18/03/2013 11:58 GMT+7 | Văn hoá
Được đánh giá là một trong những chuyên gia đầu ngành về quy hoạch đô thị hiện nay, KTS Phó Đức Tùng là thành viên Ban giám khảo Cuộc thi Tài năng 2013 do CDEF (Quỹ Trao đổi và Phát triển Văn hóa, Đại sứ quán Đan Mạch) tổ chức. Anh từng học về kiến trúc tại Đức và tham gia nhiều dự án kiến trúc tại Trung Quốc, Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc..., đồng thời đứng tên chủ nhiệm trong một số đề án về quy hoạch chung Côn Đảo, Vịnh Nha Trang, bảo tồn kiến trúc di sản Hà Nội.
Không gian công cộng - “đất vàng” bị lãng phí
KTS Phó Đức Tùng |
- Không thể phủ nhận rằng những vùng không gian công cộng tại các đô thị lớn của chúng ta chưa được khai thác tốt. Và tôi nghĩ, một trong những lý do dẫn tới hiện trạng này đến từ cách thiết kế những công trình nằm kề các vùng không gian trên. Thực tế, khi xây dựng các đồ án của mình, những KTS trên thế giới luôn chú trọng tới vấn đề này. Thậm chí, với họ, sức ảnh hưởng của công trình lên không gian đô thị thường được coi là một trong những tiêu chí để đánh giá hiệu quả, hoặc trở thành yêu cầu bắt buộc phải giải trình khi thông qua đồ án.
Ngược lại, ở VN, do những đặc thù về đào tạo, các KTS của chúng ta có vẻ như chưa quan tâm đúng tới vấn đề này. Hoặc có quan tâm, điều kiện hành nghề cũng không cho phép họ tập trung sự chú ý vào việc xử lý mối quan hệ giữa công trình và vùng không gian bên cạnh….
* Anh có thể đưa ra một vài ví dụ về việc khai thác không gian công cộng tại Hà Nội?
- Chúng ta hay nhắc tới trường hợp Hồ Gươm như một điển hình cho điều đó. Nhưng để so sánh, đây vẫn là một không gian được khai thác tương đối tốt - nếu nhìn vào thực tế hiện nay và so sánh với ý tưởng của người Pháp khi quy hoạch vùng không gian trống này như một điểm trung tâm của Hà Nội.
Hoặc một vùng không gian khác do chính chúng ta tự thiết kế từ hàng chục năm trước là khu vực Quảng trường Ba Đình. Dù là sản phẩm của một giai đoạn còn rất thiếu kinh nghiệm về quy hoạch, không gian công cộng này vẫn được khai thác khá hiệu quả vì có sự tương tác hợp lý với những công trình kiến trúc xung quanh.
Ngược lại, rất nhiều vùng không gian công cộng tại Hà Nội ở vào tình trạng khai thác rất kém. Chẳng hạn, không gian cực lớn của Hồ Tây đang là sản phẩm của việc không được quy hoạch từ sớm, và tiếp sau đó là những biện pháp bảo vệ theo kiểu chữa cháy để tránh tình trạng lấn chiếm quanh hồ. Tuy nhiên, nếu chọn một ví dụ điển hình, tôi phải nói tới trường hợp của vùng không gian công viên Thống Nhất.
Để dễ hiểu nhất, bạn hãy đặt ra câu hỏi thế này: Nếu không có Hồ Gươm, Hà Nội sẽ không còn là Hà Nội trong cái nhìn của nhiều người. Công viên Thống Nhất cũng nằm tại vùng “lõi đô thị” như Hồ Gươm, thậm chí còn chiếm một diện tích lớn hơn rất nhiều. Tính theo giá đất, đó là một số tiền cực lớn mà chúng ta chấp nhận hy sinh để đổi lấy việc tạo dựng một không gian công cộng. Nhưng, tại sao không gian trống ấy lại hoàn toàn không có tác động tích cực gì tới bộ mặt của thành phố? Bởi đó là kết quả của của hàng loạt vấn đề, từ việc thiết kế, công năng, kết nối với hệ thống không gian bên cạnh cho tới chuyện rào kín, cách ly công viên với những trục giao thông quanh nó.
Phát biểu về cuộc thi, Đại sứ Đan Mạch John Nielsen nói: “Thông qua cuộc thi, chúng tôi mong muốn tìm kiếm những tài năng độc đáo trong lĩnh vực kiến trúc và khuyến khích những ý tưởng mới mẻ góp phần cải tạo không gian đô thị công cộng tại Việt Nam. Chúng tôi cũng mong muốn thu hút được sự tham gia của công chúng, để công chúng có thể nhận thức dược tầm quan trọng của không gian công cộng và vai trò của kiến trúc trong việc tạo ra những hoạt động công cộng nơi đô thị”. |
* Còn bây giờ, chúng ta đang có điều kiện để chú tâm hơn tới vấn đề tạo dựng không gian đô thị, khi mà hàng loạt thành phố mới bắt đầu hình thành tại VN?
- Có lẽ, cần phân biệt giữa điều kiện và năng lực thực hiện. Tất nhiên, tại những thành phố trẻ, hạng mục này bắt đầu được chú ý. Nhưng, quan tâm và dành đất, dành kinh phí cho không gian công cộng là một chuyện, còn việc có kinh nghiệm, có cơ chế cho phép làm đúng, làm tốt không lại là chuyện khác. Bởi, thật lòng, khi thiết kế, các KTS của chúng ta vẫn quen với đặt trọng tâm vào bản thân công trình hơn là cách biến những công trình ấy thành phương tiện để tạo tác động tích cực lên không gian cạnh nó.
Đừng ngại lạc đề!
* Với một thực tế như vậy, anh có chút lo ngại nào về chất lượng của Cuộc thi Tài năng 2013?
- Lo lắng duy nhất của tôi là khả năng "lạc đề", nhất là đối với các tác giả đang là sinh viên. Tôi vẫn phải nhắc lại: Các bạn đừng quá chú trọng vào việc thiết kế trực tiếp lên không gian trống, mà hãy tập trung vào việc cải tạo các công trình kiến trúc, với mục đích là để tăng giá trị của vùng không gian trống đó lên. Chúng ta có thể thêm bớt công trình, giảm chiều cao, thay đổi vật liệu, màu sơn, công năng, có thể đập bỏ một căn nhà, cắt một cạnh tường, sửa lại mặt tiền… Những thay đổi ấy phải hướng tới cái đích cuối cùng, sao cho không gian đựoc sử dụng tích cực và hiệu quả hơn.
Nghe qua thì tưởng dơn giản, nhưng trong rất nhiều lần hướng dẫn, giải thích cho sinh viên khi giảng dạy, tôi vẫn gặp những trường hợp nhầm lẫn. Tuy nhiên, với cuộc thi này, những trường hợp lạc đề vẫn tạo ra một tác dụng ngược rất tích cực: những KTS trẻ sẽ lập tức hoàn thiện cách hiểu về khái niệm còn khá mới này.
* Thực tế, vấn đề quy hoạch tại Việt Nam luôn phức tạp và phụ thuộc vào quá nhiều đối tượng. Vậy, khi chấm, Ban giám khảo có xét tới yếu tố khả thi trong những phương án được đưa ra không?
- Sẽ rất hoàn hảo nếu phương án đưa ra có tính khả thi cao trên thực tế. Nhưng là một cuộc thi về ý tưởng, sự độc đáo và mức độ sáng tạo luôn được đặt ra đầu tiên. Về điều này, chúng ta nhìn sang trường hợp của những cuộc thi thiết kế thời trang. Ở đó, có rất nhiều bộ thiết kế “không thể mặc nổi” trên thực tế, nhưng lại giành giải cao nhất. Bởi, những ý tưởng đưa ra rất hay, và người ta có thể ứng dụng một cách linh hoạt những sáng tạo đó vào thực tế, chứ không phải là chép nguyên si như thiết kế. Cuộc thi Tài năng 2013 cũng có thể nhìn theo cách ấy.
* Nếu thế, đâu là những tiêu chí để đánh giá sự sáng tạo của các ý tưởng dự thi?
- Bài thi sẽ được chấm dựa trên việc phân tích những ý tưởng va giải pháp cụ thể, cũng như tính phổ quát chung của vấn đề. Do vậy, người dự thi không nhất thiết phải chọn những đề tài quá hoành tráng mà hãy chú ý đặt các giải pháp kiến trúc của mình trong bối cảnh chung về không gian đô thị hiện nay.
Chẳng hạn, cùng chọn khu vực Hồ Gươm, bài thi "ôm" toàn bộ vùng không gian của khu vực này vẫn có thể không giá trị bằng bài thi chỉ lựa chọn giải quyết không gian của một góc kiến trúc ven hồ nhưng lại nhìn ra được đó là ví dụ tiêu biểu cho hàng ngàn trường hợp tương tự đang diễn ra tại Hà Nội. Khi ấy, những ý tưởng do bài thi đưa ra có thể được áp dụng tại nhiều vùng không gian khác để điều chỉnh hiện trạng chung ấy.
Tôi vẫn muốn nhắc lại: mục đích cao nhất của Cuộc thi Tài năng 2013 là việc góp phần tạo ra những thay đổi trong nhận thức và tư duy về quy hoạch, kiến trúc của không gian đô thị tại VN, chứ không đơn thuần là đi tìm giải pháp cụ thể cho một không gian cụ thể.
* Xin cám ơn anh về cuộc trò chuyện này!
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất