Thuốc Tây, thuốc ta

14/01/2011 13:37 GMT+7 | V-League

(TT&VH) - Có thể hiểu đơn giản nhất, thuốc Nam (thuốc ta) dùng để chỉ những loại thuốc được điều chế từ thảo dược. Còn thuốc Tây là những loại thuốc được điều chế từ các chất hóa học, thường có dạng viên.

Không ai phủ nhận vai trò cứu nhân độ thế của nền y khoa Tây phương. Sự phát minh thần kỳ của những viên kháng sinh Sulfamide và trụ sinh Antibiotique mỗi năm đã cứu hàng vạn người khỏi lưới hái của tử thần. Đấy là điều kỳ diệu của thuốc Tây.

Nhưng nhiều người trong số chúng ta, nhất là sinh ra ở vùng sâu vùng xa hay từng tham gia chiến tranh, cũng hẳn có lần thoát hiểm nghèo nhờ những món thuốc cây cỏ hái vặt xung quanh ruộng rẫy, núi rừng. Đấy là điều kỳ diệu của thuốc ta.

Thế nên, có nhiều lúc chúng ta phải đứng giữa sự lựa chọn không dễ dàng, khi gặp bệnh: dùng thuốc ta hay thuốc Tây? Ví như bà bầu bị cảm cúm mà xơi thuốc Tây thì không ổn.

Điều đó nói lên một điều: phải phụ thuộc hoàn cảnh, bệnh lý mà sử dụng thuốc Tây hay ta. Nếu thiếu hiểu biết hoặc cứng nhắc trong việc dùng thuốc, thì chẳng những bệnh không khỏi, còn phản ứng nguy hiểm đến sức khỏe, thậm chí tính mạng.


Rất khó để phân biệt rạch ròi ưu và nhược điểm giữa thầy Tây và thầy ta

Dài dòng như thế bởi thấy tình trạng bóng đá ta từ ngày mở cửa, việc sử dụng HLV nội hay ngoại cũng na ná như quan niệm, thói quen dùng thuốc, rất rối. Thời buổi đầu mới lên chuyên, nhà nhà đều đua nhau mời thầy ngoại. Tất nhiên, mỗi năm các CLB phải chi tiền cho số “chất xám ngoại” này là cực lớn. Mục đích có mẫu số chung: thầy ngoại sẽ biến những điều không thể thành có thể.  Thậm chí có trường hợp “bệnh” của đội bóng đến giai đoạn di căn thì người ta vẫn nghĩ rằng thầy ngoại có thể cải tử hoàn sinh. Khánh Hòa nhận bài học đầu tiên ở mùa giải 2000-2001, khi mời HLV A.Riedl cùng 3 ngoại binh về Hàn Quốc về để rồi tiền mất, hạng vẫn rớt.

Sau 10 năm, trong bao nhiêu thầy ngoại chỉ có hai người thành công: HLV Arjihan Songgamsap (HA.GL 2003, 2004) và Calisto (ĐT.LA 2005, 2006). Thành công của hai  HLV này do nhiều yếu tố riêng, nhưng có những điểm chung chúng ta rất dễ dàng nhận ra: họ có hai ông bầu thực sự máu bóng đá và muốn làm bóng đá tử tế. Bầu Đức và bầu Thắng hết lòng ủng hộ hai ông thầy ngoại. Trường hợp HLV Calisto nếu rơi vào đội bóng khác thì khó mà trụ vững, bởi “Gạch” của ông có thói quen chơi rất kém ở lượt đi. Và hai ông thầy này cũng có những phó tướng thuộc dạng quái kiệt thời điểm đó ủng hộ triệt để, như HLV Nguyễn Văn Vinh (HA.GL) và Phạm Phú Hòa (ĐT.LA).

Đấy là sự khác biệt, hay nói may mắn của hai HLV trên so với các đồng nghiệp khác. Nói thế không có nghĩa các HLV ngoại khác đều kém. Chắc chắn một điều, tính chuyên nghiệp và tri thức huấn luyện của thầy ngoại tiên tiến hơn “quân ta”. Nguyên HLV Robert Lim (V.Ninh Bình) mùa giải 2010 là giảng viên FIFA dạy biết bao HLV VN ở các lớp bằng B. HLV Riedl bị XM.HP sa thải chỉ sau 3 vòng đấu ở V-League 2009, nhưng không lâu sau đó thăng hoa với U23 Lào. Nhân chuyện HLV Riedl tiếp tục thất bại ở một CLB V-League lại phải nói thêm, một HLV trưởng ĐTQG không hẳn sẽ làm tốt vai trò ở CLB, vì hai môi trường hoàn tòan khác nhau.  Điều này có thể thấy rõ qua sự ngỡ ngàng của HLV Mai Đức Chung trong buổi đầu kết duyên với B.BD. Mặt khác, một HLV chưa qua đào tạo trẻ cũng rất khó khăn khi dẫn dắt đội bóng đỉnh cao…

Một thực tế ai cũng thấy rõ, thầy ngoại gặp bất lợi ở những  rào cản như ngôn ngữ, văn hóa. Ý thức nghề nghiệp, tổ chức, môi trường làm việc ở các đội bóng VN còn nhiều chất nghiệp dư. Những yếu tố đó không hề xa lạ với HLV nội để họ biến chúng thành điểm mạnh của mình so với thầy Tây.

Bóng đá cũng như các lĩnh vực khác, sự bối rối trước những làn sóng ngoại là điều khó tránh khỏi khi mở cửa. Sau 10 năm, thành tích  thầy ngoại đang bị “quân ta” lấn lướt. Đặc biệt trong 4 năm trở lại đây, ngôi vô địch V-League đều do “thầy ta” lập nên: Lê Thụy Hải (2007, 2008- B.BD), Lê Huỳnh Đức (2009-SHB.ĐN), Phan Thanh Hùng (2010- HN.T&T). Đấy là tín hiệu đáng mừng cho “thuốc ta” đã bắt đầu lên hương, một khi được tạo môi trường làm việc tốt và được đối xử công bằng, nhất là mức lương thưởng.

Điều đó không khẳng định BĐVN chẳng còn cần HLV ngoại, nhưng đã giúp chúng ta vỡ vạc những vấn đề: vì sao thầy ngoại thất bại nhiều hơn thành công; nên sử dụng họ ở khâu nào, hoàn cảnh và mục tiêu nào, kể cả cấp ĐTQG?

Giống như việc sử dụng thuốc Tây và thuốc ta vậy!

NGỌC HÒA

Các đời HLV ngoại tại V-League

Năm 2003 lần đầu tiên V-League xuất hiện những CLB do doanh nghiệp làm chủ. Cũng chính từ thời điểm đó “chất xám” của các HLV ngoại được tận dụng một cách triệt để.

V-League 2011: Dusit (HA.GL), Mauricio Luis (HN.ACB), Ricardo Formosinho (B.Bình Dương), Marco Octavio Cerquera (ĐT.LA).

V-League 2010: Kiatisuk (HA.GL), Jose Luis, Ricardo Formosinho (ĐT.LA), Tavares, Robert Lim (V.Ninh Bình).

V-League 2009: Chatchai Paholpat (HA.GL), Francisco Vital (B.Bình Dương), Jose Luis (ĐT.LA).

V-League 2008: Stephen Hanson, Adnaldo De Melo Patricio, Calisto (ĐT.LA), Anant Amornkiat, Dusit (HA.GL), Gyorrgy Galhidi (Thể Công), Viczko Tamas (HP.HN), Alfred Riedl (XM.HP).

V-League 2007: Anant Amornkiat (HA.GL), Laszlo Kleber, Luis Alberto (Hải Phòng), Calisto (ĐT.LA)

V-League 2006: Kiatisuk, Chatchai Paholpat (HAGL), Calisto (ĐT.LA)

V-League 2005: Arjihan Somgamsak (HA.GL), Luis Alberto (M.H.HP), Calisto (ĐT.LA)

V-League 2004: Nam De Shik (Bình Dương), Arjihan Somgamsak (HA.GL), Calisto (ĐT.LA)

V-League 2003: Arjihan Somgamsak (HA.GL), Calisto (ĐT.LA)

Thành Đạt tổng hợp

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm