Vụ mất tích MH370: 'Diều hâu' pháp lý tìm cơ hội kiếm ăn

03/04/2014 07:12 GMT+7 | Trong nước


(giaidauscholar.com) - Trong 10 ngày trời, Monica R. Kelly và các luật sư hàng không thuộc công ty của cô ở Mỹ đã lượn lờ quanh những hành lang thiếu sáng ở khách sạn Lido, Bắc Kinh, Trung Quốc. Tất cả đều cố bám lấy thân nhân của các hành khách đi trên chuyến bay MH370 bị mất tích, với hy vọng đạt được một thỏa thuận hợp tác.

Kelly và cộng sự nói với các gia đình rằng một tòa án ở Mỹ có thể giúp mỗi nhà nhận được hàng triệu đô la nếu họ đồng ý khởi kiện công ty Boeing, nơi chế tạo chiếc Boeing 777-200 mang số hiệu MH370 đang mất tích.

"Trả bao nhiêu và khi nào"

"Vấn đề không còn là liệu các gia đình có được bồi thường hay không" - Kelly nói với phóng viên New York Times - "Câu hỏi là họ sẽ được trả bao nhiêu và khi nào?".

Một số gia đình hành khách Trung Quốc hiện không muốn đâm đơn kiện hay nhận tiền bồi thường từ Malaysia Airlines gửi tới theo yêu cầu bắt buộc của Công ước Montreal. Nhiều người không chấp nhận việc các hành khách đã chết, và tin rằng chính quyền Malaysia vẫn đang che giấu điều gì đó. Wang Le, người có mẹ đẻ đi trên MH370, nói rằng anh bắt đầu chấp nhận việc đã mất mẹ, song khẳng định giờ "chưa phải lúc để đòi bồi thường".

Kelly sử dụng mô hình một chiếc Boeing 777 để cho các gia đình thấy MH370 có thể đã bị sự cố ở đâu

Kelly sử dụng mô hình một chiếc Boeing 777 để cho các gia đình thấy MH370 có thể đã bị sự cố ở đâu

Tuy nhiên một số gia đình khác đã đồng ý nhận tiền bồi thường và bảo hiểm. China Life Insurance, công ty bảo hiểm nhân thọ lớn nhất Trung Quốc, thông báo trên trang web rằng họ có 32 hành khách đi trên chuyến bay và đã chi trả 670.400 USD cho 7 người trong số đó. Công ty nói rằng tổng số tiền chi trả bảo hiểm có thể tới gần 1,5 triệu USD. Ít nhất 5 công ty bảo hiểm khác của Trung Quốc cũng đã chi tiền.

Theo Công ước Montreal, các gia đình sẽ nhận được tiền bồi thường tối đa 174.000 USD mỗi hành khách. Các khoản chi trả như thế thường được thực hiện bởi một liên minh các doanh nghiệp tái bảo hiểm. Trong trường hợp MH370, công ty hàng đầu là Allianz Global Corporate & Specialty thuộc tập đoàn Allianz của Đức. Công ty nói rằng họ và các đơn vị tái bảo hiểm khác đã bắt đầu tiến hành thủ tục chi trả.

Hãng hàng không sẽ cố tìm cách thuyết phục các gia đình đồng ý nhận tiền và không khởi kiện. Nhưng giới luật sư như Kelly sẽ thuyết phục các  gia đình không làm điều này để tìm kiếm cơ hội đòi được nhiều tiền hơn nữa.

Mục tiêu là các dàn xếp ngoài tòa

Kelly thừa nhận MH370 là một trường hợp đặc biệt "khó nhằn". "Chúng tôi đã xử lý hơn 43 vụ máy bay rơi và chưa có tình huống nào như thế này, chưa từng" - cô nhấn mạnh. Công ty của Kelly là Ribbeck Law đã đâm 2 đơn kiện lên tòa án ở Chicago để yêu cầu Boeing tiết lộ thêm thông tin về vụ tai nạn. Nhưng các lá đơn bị bác và thẩm phán còn đe dọa sẽ trừng phạt công ty vì đưa ra yêu cầu không nhạy cảm với hoàn cảnh.

Không nản chí, Ribbeck Law đã gửi 6 nhân viên tới Bắc Kinh và 6 tới Kuala Lumpur để bắt liên lạc với thân nhân các hành khách. Đối thủ của họ cũng làm điều tương tự. "Bước tiếp theo là kiếm tiền chi trả bảo hiểm, không phải đơn kiện" - James Healy-Pratt, lãnh đạo phòng hàng không tại Công ty Luật Stewarts Law ở London nói.

Được biết 2 năm sau vụ rơi chiếc máy bay số hiệu AF447 của Air France xuống Đại Tây Dương hồi năm 2009, một thẩm phán Pháp ra quyết định rằng theo Công ước Montreal, hãng hàng không phải chi trả cho hành khách 126.000 euro (180.000 USD) mỗi người.

Air France đã đạt được thỏa thuận bồi thường riêng với phần lớn các gia đình đi trên chuyến bay đó. Các gia đình đã đồng ý với thỏa thuận riêng sẽ không được bồi thường thêm bất kỳ lần nào nữa, kể cả khi hoạt động điều tra cho thấy hãng hàng không có thêm lỗi và tòa phán quyết rằng hãng tiếp tục phải bồi thường.

Theo giới quan sát, số tiền bồi thường liên quan tới MH370 sẽ tùy thuộc vào thẩm quyền pháp lý của nơi người ta đâm đơn. Các tòa án Mỹ thường mang tới cơ hội tốt hơn trong việc giành lấy các khoản dàn xếp trị giá nhiều triệu đô la. Nhưng ở những nơi khác như Trung Quốc, tiền bồi thường sẽ thấp hơn nhiều.

Tòa án Trung Quốc chỉ giúp cho thân nhân hành khách thiệt mạng trong một vụ rơi máy bay nhận được tối đa 140.000 USD. Đây là trường hợp liên quan tới vụ tai nạn máy bay của hãng Henan Airlines hồi năm 2010. Zhang Qihuan, một luật sư đã nói chuyện với thân nhân hành khách đi trên MH370, đánh giá tòa án Trung Quốc sẽ không ra phán quyết bồi thường lớn hơn thế vì sợ tạo tiền lệ không hay. Nhưng ông nói rằng các gia đình có thể nhận nhiều tiền hơn nếu họ thực hiện các dàn xếp ngoài tòa, điều mà giới luật sư như Kelly đang cố đạt được.

Chưa phải lúc để khởi kiện

Một số người đánh giá còn quá sớm để bàn tới việc khởi kiện, bởi chưa có bằng chứng cho thấy vì sao máy bay mất tích. Robert A. Clifford, một luật sư tai nạn hàng không đóng ở Chicago nói rằng người ta không nên vội vã đâm đơn kiện lung tung. "Đây là cả tiến trình, không phải sự kiện xảy ra 1 lần. Trong cuộc đua này, anh không thể lúc nào cũng thắng nhanh chóng" - ông nói.

Lúc này giới chức Malaysia và Malaysia Airlines cũng đang chuẩn bị đối phó với thiệt hại tài chính không nhỏ từ vụ mất tích. Malaysia Airlines đã gửi 5.000 USD cho các gia đình để họ có tiền chi tiêu "nóng" như mua vé đi lại. Hãng hàng không nói vào đầu tuần này rằng họ đã mua bảo hiểm và có thể đáp ứng "tất cả các chi phí chấp nhận được" hình thành từ vụ mất tích máy bay.

Về phần mình, Kelly vẫn đang cần mẫn tìm kiếm khách hàng tiềm năng. Cô nói rằng tiền bạc không bao giờ có thể bù đắp lại tổn thất cho các gia đình. Nhưng cô từng xử lý 1 trường hợp người chồng bay cùng nhân tình rồi gặp nạn và người vợ đã "vô cùng vui sướng khi nhận được tiền".

Tường Linh (Tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm