Khổ như... tình nguyện viên World Cup

12/07/2014 08:22 GMT+7 | Hậu trường World Cup

(giaidauscholar.com) - Với các fan bóng đá, được chọn làm tình nguyện viên tại World Cup 2014 giống như sự may mắn tuyệt vời, cơ hội hiếm có trong đời để được sống cùng không khí của giải đấu. Tuy nhiên chỉ người trong cuộc mới biết rằng chuyện không chỉ có màu hồng như thiên hạ tưởng.

Sau khi Brazil thảm bại trước Đức, dư luận đánh giá các tình nguyện viên bản địa sẽ cảm thấy khổ sở, khó khăn, khi phải tiếp tục làm việc trong giải đấu mà đội tuyển quốc gia không thể lọt vào tới trận chung kết.

Vô cùng bức xúc

Thực tế thì "khổ sở", "thất vọng", "chẳng xứng với công sức" là những từ đã xuất hiện từ lâu trong tâm trí không ít người thuộc 15.000 tình nguyện viên của FIFA, ngay từ khi giải World Cup mới bắt đầu.

“Tôi tới đây vì yêu bóng đá, không phải bởi hy vọng sẽ được trả lương hay kiếm được thứ gì đó miễn phí" - một tình nguyện viên Italy giấu tên nói với New York Times - "Nhưng tôi nghĩ họ (FIFA) nên đối xử với chúng tôi một cách tôn trọng. Chuyện giống như họ đang lợi dụng chúng tôi, rằng chúng tôi chỉ là những con số với họ".

Khoảng 1.100 tình nguyện viên quốc tế hiện đang rất tức giận vì những vấn đề lớn: họ không được cung cấp nơi ở và những người huấn luyện công việc cho họ chỉ nói tiếng Bồ Đào Nha. Số khác bức xúc vì những vấn đề nhỏ hơn như không có đủ tiền để đi tới sân vận động và về nơi ở; chỉ được 1 chai nước, chút ít hoa quả và một đĩa đồ ăn cho mỗi bữa.

Không ít tình nguyện viên nước ngoài đã phải làm việc trong các ca trực kéo dài tới 9 giờ đồng hồ hoặc hơn. Chuyện các nhóm đông tới 6 người phải thuê nhà và ngủ cùng nhau chẳng hiếm. Một tình nguyện viên còn bị trấn lột đồ 2 lần khi ở một khu vực an ninh kém, song là nơi duy nhất anh có đủ tiền để thuê nhà.

Nhưng điều khiến họ thất vọng nhất là không được trực tiếp theo dõi các trận đấu. "Ít nhất người ta cũng phải cho các tình nguyện viên mỗi người 1 tấm vé, hoặc để một phần ghế cho chúng tôi" - Hans van de Vrugt, người mới được ghi nhận công lao vào tuần trước, sau khi xuất hiện đều đặn tại sân Maracana trong hơn 2 tuần, cho biết.

Để có tiền thực hiện chuyến đi tới Brazil, Van de Vrugt đã phải tiết kiệm chi tiêu suốt 1 năm trời. Nhưng ngay trong tuần đầu ở Brazil, Van de Vrugt và một nhóm khoảng 6 tình nguyện viên bắt đầu gặp nhau ở một quán cà phê gần Maracana, nhằm chia sẻ sự thất vọng của họ.

Một tình nguyện viên tới từ Đông Âu, người tạm nghỉ công việc chính gần 2 tháng trời để dành thời gian cho World Cup, tuyên bố: "Tôi cảm thấy tiếc khi đi hàng ngàn cây số tới đây chỉ để lâm vào tình cảnh này". Một người Mỹ khác chia sẻ: "Tôi tưởng mình may mắn khi được chọn làm tình nguyện viên. Nhưng giờ tôi không chắc lắm".

Chỉ là công cụ giúp FIFA thu lợi?

Ngoài Van de Vrugt, tất cả các tình nguyện viên đều giấu tên. Họ không vui vì cách FIFA đối xử với mình, nhưng vẫn sợ bị đá khỏi chương trình và sẽ chẳng còn được ở gần không khí World Cup. Điều này cho thấy sức quyến rũ khổng lồ mà bóng đá tạo được với các fan. Vấn đề là FIFA đã không ngại làm giàu từ tình yêu đó.

Được biết hoạt động tình nguyện tại các sự kiện thể thao lớn như World Cup đang bùng nổ. FIFA nói rằng khoảng 152.100 người đã ghi danh để được trở thành tình nguyện viên World Cup 2014, tức gấp đôi con số đăng ký tại World Cup 2010 ở Nam Phi, gấp 3 lần World Cup 2006 ở Đức.

Nếu thiếu các tình nguyện viên đông đảo này, sự kiện bóng đá lớn nhất hành tinh hẳn đã không diễn ra. Nhờ sự góp sức của họ trong các khâu như bán vé, kiểm soát an ninh, chuẩn bị sân thi đấu..., FIFA mới có một World Cup diễn ra khá suôn sẻ và dự kiến thu lãi tới 2 tỷ USD. Câu hỏi đặt ra là tình nguyện viên được hưởng bao nhiêu từ khoản lãi ấy?

FIFA hiện không nói rõ có bao nhiêu tình nguyện viên ở World Cup được trả lương. Tuy nhiên một số tình nguyện viên cho NY Times biết họ đã được yêu cầu phải ký vào một tờ giấy cam kết vẫn vui vẻ nếu không được trả lương.

Các tình nguyện viên tiếp xúc với NY Times đều nói rằng họ không mong chờ việc được FIFA trả lương. Tuy nhiên họ vẫn muốn FIFA quan tâm tới mình hơn, như thêm một quả chuối vào mỗi bữa ăn hoặc cho họ cơ hội được thưởng thức các trận đấu.

Biết đâu FIFA đã cho họ thêm chuối, nhưng lại chỉ thông báo bằng tiếng Bồ Đào Nha? Dù sao, phàn nàn cũng chẳng thay đổi được gì cả. “Tôi nghĩ nếu FIFA cần người dọn nhà vệ sinh tại World Cup, họ vẫn có thể kiếm được tình nguyện viên, đơn giản bởi ai cũng phát cuồng với bóng đá" - một tình nguyện viên từ Áo nói.

Tường Linh (Theo New York Times)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm