09/04/2019 07:36 GMT+7 | Giải trí
(giaidauscholar.com) - Francis Ford Coppola là một trong những nhà làm phim còn sống có ảnh hưởng nhất. Ông đã tạo nên những bộ phim đoạt giải Oscar, trong đó có một số phim đã lập kỷ lục doanh thu phòng vé. Ở tuổi 80, Coppola vẫn ấp ủ những ước mơ điện ảnh muốn thực hiện.
Coppola sinh ngày 7/4/1939 ở Detroit, bang Michigan, trong một gia đình nhạc sĩ và diễn viên. Đạo diễn tài ba này sở hữu nhiều bộ phim đoạt giải Oscar, Cành cọ Vàng và nhiều giải thưởng tại các liên hoan phim khác. Ông có những bộ phim thành công đến mức khó tin tại phòng vé ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Coppola là nhân vật trung tâm trong Trào lưu làm phim Hollywood mới của thập kỷ 1960 và 1970. Trải qua hơn 5 thập kỷ làm nghề, Coppola đã trở nên quá quen thuộc với những mảng tối trong nghề.
Công ty sản xuất phim của ông, Zoetrope, đã trải qua ít nhất 2 lần phá sản. Một vài bộ phim của ông chỉ đủ trang trải một phần chi phí sản xuất và Coppola đã tự mình thực hiện các dự án, đảm nhận vai trò của các nhà sản xuất và biên kịch khác.
Cực nhọc với sử thi “Apocalypse Now”
Coppola từng trải qua những ngày tháng cực kỳ vất vả và khó khăn ở phim trường. Chẳng hạn như thời điểm quay phim sử thi Lời sấm truyền (Apocalypse Now), mọi thứ đều không diễn ra như kế hoạch, việc quay phim liên tục bị gián đoạn khiến cho dự án tưởng chừng như không thể hoàn thành nổi.
Nhưng trải nghiệm đó đã giúp Coppola có đủ chất liệu để làm một bộ phim về quá trình làm phim Lời sấm truyền. Kết quả là bộ phim tài liệu hậu trường Hearts of Darkness được sản xuất 2 năm sau đó bởi ba đạo diễn, trong đó có cả vợ ông là Eleanor.
Coppola đã quay phim Apocalypse Now dựa vào những motif từ cuốn sách Heart of Darkness của nhà văn thế kỷ 19 Joseph Conrad. Bộ phim tài liệu hậu trường đi theo sự sáng tạo ấy và mang cùng tên với cuốn sách của Conrad.
Bất chấp những nghịch cảnh, Lời sấm truyền đã trở thành một chiến thắng cho đạo diễn. Ở LHP Cannes, phim đã đoạt giải Cành cọ Vàng và thành công ấy đã giúp Coppola trở thành 1 trong 8 đạo diễn 2 lần đoạt giải Cành cọ Vàng (trước đó ông đã đoạt giải với phim The Conversation). Sau một thời gian dài quay phim, Lời sấm truyền đã lập tức thành công ở phòng vé sau khi được tung ra hồi năm 1979.
Cách mạng hóa dòng phim gangster với phim “Bố già”
Đây là thành công lớn thứ 2 của Coppola. Vài năm trước đó, Coppola đã làm nên lịch sử điện ảnh khi tung ra 2 tập phim đầu tiên trong bộ ba phim Bố già (The Godfather), được chuyển thể từ tiểu thuyết tội ác cùng tên của Mario Puzo.
Có điều, lúc đó nhà làm phim 30 tuổi này không phải là lựa chọn đầu tiên của hãng phim và dự án này thực sự không sát với sở trường của Coppola. Song phim đã gặt hái thành công lớn cả về mặt nghệ thuật và doanh thu phòng vé.
Phim đã cách mạng hóa cách làm phim về thể loại gangster, được cả giới phê bình và công chúng ca ngợi. Bố già đã đoạt 3 giải Oscar, gồm Phim hay nhất, Nam diễn viên chính xuất sắc nhất và Kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất, đưa Coppola trở thành một trong những đạo diễn hàng đầu ở Mỹ.
Coppola được coi là một trong những nhà làm phim hàng đầu của nền điện ảnh “Hollywood Mới”, trào lưu muốn tháo gỡ hệ thống cũ ở Hollywood với những studio lâu đời, truyền thống. Thời thế đó đã khiến Coppola thành lập studio sản xuất riêng Zoetrope. Nhưng đây là một nỗ lực thất bại thảm hại của Coppola. One from the Heart (1981), phim ca nhạc lãng mạn do Coppola đạo diễn, sản xuất và đồng tác giả kịch bản, là quả bom xịt ở phòng vé.
Nhiều sử gia điện ảnh nói rằng Coppola chưa bao giờ thực sự hồi phục và trở lại với sức mạnh nghệ thuật trước đây của mình. Tất nhiên, Coppola đã quay nhiều phim hơn, cả dự án nhỏ và bom tấn song ông chưa lặp lại được những thành công đáng nhớ như với phim Bố già và Lời sấm truyền.
Khánh kiệt với studio riêng
Mặc dù Coppola đã chứng minh bản thân và muốn dự án kế tiếp của mình “lớn” một lần nữa vào năm 1984 với Cotton Club, phim chính kịch tội ác có bối cảnh ở New York năm 1930, nhưng đây là một thất bại lớn về tài chính, kinh phí sản xuất bị đội lên nhiều và mất 5 năm mới hoàn thành.
Doanh thu phòng vé của phim không đủ để trang trải chi phí sản xuất và Coppola lại phải vật lộn với tài chính. Hậu quả là Coppola đã phải quay thêm một số phim đơn giản chỉ để kiếm tiền. Đó là những bộ phim không đáp ứng được nhu cầu nghệ thuật của chính ông nhưng đạo diễn cần tiền.
Bộ phim Tucker (1988), do Jeff Bridges hóa thân thành một doanh nhân Mỹ nổi dậy chống lại nền công nghiệp ô tô chính thống thời đó, hiện vẫn là một trong những bộ phim hay về kỷ nguyên đó.
Sau khi phát hành phần 3 phim The God Father hồi năm 1990, 2 năm sau Coppola quay phim về kẻ hút máu người nổi tiếng, Dracula. Các đánh giá về bộ phim được chuyển thể từ tiểu thuyết của Bram Stoker không tích cực lắm, song giới phê bình ca ngợi bối cảnh và sự phong phú của bộ phim.
Vài năm sau, Coppola tìm cách kiếm tiền từ nguồn khác là sản xuất rượu vang. Bên cạnh đó, Coppola hiện còn kiếm tiền từ việc bán nước sốt pasta và điều hành nhiều khu nghỉ sang trọng.
Trong hơn 2 thập kỷ qua, Coppola trở thành tít dẫn của nhiều tờ báo với các sản phẩm rượu vang hơn là tác phẩm điện ảnh gần đây nhất của ông. Nhưng có thể nói, bộ phim chính kịch mang đề tài pháp lý The Rainmaker, do Matt Damon trẻ trung thủ diễn, là chuyển thể điện ảnh xuất sắc nhất (cho đến nay) từ cuốn tiểu thuyết của John Grisham.
Theo cổng thông tin Deadline.com, ông sẽ nhanh chóng bắt tay xúc tiến dự án đã lên kế hoạch từ lâu, Megalopolis, bộ phim khoa học viễn tưởng có bối ảnh ở New York trong tương lai.
Việt Lâm (tổng hợp)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất