12/02/2025 18:00 GMT+7 | Văn hoá
Một cô giáo dạy ngữ văn đã nhắn tin nhờ tôi giải đáp giúp một vấn đề liên quan đến chính tả. Đó là khi cô giảng câu ca dao "Anh như táo rụng sân đình/ Em như gái dở đi rình của chua", cô đã viết là "gái dở". Khi học sinh thắc mắc là tại sao viết "gái dở" (mà không viết là "gái giở", "gái rở" hoặc "gái trở")?, thì cô thực sự lúng túng.
Cô tra trang Thi viện (qua Google) thì câu này được ghi 2 biến thể. Nhưng ở câu thứ 2 (được coi là biến thể chính) lại ghi "Em như gái dở đi rình của chua", còn "gái rở" thì được xếp vào biến thể "khảo dị" (đối chiếu với biến thể khác).
Để tư vấn cho cô giáo (đang cần giải đáp), tôi vội tra ngay cuốn Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên, Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, 2020). Đây là cuốn từ điển (cỡ trung, 46.890 từ), có chua xuất xứ từ nguyên (từ Hán - Việt, từ gốc Âu - Mỹ…), có chú từ đồng nghĩa, trái nghĩa, có đầy đủ các cách viết chính tả… Có thể có nhiều biến thể chính tả liên quan tới từ này nên tôi lần lượt tra các từ "gái dở", "gái giở", "gái rở", "gái trở". Không hề thấy. Như vậy, từ điển đã không thu thập các từ theo mô hình "gái + X" như một mục từ.
Có thể thành tố X đứng độc lập. Tôi tra tiếp xem nghĩa của "dở", "giở", "rở"… thì có kết quả như sau:
DỞ là động từ, nhưng chuyển chú, xem GIỞ.
Tranh minh hoạ: Internet
DỞ là tính từ, có 2 nghĩa: 1. Không hay, không đạt yêu cầu, do đó không gây thích thú, không mang lại kết quả tốt (trái nghĩa với "hay"). (VD: Vở kịch dở, hát rất dở…); 2. Ở tình trạng chưa xong, chưa kết thúc. (VD: Viết dở bài báo, đang dở câu chuyện thì có khách…).
GIỞ là động từ có 2 nghĩa: 1. Mở một vật đang được gấp hoặc đang gói bọc ra. (VD: Giở báo ra đọc, giở gói bánh); 2. Đưa ra dùng để đối phó lại. (VD: Giở mánh khóe để lừa gạt, tổ trưởng giở nguyên tắc lao động ra…).
GIỞ là động từ, nhưng là phương ngữ, chuyển chú, xem TRỞ.
TRỞ là danh từ, phương ngữ, có nghĩa "tang". (VD: Nhà có trở, để trở).
TRỞ là động từ, có 4 nghĩa: 1. Đảo ngược vị trí, cho đầu thành đuôi, trên thành dưới và ngược lại. (VD:Trở cá cho chín đều, trở đầu đũa…); 2. Quay ngược lại, đi về hướng hay vị trí ban đầu. (VD: Trở về quê cũ, quay trở vào…); 3. [Diễn biến] chuyển sang chiều hướng khác, thường là xấu đi. (VD: Trời trở gió, trở giọng nói mỉa, người đang khỏe trở bệnh…); 4. [Từ cái mốc xác định] hướng về một phía nào đó để tính phạm vi thời gian, không gian, số lượng. (VD: Từ Vinh trở ra, 80 năm trở về trước…).
Các cách giải nghĩa trên đều không ăn nhập với "ăn dở/rở" như trong câu ca dao. Lại phải truy tìm tiếp. Ta thấy còn một biến thể khác nữa. Đó là RỞ. Nhưng từ điển (Hoàng Phê, 2020, vừa dẫn) này lại không thống kê "rở" là một từ độc lập.
Đành phải giở tiếp mấy cuốn từ điển tiếng Việt khác. Trong "Từ-điển Việt-Nam" (Thanh Nghị, Sài Gòn, 1958) có từ: RỞ (ĂN) là danh từ, có nghĩa: Nói người đàn bà có thai thích ăn vị chua, ngọt.
Tra tiếp một cuốn cỡ lớn: "Đại từ điển tiếng Việt" (Nguyễn Như Ý chủ biên, NXB Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 1999) thì thấy: RỞ là động từ, với nghĩa: (Người đàn bà có thai) thích ăn của chua và những thứ lạ.
Manh mối vấn đề liên quan tới ngữ nghĩa câu ca dao là từ đây. (Tuy nhiên, cả 2 từ điển đều chú từ loại không chính xác, Thanh Nghị chú là danh từ, Nguyễn Như Ý chú động từ). Sau một hồi suy xét, tôi tra lại từ điển (Hoàng Phê, 2020) thì thấy từ: ĂN RỞ là động từ, có nghĩa: [Phụ nữ mới có thai] thèm ăn của chua, hoặc một vài thức ăn đặc biệt, khác thường. (VD: (…) "Mấy hôm trước tôi hay ăn chua, chanh khế quanh vườn nên mẹ rôi sợ tôi ăn rở, điềm sắp có thai…(…)" - Huy Cận).
Cách giải thích này là hoàn toàn hợp lý (về chính tả, từ loại và ngữ nghĩa). Có điều, lẽ ra, từ điển phải tách giải nghĩa riêng thành tố "rở" (giống như "vã" trong "ăn vã", "tái" trong "ăn tái", "xổi" trong "ăn xổi"…). "Gái rở" là một kết hợp từ, chỉ "người con gái mới mang thai thích ăn rở". Khi được phản ánh sự bất cập này, Trung tâm Từ điển học hứa sẽ xem xét bổ sung nét nghĩa riêng mới cho từ "rở" vào lần xuất bản tới.
Truy mãi thì cũng phải ra
Cô nàng "gái rở" lân la táo đình.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất