Chuyện Hà Nội: Hội làng qua phố

13/04/2015 08:00 GMT+7

(giaidauscholar.com) - 1. Tôi đồng cảm với nhà thơ, nhà báo Ngô Mai Phong qua bài thơ có tên Lễ hội của ông: “Ta như lạc giữa niềm vui chen chúc/ Những kỳ linh không biết của thời nào/ Ta bỏ cả xích lô, ba gác/ Chạy theo nàng ngồi kiệu gót hài cao/ Ôi cơ bắp gã trai khuân vác/ Ta múa rồng, bạn thúc trống như điên/ Những khuôn mặt nợ áo cơm tù đọng/ Giờ thảnh thơi, không bợn chút ưu phiền/ Và cứ thế phố phường bốc cháy/ Dòng người chen, dòng người trôi/ Xe cộ nép bên hè cóm róm/ Chỉ còn ta và cây cối reo cười…”.

Đó chính là không khí lễ hội ở phố phường. Trong đó, chủ thể của lễ hội là những người dân vốn lam lũ, hiền lành, chất phác. Lễ hội là dịp để cộng đồng cùng tham gia gánh vác việc làng, là một sân chơi văn hóa tâm linh lành mạnh.

2. Hà Nội bây giờ còn hàng trăm lễ hội gắn với việc thờ phượng danh nhân đất nước. Mùa Xuân, mùa lễ hội, thi thoảng qua phố ta vẫn gặp đâu đây một đoàn dài đám rước hội làng. Quang cảnh ấy ở thôn quê thì bình thường, nhưng cái đám rước hội làng qua phố làm nhiều người xúc động và cả bức xúc.

Thật vui khi cuộc sống hôm nay hiện đại, phố phường nguy nga, nhà cửa, bê tông hóa đến tận ngõ ngách vẫn còn những lễ hội nguyên vẹn phong tục xưa. Hội đền Đồng Nhân độc đáo bởi đám rước từ tận trên đền thờ Hai Bà Trưng từ về Hà Nội, cả đám rước từ làng Phụng Công bên Hưng Yên cùng về trẩy hội Hai Bà…

Năm nay hội làng Phùng Khoang - làng Mọc có đám rước dài 3-4 cây số qua phố Nguyễn Trãi, vòng về chợ Thượng Đình rẽ vào phố Cự Lộc về làng Mọc. Bốn vị Thành hoàng của 5 làng Giáp Nhất, Phùng Khoang, Quan Nhân, Chính Kinh, Cự Lộc (Chính Kinh và Cự Lộc cùng thờ chung một vị Thành hoàng) đều là những anh hùng võ tướng, đã có công dẹp giặc, yên dân và lập nên làng. Hội Mọc mỗi năm là do một làng đứng ra đăng cai tổ chức, và năm 2015 là đến lượt làng Cự Chính mở màn khai hội.

Đoàn rước từ Phùng Khoang đến phố Cự Lộc đã làm nhiều người qua đường khó chịu vì làm giảm tốc độ lưu thông trên con phố hiện đang nóng chuyện ùn tắc. Đoàn rước kiệu chọn đi ngược chiều bên phía tây phố Nguyễn Trãi làm ai đó bức xúc, nhưng CSGT vẫn chấp nhận chỉ huy giao thông để đám rước tiếp tục hành trình.

Những “trục trặc kỹ thuật” khó tránh và vui như hội nên hầu như mọi sự được thể tất cho qua. Như đám rước kiệu hội làng Xuân Đỉnh mấy năm trước khi kiệu xô vào xe làm vỡ cửa kính xe ô tô. Dẫu đó là điều đáng tiếc chứ không phải cố ý. Để xảy ra sự cố đó, lãnh đạo quận và phường đã có ý kiến chỉ đạo đền bù cho người dân, nhưng họ không nhận mà xin sung vào quỹ công đức của chùa.

3. Nhìn chung tất cả đám rước lễ hội ở Hà Nội đều ít nhiều gây cản trở ùn tắc, nhưng lễ hội vốn thế: Đông đúc và có lúc… tả tơi. Không có cách nào khác, phố phường chấp nhận lễ hội như một tập quán văn hóa. Và giao thông hiện đại phải “nhường” lễ hội. Đúng thôi, bởi trước khi có phố, thì đường làng có từ ngàn năm nay rồi! Và những đám rước cùng lễ hội là nét đẹp văn hóa cần ưu tiên bảo tồn trong lòng thành phố.

Hãy đối xử với lễ hội ở phố phường bằng thái độ văn hóa. Công an trật tự và cả CSGT nên ứng xử với cảnh ùn tắc nhẹ nhàng khéo léo. Các ban tổ chức lễ hội cũng cần tính toán và phối hợp với địa phương để các đoàn rước lễ hội không ảnh hưởng lớn đến trật tự giao thông chung. Rất cần có những hành vi đẹp khi điều hành giao thông và giữ trật tự đường phố khi có lễ hội…

Tân Linh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm