Hôm nay, giải cứu 33 thợ mỏ

13/10/2010 11:00 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Ngày hôm nay (13/10), Chile sẽ bắt đầu đưa 33 thợ mỏ bị mắc kẹt ở độ sâu 700m dưới lòng mỏ đồng và vàng San Jose lên mặt đất. Giới phân tích đánh giá việc các thợ mỏ được giải cứu chỉ sau hơn 2 tháng kể từ thời điểm họ gặp nạn là một kỳ tích, nhưng cũng cảnh báo vẫn còn nhiều thách thức đang ở trước mắt những con người đã được xem là anh hùng ở Chile.


Lực lượng cứu hộ thử nghiệm thiết bị Phoenix, phương tiện
đưa các thợ mỏ lên mặt đất
Có thể nói vụ giải cứu ở Chile là một trong những hoạt động cứu hộ được thế giới theo dõi chặt nhất kể từ tháng 4/1970, khi các phi hành gia trên tàu Apollo 13 phát đi câu nói báo nguy nổi tiếng: “Houston, chúng tôi gặp sự cố”. Tuần này, sự chú ý của thế giới không tập trung trên trời mà hướng tới lòng đất sâu dưới mỏ San Jose, nơi 33 thợ mỏ đã gặp nạn cách đây gần 70 ngày trước và vẫn bị kẹt ở độ sâu hơn 700m.

Các trở ngại về tinh thần

Lực lượng cứu hộ Chile đã thành công trong việc khoan xuống chỗ các thợ mỏ mắc kẹt, gia cố lỗ khoan bằng các ống thép và thử thành công thiết bị cứu hộ Phoenix sẽ dùng để đưa họ lên mặt đất. Khi được kéo lên mặt đất, thợ mỏ sẽ được giám sát sức khỏe tinh thần, thể xác tại bệnh viện trong hai ngày và sẽ được tư vấn tâm lý trong 6 tháng tiếp theo.

Trong khi nhiều thợ mỏ thể hiện sự kiên cường, các chuyên gia đánh giá vài tháng tới, một số người trong số họ sẽ thể hiện các triệu chứng thông thường của hội chứng chấn thương tinh thần sau khi gặp nạn và trầm cảm, giống như người lính trở về từ chiến trường. “Họ sẽ gặp ác mộng, những ký ức kinh hoàng vụt về, họ toát mồ hôi trong đêm, lo lắng vô cớ...” – Robert Hogan, một nhà tâm lý đã có nhiều năm làm việc ho Hải quân Mỹ nhận xét – “Chấn thương nặng nhất mà họ gặp phải là tình trạng mất kiểm soát số phận và không đoán trước được tương lai. Những điều đó có thể khiến con người ta phát điên”.

Ngoài ra, xung đột gia đình sẽ xảy ra nhiều hơn. Các gia đình vốn thiếu vắng sự hiện diện của người đàn ông sẽ phải điều chỉnh lại sau khi họ trở về. Một số người có vợ và bồ nhí “đụng” nhau tại Camp Hope, khu trại tạm được Chính phủ Chile dựng lên cho thân nhân các thợ mỏ ở để ngóng tin con em họ, có thể sẽ phải cần tới sự trợ giúp của các nhà tư vấn hôn nhân.

Tuy nhiên, cũng có những người mối quan hệ trở nên mạnh mẽ, bền chặt hơn nhờ sự chung thủy của người chồng.

Cơ hội “đổi đời” nhờ... truyền thông

Ngay khi đặt chân lên mặt đất, các thợ mỏ sẽ bị săn lùng bởi hàng loạt các cơ quan báo chí quốc tế, đang thèm khát nghe câu chuyện “thoát khỏi địa ngục” của họ. Arnoldo Plaza Vega, 46 tuổi, người có thân nhân là thợ mỏ đang bị mắc kẹt, cho biết một số gia đình đã được báo giới trả giá tới 20.000 USD để tổ chức các cuộc phỏng vấn độc quyền.

Còn theo Scott Manville, sáng lập viên trang web TVFilmRights.com, một thị trường trực tuyến chuyên mua bán các câu chuyện đời thực, phí bản quyền để được ghi hình câu chuyện từ miệng mỗi thợ mỏ có thể dao động từ 10.000 – 50.000 USD. Cần biết thu nhập thường niên của mỗi thợ mỏ chỉ khoảng 9 triệu peso (14.000 USD), qua đó để thấy số tiền họ kiếm được từ báo chí không hề nhỏ.


Thân nhân các thợ mỏ phấn khích khi cuộc
giải cứu sắp kết thúc


Ngoài ra phải kể tới các nhà xuất bản, các nhà làm phim đã đề nghị trả một khoản tiền khổng lồ để viết sách và sản xuất phim tài liệu về những gì họ đã trải qua. Các thợ mỏ cũng đã được mời đi thăm viếng và nói chuyện tại Tây Ban Nha, Anh, Hy Lạp. Họ còn được ông trùm khai khoáng Leonardo Farkas tuyên bố sẽ tặng mỗi người 5 triệu peso (khoảng 10.000 USD).

Đó là những thay đổi chóng mặt và theo một số chuyên gia, có thể gây thêm những cú sốc mới cho các thợ mỏ. “Thật khó để miêu tả cảm giác kỳ lạ của bạn khi chui ra từ dưới lòng đất đen ngòm sau nhiều tuần hoặc nhiều tháng để rồi đối diện với một cơn lốc truyền thông sôi sục trước mặt” - Jeff Goodell, tác giả cuốn sách viết về 9 thợ mỏ Mỹ bị mắc kẹt suốt 77 giờ ở Pennsylvania và đã trở thành một trong những cuốn sách bán chạy nhất do báo New York Times bầu chọn, nhận xét – “Cú sốc từ việc đột nhiên trở thành tâm điểm chú ý của báo giới có lẽ còn nặng nề hơn cả việc bị mắc kẹt dưới lòng đất”.

Tuy nhiên, cú sốc từ việc báo chí truyền thông dần dần không còn ngó ngàng tới cũng nặng không kém. Goodell cho biết trong số 9 thợ mỏ được viết sách kể trên, rất nhiều người chỉ rơi vào trầm cảm khi ánh đèn sân khấu rời khỏi cuộc đời họ. “Họ sẽ nổi tiếng, sẽ được viết sách và lên phim. Nhưng họ không nên choáng váng với suy nghĩ cuộc đời đã sang trang” - Ramon Sabella, một người sống sót trong vụ rơi máy bay trên đỉnh Andes hồi năm 1972 đã tới thăm và đưa ra lời khuyên cho các thợ mỏ bị mắc kẹt ở Chile, nhận xét – “Sự nổi tiếng không bao giờ bền vững”.

Tường Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm