Chung sống an toàn với Covid-19

17/02/2021 15:05 GMT+7 | Thế giới

(giaidauscholar.com) - Những sân ga đìu hiu vắng bóng dòng người xa quê trở về nhà đón Tết Nguyên đán, những chuyến du lịch được lên kế hoạch hoàn hảo trong kỳ nghỉ Xuân bị hủy bỏ... Bầu không khí ảm đạm do đại dịch COVID-19 đang bao trùm ở nhiều nước trên thế giới vào thời điểm thường được xem là một trong những khoảng thời gian đi lại nhộn nhịp nhất trong năm.

Thế giới ghi nhận hơn 110 triệu người mắc Covid-19

Thế giới ghi nhận hơn 110 triệu người mắc Covid-19

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h ngày 17/2 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 110.017.863 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 2.428.130 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 84.839.201 người.

Thế giới ghi nhận mốc 110 triệu ca mắc COVID-19 trong bối cảnh như vậy, dù quãng thời gian số ca mắc tăng thêm 10  triệu có xu hướng dài ra, dấu hiệu cho thấy tốc độ lây lan virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu đã giảm.

Suốt nửa cuối năm 2020 và tháng đầu năm 2021, trung bình khoảng 2 tuần, số ca mắc COVID-19 lại tăng thêm 10 triệu. Tuy nhiên, theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong 1 tháng qua, số ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 trên toàn thế giới đã giảm 44,5%, mức giảm lớn nhất và được duy trì lâu nhất kể từ khi đại dịch COVID-19 khởi phát hồi đầu năm ngoái.

Riêng trong tuần đầu tháng 2, số ca mắc mới COVID-19 trung bình trên toàn thế giới là 412.700 ca/ngày, giảm gần một nửa so với mức kỷ lục theo ngày được ghi nhận trong tuần đầu của tháng 1/2021 là 743.000 ca. Với đà giảm trên, sau hơn 3 tuần số ca mắc tăng thêm 10 triệu.

Thế giới ghi nhận mốc 110 triệu ca mắc vào sáng 17/2, còn mốc 100 triệu ca là sáng 26/1. Một số chuyên gia nhận định việc nhiều nước triển khai chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 đại trà và hàng loạt quốc gia tiếp tục áp đặt các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt đã có tác động tích cực.

Trong ảnh: Hướng dẫn làm hồ sơ tiêm phòng COVID-19 tại Trung tâm Y tế Lotus, Ba Lan. Ảnh: Văn Long - TTXVN phát
 Hướng dẫn làm hồ sơ tiêm phòng COVID-19 tại Trung tâm Y tế Lotus, Ba Lan. Ảnh: Văn Long - TTXVN phát

Mặc dù số ca mắc COVID-19 ở một số điểm nóng đang có chiều hướng giảm nhưng sự xuất hiện của một loạt biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có tốc độ lây lan nhanh hơn nhiều lần so với chủng gốc, thậm chí một số biến thể chứa đột biến được cho có thể kháng các loại vaccine đang lưu hành, đã buộc một loạt quốc gia áp đặt lệnh hạn chế đi lại.

Tính đến ngày 16/2, biến thể của virus SARS-CoV-2 lần đầu tiên phát hiện tại Anh đã xuất hiện tại 94 quốc gia vào vùng lãnh thổ, tăng 8 nước/vùng lãnh thổ so với tuần trước đó. Trong khi đó, biến thể phát hiện tại Nam Phi đến nay đã xuất hiện tại 46 quốc gia và biến thể phát hiện tại Brazil đã xuất hiện tại 21 nước.

 Khi dịch bệnh chưa thể khống chế hoàn toàn, cộng đồng người châu Á đón Tết Nguyên đán 2021 trong một không khí trầm lặng hơn, thay vào đó tinh thần chống dịch được nâng lên. “Đang ở đâu ăn Tết ở đó” là thông điệp xuất hiện ở Việt Nam, Trung Quốc… năm nay.

"Xuân vận" - hoạt động "di cư" thường niên lớn nhất thế giới ở Trung Quốc dịp Tết Nguyên đán - đã bắt đầu từ ngày 28/1 song lượng hành khách di chuyển đã giảm đáng kể. Hàn Quốc đã quyết định duy trì các quy định giãn cách xã hội cho đến hết kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

Không chỉ khuyến khích người dân sử dụng các cuộc gọi video để giảm gặp mặt trực tiếp trong dịp Tết Nguyên đán, Thái Lan, quốc gia với khoảng 10% dân số sống dựa vào ngành du lịch, yêu cầu cách ly 2 tuần đối với người nước ngoài tại các khách sạn được chỉ định, với mức giá 1.000 USD trở lên.

Một nhân viên y tế được tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Tokyo, Nhật Bản ngày 17/2/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Một nhân viên y tế được tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Tokyo, Nhật Bản ngày 17/2/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Việt Nam cũng đón Tết Nguyên đán khi đợt dịch mới vừa bùng phát tại một số địa phương. Chống dịch trong bối cảnh bình thường mới với các biện pháp khẩn trương, chủ động, thần tốc truy vết, giám sát chặt chẽ… đã và đang được triển khai. Tình hình dịch tại các tỉnh, thành phố ở Việt Nam đã cơ bản được kiểm soát, song nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng vẫn luôn thường trực.

Diễn biến dịch tại một số điểm nóng vẫn phức tạp, nhiều trường hợp mắc bệnh trong cộng đồng chưa rõ nguồn lây, khiến cả xã hội luôn phải đề cao cảnh giác để sống chung an toàn với đại dịch COVID-19.

Trong khi đó, tại Mỹ, các trường đại học đã phải hủy bỏ kỳ nghỉ Xuân nhằm hạn chế sinh viên đi lại. Tổng thống Joe Biden, sau quyết định bắt buộc đeo khẩu trang tại một số địa điểm công cộng, đã tái áp đặt các biện pháp hạn chế đi lại đối với hành khách đến từ hơn 20 nước châu Âu, Nam Phi và Brazil.

Kết quả một nghiên cứu mới cho thấy biến thể virus SARS-CoV-2 từ Anh đang lan nhanh tại Mỹ và có nguy cơ dẫn đến làn sóng dịch thứ tư tại nước này vào tháng 3 tới. Tỷ lệ lây nhiễm của biến thể mới cao hơn ít nhất 35%-45% so với các biến thể thông thường và mức độ lây lan của biến thể mới cứ 10 ngày lại tăng gấp đôi.

Việc di chuyển đến các nước trong Liên minh châu Âu (EU) cũng bị hạn chế khi EU siết chặt quy định nhập cảnh đối với du khách ngoài khối. Một lệnh phong tỏa nghiêm ngặt hơn được áp dụng tại Hy Lạp từ ngày 11/2 nhằm ngăn chặn nguy cơ bùng phát làn sóng lây lan dịch bệnh thứ ba. Tại Đức, chính quyền của Thủ tướng Angela Merkel đã quyết định gia hạn thêm 3 tuần lệnh phong tỏa hiện nay cho tới ngày 7/3 tới, sau khi bùng phát một ổ dịch tại một viện dưỡng lão ở bang Niedersachsen liên quan đến biến thể của virus SARS-CoV-2.

Điểm đáng lưu ý là tất cả 14 cụ bị nhiễm bệnh ở cơ sở  trên đều đã được tiêm 2 mũi vaccine phòng COVID-19 do hãng dược BioNTech (Đức) và Pfizer (Mỹ) bào chế. CH Séc cũng vừa ban bố tình trạng khẩn cấp mới kéo dài 2 tuần, bắt đầu từ ngày 15/2.

Các chiến dịch tiêm chủng cũng đang được đẩy nhanh trên toàn cầu. Israel dẫn đầu thế giới về tỷ lệ người dân được tiêm vaccine với hơn 40% dân số, trong đó có khoảng 2,3 triệu người đã tiêm xong cả 2 mũi.

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 14/2/2021. Ảnh: THX/ TTXVN
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 14/2/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Tuy nhiên, vấn đề cung cấp vaccine công bằng vẫn được xem là thách thức, trong bối cảnh các nước giàu ở Bắc bán cầu đang được nhận vaccine trước tiên trong khi các nước ở Nam bán cầu đang trong cảnh không có vaccine.

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã lên kế hoạch thảo luận về tình trạng tiếp cận các loại vaccine ngừa COVID-19 vào ngày 17/2, còn Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đã liên tiếp nhắc lại lời cảnh báo rằng trong bối cảnh virus và các biến thể của SARS-CoV-2 đang lây lan khắp thế giới, an ninh toàn cầu chỉ có thể được đảm bảo khi mọi người được bảo vệ như nhau.

Giới chuyên gia cũng khẳng định việc tìm ra các loại vaccine mới ngừa COVID-19 sẽ không thể giúp chấm dứt đại dịch nếu tất cả các nước trên thế giới không được nhận vaccine một cách nhanh chóng và công bằng. Nếu vaccine không được phân phối công bằng hơn, có thể phải mất vài năm thế giới mới có thể kiểm soát được dịch COVID-19 trên phạm vi toàn cầu.

 

Các chuyên gia ước tính nhu cầu vaccine trên toàn thế giới là khoảng 10 tỷ liều. Tuy nhiên, trong ngắn hạn và trung hạn, năng lực sản xuất vaccine còn nhiều hạn chế, sự thiếu hụt vaccine quá lớn. Hơn nữa, việc phân bổ vaccine không đồng đều giữa khu vực giàu nghèo, phần lớn nhu cầu vaccine của các nước đang phát triển khó có thể được đáp ứng đầy đủ.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus  đã hối thúc các nhà sản xuất vaccine đẩy nhanh tiến độ, khi mà hơn 3/4 số vaccine được giao là ở 10 quốc gia giàu nhất thế giới, trong khi khoảng 130 quốc gia - với tổng số 2,5 tỷ dân, chưa được tiêm vaccine.

Cùng với nỗ lực đẩy mạnh sản xuất vaccine là nỗi lo về hiệu quả của chúng với các biến thể mới đang xuất hiện ngày càng nhiều. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Anh phụ trách công tác tiêm chủng vaccine Nadhim Zahawi, đến nay trên thế giới có khoảng 4.000 biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Điều này đặt ra thách thức cho các hãng dược phẩm trên thế giới phải tìm cách cải tiến vaccine khi mà virus SARS-CoV-2 không ngừng biến đổi.

Tại Việt Nam, 120 mũi tiêm thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 vaccine Nano Covax sản xuất trong nước cho 60 tình nguyện viên đã hoàn tất. Qua đánh giá bước đầu, các chuyên gia cho biết vaccine Nano Covax an toàn, tạo ra phản ứng miễn dịch tốt, có tác dụng với virus SARS-CoV-2, kể cả biến thể mới. Quá trình thử nghiệm giai đoạn hai đã được khởi động. Bên cạnh đó, chính phủ cũng ưu tiên nhập khẩu vaccine ngừa COVID-19.

Ở thời điểm này, khi virus cùng các biến thể vẫn lây lan và vaccine chưa đủ để cung cấp cho tất cả mọi người, có thể thấy, thế giới không có lựa chọn nào khác là phải chung sống an toàn với dịch COVID-19, trên tinh thần "an toàn mới hoạt động”. Điều quan trọng hơn cả là mỗi người cần tự mình là một "lá chắn thép” phòng chống virus SARS-CoV-2 để giữ an toàn cho bản thân và xã hội trước đại dịch COVID-19.

Phan An/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm