Chữ và nghĩa: 'Be bé' và 'tre trẻ'

09/09/2020 06:36 GMT+7

(giaidauscholar.com) -Hẳn là nhiều người chúng ta còn nhớ mấy câu thơ này trong bài thơ “Đi học” của Hoàng Minh Chính (đã in trong tập Hương cốm, NXB Kim Đồng, 1975 và đưa vào sách giáo khoa Tiếng Việt, lớp 2, tập 1, NXB Giáo dục, 2002)...

Chữ và nghĩa: 'Điểm phần trăm' là điểm gì vậy?

Chữ và nghĩa: 'Điểm phần trăm' là điểm gì vậy?

Gần đây, khi so sánh tương quan số người ủng hộ các ứng cử viên tranh cử Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ tới (2021-2025, sẽ bầu vào tháng 11/2020), các báo hay các trung tâm điều tra xã hội học hay đưa ra khái niệm "điểm phần trăm".

“Trường của em be bé

Nằm lặng giữa rừng cây

Cô giáo em tre trẻ

Dạy em hát rất hay”...

Hẳn là nhiều người chúng ta còn nhớ mấy câu thơ này trong bài thơ “Đi học” của Hoàng Minh Chính (đã in trong tập Hương cốm, NXB Kim Đồng, 1975 và đưa vào sách giáo khoa Tiếng Việt, lớp 2, tập 1, NXB Giáo dục, 2002).

Có một lần, lâu lắm rồi, tôi nghe một cháu bé hỏi: "Mẹ ơi, trường của em be bé tức là trường thế nào ạ?" thì được mẹ trả lời: "Là trường của em rất bé con ạ". "Vậy Cô giáo em tre trẻ là "cô giáo rất trẻ" đúng không mẹ?". "Đúng rồi!", bà mẹ tiếp lời con.

Lúc đó, quả thật tôi ngờ ngợ về cách giải thích của bà mẹ nọ. Tôi cũng định lên tiếng giúp bà mẹ trẻ giải thích cho cháu học sinh kia hiểu rõ hơn. Nhưng đây là giờ học tại gia của hai mẹ con nhà nọ (tôi chỉ là khách qua chơi). Hơn nữa, cái "ngờ ngợ" của tôi mới chỉ vào cảm thức ngôn ngữ bình thường, chứ muốn làm người tư vấn, nhất là "trọng tài" ngôn từ phân giải thì e rằng tôi chưa đủ lý lẽ xác đáng.

Nếu theo lời giải nghĩa của bà mẹ thì câu "Trường của em be bé" sẽ đồng nghĩa với câu "Trường của em rất bé" và câu "Cô giáo em tre trẻ" cũng đồng nghĩa với câu "Cô giáo em rất trẻ". Rõ ràng, lập luận như vậy là không ổn.

Chú thích ảnh
Rất nhiều bạn trẻ khi đi học vẫn nhớ câu "Trường của em be bé"

"Be bé", "tre trẻ" là hai từ láy, còn "rất bé", "rất trẻ" là hai tổ hợp tự do (có "rất" là một phụ từ chỉ mức độ). Thực ra, nếu phân tích một cách máy móc (dựa vào các thành tố và mối quan hệ cú pháp giữa các thành tố) không phải lúc nào cũng hợp lý. Bởi người ta có nhiều cách diễn đạt cho cùng một nội dung ngữ nghĩa.

Như đã nói, “be bé” và “tre trẻ” là hai từ láy. Láy là một phương thức tạo từ. Phương thức này thực hiện theo cơ chế hòa âm trên cơ sở lặp, nhân đôi, nhân 3, nhân 4 âm tiết. Thí dụ, đỏ → đo đỏ, khéo → khéo léo (láy đôi); xốp → xốp xồm xộp, sạch → sạch sành sanh (láy ba); bềnh → bập bà bập bềnh, nháy → nhấp nha nhấp nháy (láy tư)...

Như vậy, "be bé" là láy của "bé". Nghĩa của "be bé" được hình thành từ nghĩa của "bé". "Tre trẻ" là láy của "trẻ". Nghĩa của "tre trẻ" bắt nguồn từ nghĩa của "trẻ". Về hình thức, hai từ này được "nhân đôi". Vậy về ngữ nghĩa nó có nhân đôi để dẫn tới suy luận là "rất bé" và "rất trẻ" không?

Trong trường hợp này là không.

Cũng phải nói thêm là, có nhiều trường hợp "thêm vào" của láy sẽ tạo ra nghĩa "mạnh hơn" do biểu thị ý "liên tiếp" của sự tình. Ví dụ: rào → rào rào, ầm → ầm ầm, (tối) thui → (tối) thủi thùi thui, (mưa) dầm dề → (mưa) dầm dà dầm dề, (béo) núc) → (béo) nung núc, lổng chổng → lổng chà lổng chổng, phạch → phành phạch, độp → đồm độp v.v… Những từ láy như vậy có sự tăng tiến về nghĩa.

Nhưng nhiều trường hợp thì từ láy lại có giá trị "giảm nghĩa" so với từ gốc. Cùng cấu trúc biểu hiện này là hàng loạt từ: xanh → xanh xanh (hơi xanh, có vẻ xanh), trắng → trăng trắng (có vẻ trắng), đắng → đăng đắng (có vẻ đắng, không đắng lắm), đỏ → đo đỏ (hơi đỏ), chua → chua chua (hơi chua, có cảm giác chua), xấu → xâu xấu (có vẻ xấu) v.v…

Theo hướng suy luận đó thì, "be bé" (hay bé bé) có nghĩa "hơi bé", "tre trẻ" (hay trẻ trẻ) có nghĩa "hơi trẻ", "khá trẻ". "Hơi" và "khá" là những từ có tính ước lượng (hơi: chỉ có một chút, chỉ phần nào - hơi đau, hơi non; khá: ở mức độ tương đối - khá xinh, khá cao). Vì có tính ước lượng nên ngữ nghĩa của nó hoàn toàn phụ thuộc vào cách đánh giá chủ quan của người nói. Viết "Trường của em be bé" hay "Cô giáo em tre trẻ" là nhà thơ tự đánh giá theo cách nhìn của mình. Thực ra, trường bé hay be bé, cô giáo trẻ hay tre trẻ cũng không thực quan trọng lắm. Vì nó không ảnh hưởng tới cấu tứ bài thơ. Tuy vậy, nó lại có giá trị ngữ dụng và tăng tính biểu cảm của các câu thơ.

Trong các cuốn từ điển tiếng Việt gần đây, các nhà biên soạn đã phải mở ngoặc để chua thêm giá trị sử dụng của các từ ghép đó: ý mức độ mạnh, ý mức độ nhiều, ý mức độ liên tiếp, ý mức độ giảm nhẹ, ý mức độ yếu...

Trường em hơi bé vẫn yêu

Cô em hơi trẻ vẫn nhiều niềm vui...

PGS-TS PHẠM VĂN TÌNH

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm