10/08/2017 11:37 GMT+7 | Trong nước
(giaidauscholar.com) - Các cư dân của hòn đảo “thiên đường” Guam cho biết, họ lo sợ kẹt trong căng thẳng đang leo thang giữa Mỹ và Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng tuyên bố lên kế hoạch tấn công vùng lãnh thổ tiền đồn của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương.
Mặc dù giới chức địa phương đã trấn an người dân bằng cách bác bỏ các mối đe doạ, nhưng những người đang sống và làm việc trên đảo Guam, ngày 9/8 cho biết, họ không thể nào xoá đi ý nghĩ trong đầu rằng hòn đảo đang trở thành một mục tiêu tấn công tiềm tàng.
“Tôi hơi lo lắng, hoảng sợ. Có thực là chuyện này sẽ xảy ra?”, Cecil Chugrad, một tài xế xe buýt 37 tuổi ở Guam chia sẻ. “Nếu chỉ có mình tôi thì không ngại, nhưng tôi phải lo cho con trai tôi. Tôi cảm thấy chúng tôi nên rời đi lúc này”.
Guam những năm gần đây đã trở thành một mục tiêu tiềm tàng của tên lửa Triều Tiên, nhất là khi nước này đã đạt được nhiều bước tiến trong chương trình hạt nhân và tên lửa. Hòn đảo xa xôi rộng chỉ chừng 550 km2 ở Tây Thái Bình Dương, nổi tiếng với biển xanh cát trắng, cũng là nơi đặt tiền đồn quân sự chiến lược của Mỹ, với phi đội máy bay ném bom hạt nhân hùng hậu và ít nhất 6.000 quân nhân Mỹ.
Đêm thứ hai 7/8 vừa qua, hai chiếc máy bay ném bom B-1B của Mỹ đã từ Guam hướng về bán đảo Triều Tiên, tham gia cuộc tập trận chung với các lực lượng Hàn Quốc, Nhật Bản, bất chấp cảnh báo của Bình Nhưỡng về việc phát động một cuộc “chiến tranh dự phòng”.
Cuộc tập trận này là lý do trực tiếp khiến Triều Tiên tuyên bố hòn đảo là mục tiêu tấn công tiềm tàng sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo sẽ đáp trả bằng “hoả lực và giận dữ” nếu Triều Tiên đe doạ Mỹ.
“Nếu có chuyện gì xảy ra, tất cả chúng tôi đều phải sẵn sàng, phải chuẩn bị sẵn và cầu Chúa rằng nó sẽ không xảy ra”, bà Daisy Mendiola, 56 tuổi, nói sau khi vừa dùng xong bữa trưa cùng gia đình tại một nhà hàng gần Hagatna. “Mọi người đều sợ, vì chúng tôi đang đối mặt với những thế lực ở xa”.
Xem máy bay ném bom B1, B2, B52 Mỹ triển khai trên đảo Guam:
Những cư dân khác thì lo lắng về bầu không khí chính trị và khả năng của chính phủ trong việc tìm kiếm một giải pháp hoà bình cho vấn đề Triều Tiên.
Todd Thompson, một luật sư sống tại Guam, cho biết, trước đây ông thường cười vào những mối đe doạ, bởi ông tin “những cái đầu lạnh ở Washington sẽ thắng”. “Nhưng giờ thì tôi phải nói rằng, tôi không cười được đâu”, Todd nói, “Mối lo ngại của tôi là mọi thứ đã thay đổi ở Washington, và ai biết được chuyện gì sẽ xảy ra?”.
Anh trai của Todd là Mitch Thompson cũng đang sống tại Guam, bổ sung thêm rằng, “nhiều người không tin rằng Nhà Trắng sẽ làm điều đúng đắn trong các tình huống”. Tuy vậy, hai anh em cho biết, họ không nhìn thấy ai thực sự hoảng sợ hay đổ đi tích trữ hang hoá.
Gugam có diện tích 550 km2, với dân số 160.000 người, nằm cách xa Triều Tiên 3.500 km và là vùng lãnh thổ Mỹ gần Triều Tiên nhất (trong khi Hawaii cách xa 6.500 km). Đảo Guam bị Tây Ban Nha chiếm vào năm 1565 và trở thành vùng lãnh thổ Mỹ vào năm 1898 trong cuộc chiến tranh Tây Ban Nha - Mỹ. Hòn đảo có chính quyền tự trị hạn chế, với thống đốc dân cử, cơ quan lập pháp và có đại biểu không qua bầu cử tại Hạ viện Mỹ. Tại đây quân đội Mỹ duy trì một căn cứ hải quân và một cảng tuần duyên ở phía nam đảo, một căn cứ không quân ở phía bắc. Các căn cứ quân sự Mỹ chiếm tới 30% diện tích hòn đảo. |
Thu Hằng/Báo Tin Tức
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất