thời Di Matteo.2. Nhưng không phải chỉ mình Ramires, Gervinho, Guarin đi tìm giá trị của mình với việc sang Trung Quốc. Người Trung Hoa cũng đang đi săn tìm giá trị của chính họ, bằng các cuộc chuyển nhượng động trời này.
Cách đây vài tháng, khi ông Tập Cận Bình sang thăm chính thức nước Anh và ghé sân Etihad, sau đó là việc người Trung Quốc trở thành cổ đông lớn của Man City, điều đó đã nhấn mạnh thêm tham vọng xác lập giá trị quốc gia, dân tộc của người Hoa. Họ đã mua rất nhiều bất động sản, thương hiệu lừng danh nước ngoài với mục tiêu xác lập giá trị Trung Quốc ở cấp độ toàn cầu. Sự việc đó, cùng với nhiều đầu tư khác của người Hoa ở La Liga, Premier League đã khẳng định chuyện Trung Quốc tham gia vào bóng đá ở cấp độ thế giới.
Nhưng chừng ấy là chưa đủ. Người Trung Quốc cũng muốn giải đấu của mình trở nên hấp dẫn, và họ tìm cách nâng tầm nó nhờ các hợp đồng với các ngôi sao thế giới đang chơi bóng ở châu Âu. Song, dường đó dường như chưa đủ để họ khẳng định giá trị của mình.
3. Suy cho cùng, sự khẳng định giá trị của bóng đá Trung Quốc không phải là họ thành đồng sở hữu Man City, hay mua được một ngôi sao Chelsea. Nó phải đến từ sức mạnh, hình ảnh đích thực của cả nền bóng đá. Mà nền bóng đá Trung Quốc thì chỉ mạnh khi so với những đội chiếu dưới châu Á. Họ không phải ở tầm vóc của người Hàn Quốc hay người Nhật Bản và nó càng không thể đạt tầm vóc đó chỉ nhờ việc mua lại 1 đội bóng, hay vài con người.
Xem ra, người Trung Quốc đang ngày một giàu có hơn. Nhưng họ vẫn chưa xác lập được một giá trị của Trung Quốc hiện đại và vẫn chỉ đơn giản nghĩ rằng cứ vung tiền ra để mua là có nghĩa đã săn tìm được giá trị ấy.
Hà Quang Minh
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất