Đảo chính, chuyện quen thuộc ở Thái Lan

23/05/2014 07:15 GMT+7 | Trong nước


(giaidauscholar.com) - Hôm 22/5, quân đội Thái Lan đã tuyên bố đảo chính và như thế một lần nữa can thiệp vào hoạt động chính trị nội địa, tiếp nối truyền thống lật đổ chính quyền rất dày dặn "thành tích" của lực lượng vũ trang nước này.

Cuộc đảo chính ở Thái Lan có tiền đề từ lệnh thiết quân luật được quân đội ban hành vào đầu tuần này. Lệnh thiết quân luật yêu cầu người biểu tình giải tán, báo chí bị kiểm duyệt và xe quân sự xuất hiện tại nhiều nơi ở thủ đô Bangkok. Khi đó quân đội Thái Lan nói rằng "không có chuyện đảo chính" và họ chỉ thi hành lệnh thiết quân luật. Nay đảo chính được xác nhận, tuy nhiên nó chẳng khiến giới quan sát lẫn dân thường ở Thái Lan ngạc nhiên, bởi đây đã là chuyện xảy ra "như cơm bữa" ở đất nước này.

Quyền đảo chính

Có một chi tiết đáng chú ý là tới tận giờ luật pháp Thái Lan gần như vẫn bảo vệ "quyền đảo chính" của quân đội. Cụ thể luật Thiết quân luật 1914 nêu rõ quân đội có "quyền lực cao hơn hẳn" các thể chế dân sự, trong việc duy trì trật tự và an ninh công cộng. Bởi thế, bất chấp việc đã có 82 năm đùa giỡn với đủ dạng nền dân chủ khác nhau, Thái Lan chưa bao giờ có thể giữ quân đội ở trong các trại lính hay giới chính khách ngồi trên ghế trong thời gian quá lâu.

Hoạt động đảo chính đã bắt đầu ở Thái Lan với việc lật đổ chế độ quân chủ chuyên chế vào ngày 24/6/1932, trong sự kiện còn được gọi là cuộc cách mạng Xiêm 1932. Trong một cuộc đảo chính không đổ máu, một nhóm nhỏ các sĩ quan quân sự tự gọi là "4 ngự lâm quân" đã lật đổ vua Prajadhipok, chấm dứt gần 7 thế kỷ chế độ quân chủ chuyên chế cầm quyền ở Thái Lan. Sau đảo chính, Thái Lan có hiến pháp đầu tiên, mở đường cho các hoạt động cải cách chính trị và xã hội mạnh mẽ.

Sau cuộc đảo chính, Thái Lan có một khoảng ngắn sống yên bình dưới sự quản lý của chính quyền dân sự. Tuy nhiên quân đội đã trở lại cuộc chơi vào năm 1947, trong bối cảnh chính quyền Thái Lan vấp phải bê bối tham nhũng và vua trẻ Ananda Mahidol đột ngột qua đời. Cuộc đảo chính năm 1947 đã giúp mở đường cho sự trở lại của Đại tướng Plaek Phibunsongkhram, một nhân vật theo chủ nghĩa dân tộc.Ông này nổi tiếng nhất với việc mang tới cho đất nước Xiêm cái tên Thái Lan như hiện nay. Ngoài ra, cuộc đảo chính của Phibunsongkhram còn đặt dấu ấn khổng lồ của quân đội trong việc định hình danh tính quốc gia ở Thái Lan.

Năm 1951, quân đội tổ chức một cuộc đảo chính mới, giải tán Quốc hội và đưa trở lại hiến pháp 1932. Cuộc đảo chính nhằm loại bỏ hết giới dân sự khỏi chính quyền, những người bị các viên tướng quân đội xem là phiền nhiễu, gây khó chịu. Cuộc đảo chính được tổ chức khi vua Bhumibol Adulyadej đang ở Lausanne, Thụy Sĩ. Sau khi đảo chính thành công, nhóm đã chỉ định Đại tướng Phibunsongkhram, một trong 4 "ngự lâm quân" vào ghế Thủ tướng.

Nhưng Phibunsongkhram cũng chẳng yên vị được lâu. Năm 1957, cuộc bầu cử Quốc hội tiếp theo của Thái Lan diễn ra, đã nhanh chóng chìm trong gian lận, với kết quả giúp Phibunsongkhram tiếp tục cầm quyền. Dân tình Thái Lan không chấp nhận sự dối trá này, đã đổ xuống đường biểu tình ở Bangkok. Sự hỗn loạn khiến quốc vương Bhumibol không vui và dẫn tới việc Đại tướng Sarit Thanarat dàn xếp một cuộc đảo chính. Sau khi Phibunsongkhram bị lật đổ, Pote Sarasin được bổ nhiệm làm lãnh đạo chính quyền lâm thời. Chỉ một năm sau đó chính Sarit lại tổ chức một cuộc "tự đảo chính" để tống cổ các đối thủ chính trị khỏi chính quyền Thái Lan. Việc ông này triển khai thiết quân luật đã dẫn tới một thời kỳ quân đội nắm quyền kéo dài.

Quân đội điều khiển cuộc chơi

3 năm sau khi một cuộc nổi dậy của nhân dân giúp chấm dứt chính quyền quân sự, giới chức quân đội đã trở lại chính trường Thái Lan, thông qua một màn can thiệp đầy bạo lực vào ngày 6/10/1976. Tại một trong những chương đen tối nhất của lịch sử đất nước, các nhóm bán quân sự cánh hữu đã tấn công một cuộc biểu tình tại trường đại học Thammasat bên ngoài Bangkok, nơi các sinh viên đang phản đối sự trở lại Thái Lan của cựu lãnh đạo quân đội Thanom Kittikachorn.

Hàng chục sinh viên biểu tình bị sát hại và hơn 100 người bị thương trong vụ đụng độ. Theo sau biến cố này, một chính quyền quân sự lại lên nắm quyền ở Thái Lan. Vụ tấn công sinh viên chủ yếu là để loại bỏ các tư tưởng cánh tả. Trước đó, người biểu tình đã bị báo chí xem là thành phần chống hoàng gia, khiến bộ máy cầm quyền hoảng sợ, tin rằng đất nước sẽ sụp đổ trước làn sóng đỏ đang lan rộng trên toàn cầu.

Cuộc đảo chính đáng chú ý nhất trong thời gian gần đây là vào tháng 9/2006, khi quân đội Thái Lan lật đổ Thủ tướng dân bầu Thaksin Shinawatra. Cựu tỷ phú này đang ở Đại hội đồng LHQ tại New York, Mỹ, khi bị lật đổ. Thaksin được lòng người dân nông thôn và tầng lớp lao động ở đô thị do các chính sách dân túy của ông.

Tuy nhiên cáo buộc Thaksin lạm quyền và thiếu sự tôn trọng với quốc vương Bhumibol Adulyadej đã khiến những người thân hoàng gia và tầng lớp trung lưu ở đô thị phẫn nộ, nhất là khi họ thấy ảnh hưởng của mình đang suy giảm. Chính họ đã gây áp lực, buộc quân đội lật đổ Thaksin.

Khi đảo chính, các viên tướng nói rằng họ chỉ củng cố sự đoàn kết quốc gia. Tuy nhiên giới phân tích đánh giá việc này là để bảo vệ quyền lực hoàng gia. Việc lật đổ Thaksin đã tạo một hố sâu ngăn cách trong xã hội Thái Lan, đẩy đất nước vào cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc và làm tiền đề cho vụ đảo chính vừa diễn ra. Một lần nữa, quân đội Thái Lan lại trở thành nhân vật chính, trên sân chơi chính trị.

Tường Linh (Tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm