"Tôi là người chỉ đạo xây dựng từ đầu, không thấy có bất cứ đại gia nào tham gia đồ án quy hoạch Hà Nội", Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn trả lời tại lễ công bố quy hoạch chung Hà Nội.* Trong các lần dự thảo quy hoạch Hà Nội trước đây có nói tới kinh phí triển khai quy hoạch khoảng 90 tỷ USD, trong đó tới 2030 cần 60 tỷ USD. Vì sao quy hoạch được duyệt không thấy nói đến kinh phí?- Kinh phí trước đây công bố là kinh phí làm đầu tư hạ tầng như hệ thống đường sá, đường đô thị, cống rãnh... Còn quy hoạch được duyệt nói đến dự toán toàn thành phố Hà Nội, trong đó bao gồm rất nhiều dự án, nhiều chủ đầu tư và mức độ đầu tư cũng khác nhau vì thế con số đó không phải là mức thực thi của toàn bộ thành phố. Đây chỉ là quy hoạch chung, định hướng thôi.* Vậy chúng ta sẽ lấy nguồn lực từ đâu để thực hiện đồ án này?- Đồ án có nêu mức tài chính đô thị để có thể khả thi. Trong đó, một phần từ nguồn ngân sách nhà nước, các nguồn vốn nước ngoài, từ nhà đầu tư, người dân và phải xã hội hóa. Trong triển khai quy hoạch, việc khai thác các nguồn vốn là thẩm quyền của chính quyền đô thị.
Thứ trưởng Nguyễn Đình Toàn. Ảnh: N.H
* Ông suy nghĩ như thế nào về lo ngại đồ án quy hoạch có sự thao túng của các đại gia bất động sản?- Tôi là người chỉ đạo xây dựng từ đầu và không thấy có bất cứ đại gia nào tham gia đồ án quy hoạch Hà Nội.* Vì sao trục Hồ Tây - Ba Vì trong đồ án được nêu rất mờ nhạt?- Trục này có điểm đầu là đường Hoàng Quốc Việt và điểm cuối là quốc lộ 21. Quy mô mặt cắt thay đổi suốt dọc đường đi. Có chỗ mặt cắt là 100 m, có chỗ 70 m phụ thuộc vào địa hình và cảnh quan từng khu vực. Thời gian xây dựng còn phụ thuộc vào đầu tư, thành phố Hà Nội sắp xếp kế hoạch.Trong quy hoạch phân khu tới đây cũng không vẽ chi tiết mặt cắt chung Hồ Tây - Ba Vì mà chỉ định hướng có trục.Thứ trưởng Nguyễn Đình Toàn: "Đồ án quy hoạch chung Hà Nội vẫn cập nhật và kế thừa dự án hai bên sông Hồng" |
* Có phản ánh rằng việc mở trục này được cho là làm lợi cho các dự án bất động sản? - Hai bên trục Hồ Tây - Ba Vì theo tôi biết chưa có dự án nào hoạt động. Có trục đó theo tôi chỉ có lợi cho thành phố. Để đi đến quyết định có trục này không chỉ một mình Chính phủ quyết mà đã qua nhiều cuộc họp, nhiều tính toán, kết luận thấy trục Hồ Tây - Ba Vì là cần thiết. Thứ nhất là để phát triển kinh tế - xã hội ở vùng phía tây, thứ hai là giải quyết vấn đề giao thông cho Hà Nội.* Với quyết định công bố đồ án quy hoạch, Bộ Xây dựng đánh giá như thế nào về tác động của nó tới thị trường bất động sản trầm lắng hiện nay?- Chắc chắn có quy hoạch thì thị trường bất động sản sẽ có thay đổi vì người ta biết chỗ nào sẽ được đầu tư, quy hoạch. Cũng vì thế nên chúng tôi mới trưng bày đồ án để nhiều đối tượng quan tâm. Ví dụ, các nhà đầu tư sẽ mời các chuyên gia đến nghiên cứu, chẳng hạn như tuyến đường này cắt qua chỗ này chỗ nọ thì có đầu tư hay không, đầu tư như thế nào.Hay có bản đồ quy hoạch không gian, có sa bàn rồi thì đối tượng để nghiên cứu tiếp cận hồ sơ rất khác nhau. Ý tôi là mọi thứ ở mức độ quy hoạch chung là rất rõ ràng, dưới góc độ chuyên môn các đối tượng khác nhau có thể xem và hiểu được.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Đình Toàn, trục Hồ Tây - Ba Vì
là cần thiết và có lợi cho Hà Nội. Ảnh: N.H.
* Vùng lập quy hoạch có trên 750 dự án, các dự án cũng đã qua mấy đợt rà soát. Vậy quy hoạch chung sẽ chấp nhận các dự án này hay tiếp tục rà soát lại?- Thực chất các dự án đó đều được nghiên cứu để xây dựng ý tưởng cho đồ án quy hoạch. Một trong những cơ sở của đồ án quy hoạch chung này là đã có nghiên cứu từ các dự án đó, chứ không phải không để ý đến chúng và làm quy hoạch trên tờ giấy trắng. Vì thế sắp tới có những dự án sẽ phải được cập nhật, theo đồ án quy hoạch chung, tức là có những dự án phải điều chỉnh vì liên quan tới hệ thống giao thông, rồi cốt nền khác nhau... Những dự án đã được duyệt cũng phải điều chỉnh quy mô, mật độ cho phù hợp trên cơ sở mô phỏng cho phù hợp quy hoạch chungSau giai đoạn này, việc triển khai các đồ án quy hoạch phân khu cụ thể mới có thể xác định rõ.* Số phận những dự án nào trong vành đai xanh sẽ được định đoạt như thế nào, thưa Thứ trưởng?- Đối với vành đai xanh sông Nhuệ, Thủ tướng đã có thông báo phân ra làm 3 loại rõ ràng: làng xóm, trường học, trạm xá của dân cư hiện hữu; các dự án đã và đang triển khai ở mức độ gần hoàn thiện và các dự án chưa triển khai. Đặc biệt với dự án chưa triển khai thì phân định rõ giữa cái nào đã đền bù giải phóng mặt bằng, thực hiện thuế, thu nhập tài chính và cái nào chưa làm gì. Cách ứng xử sẽ phải khác nhau.Việc triển khai các dự án trong vành đai sông Nhuệ sẽ phụ thuộc vào việc triển khai các quy hoạch phân khu mà thành phố Hà Nội sau này làm, Bộ Xây dựng phối hợp. Các chủ đầu tư dự án đang phối hợp với thành phố để lập quy hoạch phân khu cho phù hợp, tất nhiên không được thay đổi các định hướng lớn của quy hoạch chung.* Vậy nhà dân xây cao tầng trong hành lang xanh sẽ xử lý như thế nào?- Nhà dân mà xây trong hành lang xanh sẽ còn tùy thuộc việc nằm trong làng hay ở tuyến phố... Việc này đã giao cho các quận huyện quản lý vành đai xanh gồm Hà Đông, Từ Liêm, Thanh Trì, Hoài Đức.Trên quy định chung thì các công trình ở hành lang xanh phải thấp tầng, mật độ xây dựng thấp thế nhưng phải tính toán tới từng phường một chứ trong đồ án không nói rõ là chỉ được xây 3 tầng, chẳng hạn. Thành phố và địa phương bàn chi tiết nhưng Bộ sẽ giám sát.Khái niệm hành lang xanh, vành đai xanh, nêm xanh nằm trong quy định quản lý, quy định quản lý thì không chung chung cho cả thành phố mà là tùy từng nơi, từng tuyến đường, từng ngõ phố. Quy chế quản lý xây dựng trong vành đai xanh không nằm trong đồ án quy hoạch chungTôi cũng muốn khẳng định thêm là các dự án trong hành lang xanh rất ít, việc điều chỉnh thành phố sẽ phối hợp với chủ đầu tư. Với dự án làm đô thị sinh thái thì có thể chấp nhận được khi nằm trong hành lang xanh vì hành lang xanh không có nghĩa là không được xây dựng, chỉ có điều cần hạn chế tối đa xây nhà cao tầng.* Hơn 10 năm nay, việc giãn dân phố cổ (quận Hoàn Kiếm) vẫn chưa thực hiện xong. Ông nghĩ sao về tính khả thi của đồ án khi muốn giảm dân số nội đô từ 1,2 triệu xuống 0,8 triệu người?- Để thực hiện bài toán giãn dân thì phải làm những khu đô thị mới có điều kiện ít nhất bằng hoặc hơn chỗ cũ thì người dân mới đi. Theo tôi được biết thì Hà Nội đang chuẩn bị chương trình giãn dân phố cổ ra khu đô thị Việt Hưng, đã có những kết quả ban đầu chứ không đến mức độ bi quan lắm.Thực tế, ở Hà Nội, nhiều khu đô thị hạ tầng không đầy đủ, thiếu cây xanh, trường học... thì sẽ không có sự hấp dẫn và chuyện giãn dân rất khó. Trong khi đó, ở TP HCM người dân xếp hàng mua nhà ở khu đô thị mới. Làm khu mới phải tốt hơn, đảm bảo quyền lợi, có hạ tầng cây xanh, mặt nước... thì người dân mới đi. Tôi tin các nhà đầu tư có thực lực ở Hà Nội sắp tới sẽ làm đến nơi đến chốn.* Hiện Hà Nội vẫn có rất nhiều nhà cao tầng mọc lên nhiều ở nội đô, điều này có mâu thuẫn với chủ trương giãn dân?- Câu chuyện nhà cao tầng nội đô Thủ tướng đã có thông báo, giao Hà Nội xây dựng quy hoạch kiểm soát xây nhà cao tầng trong thành phố. Chi tiết thì phải hỏi Sở Quy hoạch Kiến trúc.
Theo Vnexpress