05/01/2022 14:00 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Dư luận gần đây đang nóng lên về chuyện “thổi giá” bộ “kit” xét nghiệm Covid-19. Tình hình nghiêm trọng đến mức các cơ quan chức năng lập tức vào cuộc và những đối tượng tham gia vào vụ việc này đã bị khởi tố, bắt giam.
Thực ra, từ “thổi giá” đã xuất hiện (và xuất hiện khá nhiều) trong giao tiếp tiếng Việt gần đây. Google cho biết có tới 25,7 triệu kết quả với từ khóa này. Cũng không ít báo đưa tin, rút tít về hiện tượng “thổi giá” trên thị trường. Chẳng hạn: “Phó Thủ tướng: Xử nghiêm đối tượng lợi dụng thông tin thổi giá đất” (Vietnamnet, 11/5/2021); “Kon Tum vào cuộc ngăn sốt đất, xử nghiêm đầu cơ tung tin thổi giá” (Vietnamnet, 28/5/2021); “Bộ Xây dựng đề xuất sửa luật, cò đất hết cửa náo loạn thổi giá ăn chênh” (Thị trường, 30/9/2021); “Việt Á bị cáo buộc 'thổi giá' kit xét nghiệm như thế nào?” (VnExpress, 3/1/2022); “Thổi giá kit xét nghiệm Covid-19” (Tuổi trẻ, 2/1-2021) v.v… Chuyện “thổi giá” đã trở thành hiện tượng xã hội bất bình thường và có dấu hiệu của sự làm ăn không đàng hoàng minh bạch, thậm chí phạm pháp.
Từ điển tiếng Việt từ trước đến nay chưa có từ “thổi giá”. “Giá” là một từ, chỉ “biểu hiện giá trị bằng tiền” (“Từ điển tiếng Việt”, Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, 2020). Vào các cửa hàng, siêu thị, ta thường thấy dưới một mặt hàng nào đó luôn có một tờ giấy, hay một tấm biển ghi “giá… đ”. Rộng hơn, nói khái quát có từ “giá cả”. Ghi giá, bán theo giá là hoạt động bình thường trong trao đổi, mua bán, kinh doanh thương mại. Tất nhiên, trong buôn bán, nhiều khi người bán phá vỡ quy luật cung cầu (giá cả được định từ chi phí sản xuất, nhưng lại phụ thuộc vào nguồn cung và nguồn cầu). Họ hoặc là phải tìm cách bán thấp đi (phá giá) hoặc cố tình nâng giá quá mức cần thiết.
Với chuyện tác động, đẩy giá lên cao (hoặc xuống theo ý mình), có một số từ liên quan.
“Nâng giá”, là “đưa giá bán lên mức cao hơn” hoặc “nâng tỉ giá đồng tiền so với các ngoại tệ và nâng hàm lượng vàng của đồng tiền”. Ví dụ: Gần Tết nên các cửa hàng thực phẩm đều nâng giá. Phải nâng giá chứ nếu không thì sẽ thua lỗ.
“Đội giá”, là “làm cho giá thành bị đẩy lên cao trên mức bình thường hoặc mức dự tính”. Ví dụ: Chỉ sau mấy ngày mà đất nơi này bỗng đội giá kinh khủng.
“Ép giá”, là “gây sức ép làm cho (ai đó) phải bán với giá thích hợp (có thể cao hơn, nhưng thường là thấp) để có lợi cho mình”. Ví dụ: Vải thiều thu hoạch về luôn bị tiểu thương ép giá, đành chịu thiệt.
“Thổi giá”, là “nâng giá quá cao tới mức bất bình thường (so với chi phí cần thiết), nhằm trục lợi hoặc với một ý đồ nào đó (gây rối loạn thị trường, chẳng hạn)”.
Kết hợp từ này (thổi giá) có chữ “thổi”, chỉ hành động “chúm miệng lại và làm cho luồng hơi bật mạnh từ trong miệng ra”. Ta thường thấy người ta thổi bóng bay, thổi bong bóng xà phòng, thổi ống tiêu… Một quả bóng bay (bằng cao su) rất nhỏ, khi được thổi hơi vào, trong một khoảng thời gian rất ngắn sẽ nhanh chóng tăng kích cỡ, to hay nhỏ tùy theo người thổi.
Có lẽ, người ta đã tận dụng đặc điểm ngữ nghĩa này để tạo nên kết hợp “thổi giá” mà ta vừa phân tích. Đó là hiện tượng nâng giá nhanh bất thường, phá vỡ quy luật giá cả thông thường, tạo nên hiệu ứng tiêu cực trong giao dịch thị trường và trong xã hội. Hiện tượng này phổ biến đến nỗi, có lẽ trong thời gian không xa, “thổi giá” sẽ được xem xét bổ sung vào từ điển tiếng Việt.
PGS-TS Phạm Văn Tình
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất