02/07/2011 10:26 GMT+7 | Trong nước
(TT&VH) - Vì tội tấn công tình dục một nữ dọn phòng, cựu Tổng giám đốc Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) Dominique Strauss-Kahn đã bị cảnh sát Mỹ bắt giữ hồi giữa tháng 5 vừa qua, sự nghiệp chính trị của ông cũng theo đó mà tiêu tan. Nhưng vận may dường như đang trở lại với Strauss-Kahn, bởi qua điều tra, cơ quan công tố Mỹ phát hiện thấy "nạn nhân" của ông là nhân vật không đáng tin.
New York Times là tờ báo đầu tiên loan tin rằng cơ quan công tố đang rất nghi ngờ về tính tin cậy trong những lời khai của nữ nhân viên dọn phòng 32 tuổi tới từ Guinea.
“Nạn nhân” không đáng tin
Ông Dominique Strauss-Kahn (còn gọi là DSK) bị bắt sau khi người phụ nữ trên khai rằng ông đã khỏa thân bước ra khỏi phòng tắm và tìm cách tấn công tình dục cô. Các kiểm tra hình sự cho thấy đúng là cô gái đã có quan hệ tình dục. Tuy nhiên các luật sư của DSK nói rằng những bằng chứng đó "không đủ để ra kết luận là DSK đã dùng vũ lực để quan hệ" với cô gái.
New York Times dẫn nguồn tin từ phía cảnh sát Mỹ nói rằng trong ngày bị DSK tấn công tình dục, cô dọn phòng đã có một cuộc điện thoại bị ghi âm, với một người đàn ông từng phải ngồi tù. Qua điện thoại, cô đã "thảo luận về những lợi ích có thể có được" từ việc theo đuổi vụ kiện với DSK. Được biết người đàn ông ở đầu dây bên kia từng bị bắt vì tội mang theo 120g cần sa. Anh ta nằm trong một nhóm người đã gửi số tiền khoảng 100.000 USD vào trong tài khoản của cô dọn phòng, sau khi vụ việc của cô được báo chí loan tin.
Ngoài ra, cô gái đã từng nói dối về việc bị hiếp dâm trong đơn khai xin tị nạn ở Mỹ. Nhưng qua kiểm tra, nhà chức trách Mỹ thấy thông tin này không đúng sự thực.
Cơ quan công tố cũng cho biết rằng cô đã trả hóa đơn điện thoại lên tới hàng trăm đô la mỗi tháng cho 5 công ty. Trong khi đó tại cơ quan điều tra, cô này tuyên bố mình chỉ có mỗi một chiếc điện thoại và khẳng định không biết gì về các khoản tiền gửi vào tài khoản cá nhân.
Theo New York Times, cơ quan công tố đã thừa nhận với các luật sư của Strauss-Kahn rằng có những "sự cố nghiêm trọng" trong vụ của ông. Tệ hơn, họ có thể sẽ phải thú nhận với thẩm phán Michael Obus tại Tòa án tối cao New York rằng "họ có vấn đề với vụ việc" và toàn bộ 8 tội danh hình sự chống lại ông, gồm cưỡng hiếp cùng tấn công tình dục, có thể bị hủy bỏ.
Các diễn biến mới được xem là sẽ thay đổi vận may của DSK, người đã tiêu tan sự nghiệp ở IMF khi vụ việc bị phanh phui cách nay 6 tuần. "Hoàn toàn không có gì bất thường khi luật sư bào chữa xoáy vào tính đáng tin của nhân chứng trong một vụ án. Nhưng vô cùng bất thường khi thấy chính cơ quan công tố lại đặt vấn đề về tính đáng tin của nhân chứng của họ, nhất là trong sự kiện nổi tiếng như lần này" - chuyên gia phân tích luật Jack Ford của kênh truyền hình CBS News đánh giá - "Khi bạn thấy điều đó xuất hiện ở bên công tố, có nghĩa sẽ có những thay đổi chấn động trong vụ việc".
Hết cơ tranh đua chức Tổng thống?
Hiện chưa rõ những diễn biến mới sẽ có tác động ra sao tới tương lai DSK. Nhưng ít nhất tính không đáng tin của nạn nhân có thể giúp các luật sư của ông tìm cách để dỡ bỏ lệnh giam lỏng. DSK hiện được tạm trả tự do nhờ đóng tiền thế chân và phải chấp nhận các biện pháp giám sát vô cùng đắt đỏ như đeo máy theo dõi vị trí, lắp camera an ninh và có bảo vệ có vũ trang. Ông chỉ có thể rời nhà để tới tòa, đi nhà thờ, tới bác sĩ hoặc gặp luật sư và cơ quan công tố phải biết trước 6 tiếng về kế hoạch đi lại của ông. Riêng các biện pháp an ninh đã khiến DSK tiêu tốn số tiền tới 200.000 USD/tháng, chưa kể khoản tiền thuê nhà trị giá 50.000 USD/tháng.
Những người ủng hộ DSK tiếp tục khẳng định ông là nạn nhân của một âm mưu "ném bùn" từ các đối thủ chính trị. Từ nước Pháp, đảng Xã hội đã lên tiếng cho rằng vụ việc chống lại DSK sẽ sớm bị bác và ông sẽ sớm quay trở lại chính trường. Lãnh đạo đảng Xã hội Martine Aubry nói rằng bà hy vọng cơn ác mộng của DSK sẽ sớm chấm dứt, trong khi viên phó Jean-Marie Le Guen đánh giá Strauss-Kahn sẽ là "người chơi chủ chốt" trong cuộc đua giành ghế Tổng thống.
Thành viên đảng Xã hội Michele Sabban cho rằng việc lựa chọn ứng cử viên chạy đua vào ghế Tổng thống Pháp của đảng này, dự kiến diễn ra vào ngày 13/7 tới, nên bị đình lại. Trước đó DSK đã được xem là lá bài tốt nhất của đảng Xã hội để đánh bại đương kim Tổng thống Nicolas Sarkozy trong cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào năm tới. Nhưng cáo buộc hiếp dâm chống lại DSK và các thông tin khác liên quan tới đời sống tình dục cùng cách cư xử "không lành mạnh" của ông với phụ nữ đã thay đổi điều đó. Đảng Xã hội buộc phải thay đổi chiến lược và cách đây mấy ngày lãnh đạo đảng Martine Aubry đã phải tuyên bố sẽ ra tranh cử, dù trước đó chấp nhận chỉ đứng sau lưng DSK.
Các đối thủ của DSK như ông Sarkozy đã giữ im lặng. Thủ tướng Francois Fillon thì nói rằng người dân nên đợi kết quả việc xét xử trước khi đưa ra bình luận. Riêng lãnh đạo Mặt trận Quốc gia Marine Le Pen, người đã ghi cao điểm trong nhiều cuộc thăm dò dư luận, thì thẳng thắn hơn. "Cho dù có chuyện gì xảy ra ở tòa án thì tôi cũng không thấy có cách nào để ông ấy trở lại làm một ứng cử viên cho đảng Xã hội" - bà nói.
Khả năng quay lại chính trường cũng mong manh
Thực tế giới phân tích cũng cho rằng khả năng trở lại chính trường của DSK khá mong manh. Trong nhiều tuần sau vụ ông bị bắt, người Pháp đã phải bàn bạc lại về cái gọi là văn hóa tình dục của các quan chức, về việc vì sao dư luận ít quan tâm tới thói lăng nhăng của các ông nghị. Và với việc danh tiếng DSK đã tổn hại, người Pháp chắc sẽ không vui khi phải chọn ông làm nhân vật lãnh đạo đất nước.
Dựa vào đó, giới phân tích cho rằng trừ khi tòa án ra phán quyết bác bỏ hết các cáo buộc chống lại DSK, rất khó để ông có thể trở lại cuộc đua vào ghế Tổng thống Pháp, chưa nói tới chuyện cứu vãn sự nghiệp chính trị.
Tường Linh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất