Đạo diễn Nguyễn Minh Chí & 'Vùng đá trắng': Đưa văn hóa Chăm lên phim

18/10/2014 07:41 GMT+7 | Phim

(giaidauscholar.com) - Ngày 19/10 tại tỉnh Ninh Thuận, phim truyền hình một tập 90 phút mang tên Vùng đá trắng về văn hóa người Chăm sẽ khởi quay. Đây là phim được dàn dựng bởi đạo diễn kiêm biên kịch Nguyễn Minh Chí – trưởng nhóm biên kịch phim truyền hình Kiều nữ và đại gia (30 tập).

Nguyễn Minh Chí còn là trưởng nhóm biên kịch phim truyền hình 36 tập Cuộc phưu lưu của Hai Lúa và nhiều phim truyền hình khác. Nhưng ít người biết ông còn đạo diễn khá nhiều phim ngắn, nhất là phim hài. Nguyễn Minh Chí có cuộc trò chuyện về bộ phim mới so với sở trường của ông.

* Anh từng biên kịch, đạo diễn khá nhiều phim/chương trình hài, vậy trong phim Vùng đá trắng, anh có đem yếu tố hài “thuận tay” vào không?

- Tôi làm khá nhiều phim ngắn và chương trình hài phát trên các đài truyền hình theo đơn đặt hàng của các hãng sản xuất. Ví dụ phim dài tập Kỳ dzậy ta, Mr Bin... Tuy nhiên, với phim Vùng đá trắng, tôi tuyệt đối không đưa bất kỳ chi tiết hài nào vào cả. Lý do, đây là phim đề cập đến văn hóa thông qua một câu chuyện tình giữa người Chăm Bà Ni và Chăm Bà La Môn – người Chăm sống tập trung đông nhất ở Ninh Thuận.

* Anh có thể cho biết đôi nét về bộ phim này?

- Như đã nói, phim làm về người Chăm ở Ninh Thuận theo hai tôn giáo khác nhau. Câu chuyện phim xây dựng trên mối tình giữa đôi nam nữ theo hai tôn giáo, mà theo quy ước không thể sống đời vợ chồng. Tình yêu luôn vượt qua mọi ranh giới, kể cả tuổi tác, xuất thân và tôn giáo. Vậy có cách nào để hai nhân vật trong phim đến được với nhau?

Tôi “giải quyết” câu chuyện này nhờ sự tư vấn của các trí thức trẻ người Chăm, cụ thể là nữ nhà thơ Kiều Mai Ly, nhà thơ Tuệ Nguyên (con trai nhà thơ Inrasara)... Tại sao “tư vấn” cho tôi toàn là trí thức trẻ người Chăm? Theo tôi, họ vừa thấu hiểu văn hóa của dân tộc mình, lại vừa có sự thông thoáng của người trẻ để giúp cho bộ phim tươi mới theo tinh thần hiện đại ngày hôm nay.

* Nếu phim chỉ là một câu chuyện tình, thì có cần thiết phải lấy bối cảnh gắn với người Chăm ở Ninh Thuận không?

- Nếu chỉ có vậy thì tôi không cần phải gắn phim này với người Chăm ở Ninh Thuận. Chuyện tình trong Vùng đá trắng chỉ là “cái cớ” để nói nhiều hơn về văn  hóa, lễ hội, ẩm thực, làng nghề, cảnh đẹp, kiến trúc và những huyền thoại của người Chăm vùng đất Ninh Thuận. Chẳng hạn như làng gốm Bàu Trúc, như núi Đá Trắng, động cát Nam Cương... Nói thêm, âm nhạc trong phim đều do các nhạc sĩ người Chăm Ninh Thuận sáng tác dựa trên các giai điệu truyền thống của dân tộc Chăm.

Riêng núi Đá Trắng được dùng đặt tên cho phim, đây là nơi có nhiều huyền thoại của người Chăm Ninh Thuận. Tương truyền nơi này có một hang động và một con rồng trong hang. Có một người ăn mày đầy ghẻ chóc đã được con rồng này liếm sạch ghẻ trên mình và sau thành vua Pô Rô Mê, vị vua xuất thân bình dân – chứ không phải quý tộc - được người dân yêu mến.

* Lâu nay, việc làm phim về văn hóa dân tộc vẫn thường dễ mắc sai lầm. Anh đối mặt thế nào với thách thức này?

- Đây là cơ hội để tôi thể hiện ý tưởng của mình từ kịch bản thành hình ảnh vì thực tế, kịch bản tôi viết được đạo diễn khác thể hiện có lúc chưa làm mình hài lòng. Vùng đá trắng dự kiến công chiếu trong năm 2015 trên đài Truyền hình Ninh Thuận và VTV, sau đó dự liên hoan phim truyền hình toàn quốc.

Tôi cố gắng làm đúng nhất khi chuyển tải văn hóa dân tộc Chăm thành phim. Tôi mong thêm, phim mình làm được đồng bào Chăm ở Ninh Thuận đón nhận như một món quà ý nghĩa tôn vinh văn hóa người Chăm.

Thanh Kiều (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm