12/10/2020 11:30 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Bên cạnh bài thơ Tây Tiến nổi tiếng, nhà thơ Quang Dũng còn viết tập hồi ký Đoàn binh Tây Tiến. Do nhiều nguyên nhân mà cuối năm 2019 (gần 70 năm sau), cuốn hồi ký mới được NXB Kim Đồng ra mắt lần đầu. Cuốn sách vừa đoạt giải A - Giải thưởng Sách Quốc gia 2020.
1. Nói đến nhà thơ Quang Dũng là nói đến bài thơ Tây Tiến nổi tiếng được chọn vào giảng dạy trong sách Ngữ văn lớp 12. Bài thơ ra đời năm 1948 ở Phù Lưu Chanh (một làng thuộc tỉnh Hà Nam), ban đầu có tên Nhớ Tây Tiến, sau tác giả đổi là Tây Tiến.
Bài thơ được làm rất nhanh với cảm hứng mãnh liệt của một người trong cuộc trực tiếp tham gia vào binh đoàn Tây Tiến - một đơn vị quân đội, thành lập đầu năm 1947, có nhiệm vụ đi làm nghĩa vụ Quốc tế tại Lào góp phần đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược.
Bài thơ khắc họa hình tượng người lính Tây Tiến dù gian khổ, ốm đau, sốt rét, không có thuốc men… vẫn lạc quan chiến đấu, vẫn giữ cốt cách hào hoa, yêu đời, lãng mạn… trên mọi thử thách khắc nghiệt của chiến tranh.
Chiến sĩ trong đoàn quân này phần đông là các chàng trai Hà Nội. Quang Dũng là đại đội trưởng Tây Tiến từ đầu năm 1947, đến cuối năm 1948 thì được điều động sang đơn vị khác. Tuy nhiên, cảm xúc về “những ngày Tây Tiến”, về một thời “Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh” thì còn theo ông mãi, như một nỗi nhớ, một ám ảnh khôn nguôi.
2. Năm 1952 ở Cổ Thành, Sơn Tây, tập bản thảo hồi ký Đoàn Võ trang Tuyên truyền Biên khu Lào - Việt (tiền thân của Đoàn binh Tây Tiến) được tác giả hoàn thành. Cùng năm đó, ông đã có ý định xuất bản nên viết "Mấy lời nói trước cùng độc giả" mở đầu tập sách.
Trong đó, ông chia sẻ: “Câu chuyện tôi viết đây là chuyện cũ đã 5 năm rồi. Viết cuốn này, Quang Dũng "chỉ hoài bão là người đọc sẽ thấy yêu quãng thời gian hoạt động của cái đơn vị ấy giữa những người dân giản dị, trong những khung cảnh muôn phần thay đổi của đất nước".
Sau "Mấy lời nói trước cùng độc giả", tác giả Quang Dũng còn viết phần "Thêm một vài dòng...". Ở đó, ông khẳng định: "Những tên người trong truyện này đều là tên thật cả. Những sự ghi chép đây, tác giả chép nguyên sự thực. Hôm nay, khi cuốn sách đang ở tay bạn đọc, khi cái quãng đời này đang diễn lại trong trang giấy, thì trong số những người có tên ký ở trên đây cũng đã khuất đi vô số...".
Thế nhưng, do nhiều nguyên nhân khách quan mà tập bản thảo hồi ký Đoàn Võ trang Tuyên truyền Biên khu Lào - Việt đã không được in thời gian đó cho đến năm 2019 (gần 70 năm sau), cuốn hồi ký mới được NXB Kim Đồng ra mắt lần đầu. Toàn bộ bản in trong sách từ tư liệu gia đình lưu giữ và sưu tầm từ bạn thân của nhà thơ Quang Dũng.
3. Cuốn sách Đoàn binh Tây Tiến cho chúng ta biết về thêm việc thành lập Đoàn Võ trang Tuyên truyền Biên khu Lào - Việt ngay từ những ngày đầu, với hạt nhân là một số chiến sĩ của Trung đoàn Thủ đô “làm nhiệm vụ đi tới những bản, những chòm, những mường của khu vực quân ta hoạt động để tuyên truyền chính sách đoàn kết của Chính phủ, tuyên truyền ý chí kháng chiến của dân tộc, tuyên truyền cái tinh thần của quân đội Việt Nam”.
Qua cuốn sách, độc giả hiểu hơn về Đoàn binh Tây Tiến và một Quang Dũng đa tài, “đa di năng”, tận tụy với công việc qua nhân vật Trần Quang, người Đại đội trưởng vệ binh trí thức; về người thi sĩ hào hoa “đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”…
Chị Phương Thảo, con gái nhà thơ Quang Dũng kể, các đồng đội, bạn bè, người thân - những người gần gũi nhất của nhà thơ - từng được biết về tập hồi ký này. Hồi ký đã được trích dẫn một chương vào Tuyển tập văn thơ Quang Dũng và nó đã được nhắc đến không chỉ một lần trong những câu chuyện liên quan.
“Gia đình chúng tôi rất vui khi cuốn sách đoạt giải cao tại Giải thưởng Sách Quốc gia 2020. Sắp tới, chúng tôi mong muốn tặng Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam di cảo cuốn sách này để giới thiệu rộng rãi đến bạn đọc” - chị Phương Thảo chia sẻ thêm.
Bênh cạnh cuốn Đoàn binh Tây Tiến, tập sách Nhà thơ Quang Dũng - người mang trong trắng đi tìm thanh cao cũng vừa được NXB Kim Đồng xuất bản. Sách gồm 3 phần, với 30 bài thơ, 29 bức tranh - là tác phẩm của Quang Dũng, và một số bài giới thiệu, phê bình. Toàn bộ bản in trong sách dựa theo bút tích chép tay của nhà thơ trong các cuốn sổ, thư từ, tư liệu... được gia đình và bạn bè ông gìn giữ.
Sinh thời, Quang Dũng thường tặng các sáng tác cho bạn bè chứ ít khi lưu lại. Chính vì thế, sau khi nhà thơ mất, chị Phương Thảo đã lặn lội tìm đến bạn bè cha với hy vọng tìm được di cảo của cha. Chị Thảo tin chắc chắn rằng cha luôn dõi theo và phù hộ chị cóp nhặt thêm những tư liệu quý giá để ra mắt bạn đọc những cuốn sách tươm tất hơn, như một lời tri ân của nhà thơ Quang Dũng tới những độc giả từng yêu mến thơ ông.
Hoa Chanh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất