10/10/2013 10:03 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Nhân dịp 25 năm ngày mất nhà thơ Quang Dũng và 65 bài thơ Tây Tiến, gia đình ông vừa mời các đồng đội và nhà văn thân thiết từ Hà Nội về dự lễ kỷ niệm tại Bảo tàng Mường ở tỉnh Hòa Bình.
Chuyến đi do gia đình nhà thơ Quang Dũng, Hội Nhà văn Hà Nội và Ban liên lạc Tây Tiến tổ chức. Buổi kỷ niệm mang tên "Ta mãi là mùa xanh xưa" (một câu thơ của Quang Dũng trong bài Không đề), nhân 25 năm mất của nhà thơ (1921-1988) và 65 năm ra đời bài thơ Tây Tiến.
Hiếm có cuộc đi nào mà những người tham gia đều là người trong cuộc, chia sẻ nhiều ký ức và cảm xúc đến vậy.
Bảo tàng Không gian văn hóa Mường nằm trên lối rẽ từ con đường mới mở mang tên Tây Tiến ở Hòa Bình, cách trung tâm thành phố 7km, cũng là một cơ duyên. Đường mới nên còn khá hoang sơ, sâu hun hút và ít người biết.
Đại tướng và thơ Quang Dũng
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội, mở đầu buổi lễ tưởng niệm theo cách rất thời sự. Ông nhắc đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp và lời khen dành cho bài thơ Tây Tiến. Đại tướng từng viết trong tác phẩm Chiến đấu trong vòng vây (NXB Quân đội Nhân dân, 1995): “Một người chiến sĩ trẻ tài hoa trong đoàn quân Tây Tiến ngày đó, sau này là nhà thơ Quang Dũng, đã có những câu thơ: Tây Tiến đoàn quân không mọc tóc/ Quân xanh màu lá dữ oai hùm/ Mắt trừng gởi mộng qua biên giới/ Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm".
Nhận xét này rất có ý nghĩa, bởi bài thơ Tây Tiến có lúc bị phê phán là “sa đọa, suy đồi”, khiến những chiến sĩ từng yêu mến bài thơ cảm thấy hoang mang. Lời khen của Đại tướng khiến các chiến sĩ yên lòng, họ hiểu rằng Đại tướng cũng thông cảm với những “đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”.
"Ta mãi là mùa xanh xưa"
"Em mãi là hai mươi tuổi/ Ta mãi là mùa xanh xưa/ Những cây ổi thơm ngày ấy/ Và vầng hoa ngâu mưa Thu/ Tóc anh đã thành mây trắng/ Mắt em dáng thời gian qua…" - những câu thơ tình của Quang Dũng được nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên đọc lên trong bài phát biểu đầu tiên.
Trong dịp này, gia đình nhà thơ cũng tặng cuốn sách Nhà thơ Quang Dũng trong ký ức người thân, tập hợp các sáng tác văn, thơ, nhạc của con cháu nhà thơ. Trong gia đình Quang Dũng, 2 người con trai đầu làm nhạc sĩ (Bùi Quang Vĩnh và Bùi Quang Thuận), con gái út làm thơ (Bùi Phương Thảo). Vợ ông là bà Bùi Thị Trạch cũng từng làm thơ, họa lại chính thơ của chồng.
Cả gia đình đều sáng tác nghệ thuật nhờ cảm hứng từ người chồng, người cha, người ông đã mất. Đây là điều hiếm có trong các gia đình văn nghệ ở Việt Nam. Chị Bùi Phương Thảo chia sẻ với nhà thơ Vân Long: "Bố Dũng chỉ để lại cho chúng cháu gia tài tinh thần thôi chú ạ! Thật may mắn là bố đã chia đều gia tài ấy cho tất cả các con".
Lê Giang
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất