12/06/2024 14:00 GMT+7 | Văn hoá
Cách đây 50 năm, tôi biết được World Cup lần thứ 10 năm 1974 tổ chức tại Tây Đức qua một bài tường thuật ngắn trên báo. (Hồi đó, Việt Nam đang trong thời kỳ khó khăn, điều kiện thông tin hạn chế, nên báo chí ta đưa tin thể thao rất chậm và đơn giản).
Bài tường thuật Lễ khai mạc World Cup năm đó có chi tiết vua bóng đá Pelé, trong bộ com-lê "màu mận chín", xuống sân đá quả bóng khai cuộc trận mở màn (giữa đội Tây Đức và đội Chile, ngày 14/6/1974).
Lúc ấy, quả thực tôi cũng chưa hình dung được "màu mận chín" đúng như nội hàm ngữ nghĩa mà hiện nay người Việt đang hình dung. Cũng bởi quê tôi (Nam Định và các vùng đồng bằng Bắc Bộ) hồi đó chỉ trồng chủ yếu loại mận khi chín có màu xanh, chứ mận chín có màu tím sẫm thì gần như không thấy. Hiện nay, chúng ta thấy có loại mận hậu (Sơn La, còn gọi là mận Bắc, bán tràn ngập từ tháng 5 đến tháng 7). Loại mận này, có một màu rất đặc trưng, từ đó mà kho tàng chỉ màu sắc trong tiếng Việt có thêm một từ đặc biệt: "Màu mận chín".
Đó cũng là một từ được hình thành qua cách ghi nhận của người Việt Nam khi quan sát sự vật trong cuộc sống.
Ngoài những màu cơ bản (xanh, đỏ, vàng, đen) hoặc màu quang phổ (đỏ, da cam, vàng, lục, lam, chàm, tím) thì người Việt luôn có những màu mô phỏng mọi sự vật đang có quanh ta. Chỉ riêng màu chỉ tông xanh thôi đã có rất nhiều: xanh cánh chả, xanh da trời, xanh dương, xanh lá cây, xanh nõn chuối, xanh nước biển, xanh rêu, xanh su hào, xanh trứng sáo…
"Màu mận chín" là một trong những màu mô phỏng màu sắc của quả cây. Chỉ có rất ít quả được quan sát và định danh: Màu (da) cam, màu chanh, màu đu đủ, màu hồng đào, màu ớt (chín)… Màu mận chín theo cách quan sát, tri nhận và liên tưởng của người Việt là màu tím sẫm. Nó là hỗn hợp pha giữa các màu đỏ, đen và xanh với những tỷ lệ khác nhau. Màu này được người Anh liên tưởng tới màu của quả cherry.
Và nó đang được coi là trend khá "nóng" trong cách lựa chọn màu sắc đối với mốt thời thượng hiện nay. Cũng bởi nó gây ấn tượng lạ mắt, khỏe khoắn, duyên dáng và quyến rũ trên sàn trình diễn thời trang hiện nay. Tiếng Anh có từ "prune" để chỉ màu này, mặc dù người Việt Nam khi viết vẫn dùng lối dịch "canke ngữ nghĩa" (dịch đúng tổ hợp từ Việt sang tổ hợp từ Anh tương ứng) là "ripe plum color".
Tuy nhiên, chỉ với màu mận chín thì có thể dùng cách dịch miêu tả như vậy. Do ở Anh (và châu Âu) có cây mận và quả mận của nó cũng có màu sắc như mận hậu Việt Nam. Nhưng với nhiều màu mô phỏng khác thì việc tìm từ tương đương là không thể.
Chẳng hạn, các màu như "màu mắm tôm", "màu cháo lòng" hoặc "màu nước dưa", đã rất quen thuộc trong giao tiếp tiếng Việt. Những màu này xuất phát từ các món ăn được coi là đặc sản ẩm thực Việt Nam.
Với đa số người Việt, những món như vậy rất hấp dẫn, đến mức màu sắc của nó đã ăn sâu vào tiềm thức cộng đồng, khiến người ta liên tưởng tới màu đặc trưng của từng món ăn này. Với những chuyên gia dịch thuật, họ sẽ gặp nhiều lúng túng khi chuyển ngữ. Đa số đành chọn một "giải pháp tình thế" là giữ nguyên cách viết của nguyên ngữ (ví dụ: color "cháo lòng", color "mắm tôm", color "nước dưa") rồi mở ngoặc đơn phụ chú hoặc kéo "foodnote" xuống dưới để giải thích (do phải diễn giải khá dài mới đáp ứng được yêu cầu miêu tả).
Nhắc đến "màu mận chín" là nhắc tới một đặc sản trái cây rộ lên trong những năm gần đây ở miền Bắc Việt Nam. Mận chín đang ở khoảng thời gian cuối mùa. Ngoài vị ngọt chua đặc trưng (gần với vị giôn giốt), trái mận hậu cũng góp công quan trọng trong việc hình thành một danh từ mới, rất đặc trưng cho tư duy "tri nhận và phản ánh" của người Việt Nam.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất