26/01/2015 08:03 GMT+7
(giaidauscholar.com) - Thuở tôi còn bé tí, giấc mơ ngói hóa, đã là một giấc mơ dài nối biết bao thế hệ sau đó nữa. Rồi đến ngày lớn lên, tôi lại thấy người dân ở các đô thị mơ giấc mơ... bê tông hóa. Nào là mơ được ở nhà cao tầng, các công trình sinh hoạt sẽ được bê tông hóa, kiên cố hóa... Văn minh đô thị ám ảnh bao người, trong đó giấc mơ bê tông hóa cháy bỏng nhiều năm nhiều tháng...
Khi sống ở thành thị, tôi vẫn thấy khát vọng bê tông hóa hình như vẫn còn là... khát vọng. Rồi tôi phạm một sai lầm lớn là đem đánh đồng cái khát vọng kia với cái thành phố tôi qua, và thấy bức bối, ngột ngạt vì... bê tông.
Khoảng 25 năm trước, ngồi ở Huế, nhạc sĩ Nguyễn Đình Sáng bảo tôi: Hà Nội không thơ mộng như Huế, nhưng được cái nhiều cây xanh hơn, cổ kính hơn. So sánh ấy khiến tôi có cảm tình với Hà Nội. Một lần khi đang ngồi ở một quán bia hơi có dung mưa nhân tạo và che ô cho khách vỉa hè, anh bạn đồng nghiệp ở báo An ninh Thủ đô bảo: “Tôi thích cái hàng liễu mới trồng bên bờ sông Tô Lịch. Nhìn dáng cây biết đến một vẻ đẹp của dòng sông tương lai”. Có lẽ anh đang mơ vài năm tới, khi liễu kia rủ bóng xuống dòng sông Tô trong xanh sau cải tạo, anh và bạn bè sẽ được đi dạo mát bên dòng sông đẹp của thành phố mình...
***
Nạn lâm tặc như ai đó gọi đang là mối lo, vì Hà Nội mất nhiều cây gỗ quý. Cả thành phố sôi lên kiếm tìm thủ phạm. Vâng! chỉ bấy nhiêu đủ biết là người thành phố này cần cây xanh, cần bóng mát đến thế nào. Đi dọc đại lộ Trần Hưng Đạo hay trên nhiều con đường khác, bây giờ ta thấy cây xanh đang được đánh số. Bên Công ty công viên cây xanh Hà Nội còn lập cả hồ sơ lý lịch từng cây để quản lý trên máy tính.
Đó là một tín hiệu vui, một ứng xử văn hóa với di sản xanh làm ta yên lòng. Tôi cảm phục cố nhà văn Hà Nội Băng Sơn. Thuở sinh thời, ông đã lang thang khắp phố phường chỉ để đếm cây trên phố. Mỗi cây đối với ông hình như có số phận, có cảnh ngộ riêng. Nhìn cái dáng lòng khòng rảo bước, ông cũng đang trở thành một “cây” cổ thụ. Ông là cổ thụ chuyên viết về nét đẹp lối sống và ẩm thực người Hà Nội...
Ngồi với ông Nguyễn Thế Bá, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triền đô thị Việt Nam, ông bảo: Hà Nội mới chỉ bằng một phần của người ta về không gian xanh. Nam Ninh đang là thành phố bậc nhất về không gian xanh và cảnh quan môi trường không chỉ của Trung Quốc. Còn ở Bắc Kinh, người ta đang cho đập đi một số công trình xây dựng để trồng cây xanh, xây thêm hàng trăm công viên với hàng chục ngàn héc-ta để cải thiện môi trường vốn đang bức xúc... 12 tỷ USD là số tiền Bắc Kinh bỏ ra để giải quyết vấn đề không gian xanh phục vụ Thế vận hội 2008... Nghe thế tôi bỗng thấy cái chúng ta đang làm chưa thấm vào đâu. Thì ra khát vọng không gian xanh lớn hơn ta tưởng. Đôi khi ta vô tình không biết rằng mỗi ngày Hà Nội bị mất mát rất nhiều không gian xanh. Đi qua nhiều cái hồ, cái nào cũng có người ngày ngày đổ đất cát xuống để lấn chiếm. Hàng nghìn cây xanh đang bị bức tử bằng nhiều cách mà cách tàn bạo nhất là cạo vỏ, đốt lửa cho cháy gốc, hay thâm hiểm hơn, người ta xây bịt gốc cây lại bằng bê tông. Thiếu đất, thiếu dưỡng khí, cây yếu dần rồi chết...
Tôi chắc rằng nhà văn Băng Sơn nếu còn sống cũng như những chuyên gia cây xanh ở Công ty công viên cây xanh Hà Nội sẽ đau lòng…
Tân Linh
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất