21/02/2024 17:45 GMT+7 | Văn hoá
Sáng mùng 4 Tết Giáp Thìn, Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao huyện Quốc Oai (Hà Nội) có phát chương trình về Tiếng làng. Tiếng làng ở đây là tiếng của một làng quê trong huyện.
Theo phóng sự thì "Tiếng làng như một thẻ căn cước, không cần xuất trình, không cần hỏi, chỉ cần phát âm ra lời nói thì sẽ biết người đó đang ở vùng miền nào, làng quê nào". Vậy nên hiểu "tiếng làng" như thế nào đây?
Tiếng trong tiếng Việt có nghĩa đầu tiên là "ngôn ngữ" (tương đương trong tiếng Anh là: language; tiếng Pháp: langue; tiếng Nga: язык…). Ta thường phân biệt tiếng Việt với các thứ tiếng nước ngoài khác: tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Hán, tiếng Nga, tiếng Tây Ban Nha… Đó là các ngôn ngữ chính của các quốc gia. Nhưng còn các ngôn ngữ "dưới quốc gia" thì người Việt cũng dùng "tiếng" để chỉ. Chẳng hạn, Việt Nam có 3 vùng phương ngữ chính: Tiếng Bắc bộ, tiếng Nam bộ, tiếng Trung bộ.
Dưới các phương ngữ chính lại có các phương ngữ nhỏ hơn (tiếng địa phương): Tiếng Hà Nội (tiếng Hà thành), tiếng Sài Gòn, tiếng Huế, tiếng Nghệ An, tiếng Quảng Nam… Và dưới "tiếng nhỏ hơn" đó lại có tiếng nhỏ hơn nữa: Tiếng Hải Hậu (Nam Định), tiếng Thạch Thất (Hà Nội), tiếng Can Lộc (Hà Tĩnh), tiếng Vĩnh Linh (Quảng Trị)… Rồi tiếng của một làng, một thôn, một xóm cụ thể: Tiếng Làng Chẽ, Làng Bưởi, Làng Mơ…, tiếng Thôn Đông, Thôn Đoài, Xóm Thượng, Xóm Hạ… Tiếng ở đây chỉ ngôn ngữ của cộng đồng nào đó, có khi chỉ là cộng đồng rất nhỏ (làng, xóm), do sự cách biệt về ranh giới địa lý. Tiếng cũng có thể mang đặc trưng một phương ngữ xã hội: Tiếng lóng, tiếng bồi, tiếng chợ đen…
Vậy thì có một loại thổ ngữ (phương ngữ địa lý) chỉ riêng cho một làng quê được gọi là tiếng làng là chuyện bình thường. Cũng theo phóng sự trên thì huyện Quốc Oai "có cả trăm làng" và kèm theo "có cả trăm tiếng làng" (như tiếng của: Phú Mỹ, Bương Tấn, Thầy Gồ, Thạch Thán, Ngô Sài, Đồng Thuận, Pho Sở…). Tất nhiên, khi được gọi là tiếng làng A, làng B, làng C… (theo công thức "tiếng + X") là phải có sự khu biệt nhất định (về từ ngữ, cách phát âm, nghi thức giao tiếp) để người địa phương đó coi là "căn cước" của họ.
Thí dụ như một người làng Thạch Thán nói câu: "Con mang cho thây cái khăn để chui ban thơ ngay Tết nhé" thì phát ngôn này được "dịch" ra tiếng Việt toàn dân là "Con mang cho thầy cái khăn để chùi (lau) bàn thờ ngày Tết nhé)". Ở đây, người địa phương không gọi là "bố mẹ" mà gọi "thầy bu", khi phát âm bỏ thanh điệu huyền, đưa về thanh không (chiều tà = chiêu ta) hoặc chuyển thanh điệu ngã thành hỏi (Ngọc Mỹ = Ngọc Mỷ, cãi cọ = cải cọ)… và những khác biệt này trở thành "đặc sản" của mỗi làng, mỗi xã.
Dân gian thường giải thích là do "nguồn nước" mà nơi đó sử dụng. Thực chất, đây chính là hệ quả của lối sống "độc lập, tách biệt, khép kín" của cộng đồng làng xã xưa. Tự cung tự cấp, họ chủ yếu quan hệ, giao lưu, hoạt động (việc làng, việc họ, cưới xin, mừng thọ…) trong phạm vi làng xóm. Nếu có ra ngoài (đi chợ, đi chơi, đi xa) hoặc mời ai đó ở nơi khác qua nhà thì cũng hãn hữu và sự hãn hữu này không ảnh hưởng nhiều tới ngôn ngữ của họ.
Ngày nay, mọi quan hệ (đối nội, đối ngoại) được mở rộng, các thông tin xã hội, thông thương lan tỏa, các tiện ích công nghệ phát triển làm "nhòe" dần ranh giới phương ngữ và tiếng Việt toàn dân. Nhưng dù thế nào thì vẫn tồn tại những đặc trưng phương ngữ và "tiếng làng" là một điển hình của ngôn ngữ vùng miền. Đó là một nét riêng, nét văn hóa rất đáng trân trọng.
Sự đa dạng ngôn ngữ cũng giống như sự đa dạng sinh học. Việc cộng sinh tồn tại (của thiên nhiên và xã hội) càng nhiều, càng có sự khác biệt, càng làm cho cuộc sống thêm phong phú và sự phong phú đó góp phần bổ sung, hoàn thiện cho nhau. Chúng ta đừng nghĩ là việc hướng tới sự giữ gìn sự trong sáng và chuẩn hóa tiếng Việt là "triệt tiêu" cái riêng biệt của mọi phương ngữ.
Sự thống nhất trong đa dạng là nguyên lý quan trọng của mọi ngôn ngữ trên thế giới. Chúng ta nên trân trọng và giữ gìn sự đa dạng đó. Bởi đấy chính là nét đặc trưng, nét văn hóa, nét đẹp của tiếng Việt ngàn năm.
Ngỡ đến đây chỉ để nghe em nói
Giọng miền quê đánh thức mọi thờ ơ
Để hiểu em, anh phải cần "phiên dịch"
Chính điều này làm nên một tứ thơ.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất