(TT&VH) - Miền Trung vẫn đang phải gánh chịu những hậu quả nặng nề từ những trận lũ lớn liên tiếp. Đã có nhiều ý kiến của lãnh đạo các địa phương, nhà khoa học và người dân cho rằng, việc xả lũ của các hồ thuỷ điện đã làm cường độ các trận lũ thêm dữ dội, làm thiệt hại thêm nặng nề.
Tuy nhiên, tại hội thảo “Công tác vận hành các hồ chứa thủy điện” do Bộ Công thương tổ chức hôm qua 13/11, đại diện các thủy điện đã đồng loạt “kêu oan”. “Bản thân hồ thủy điện không tạo ra nước”
Ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương: Nguyên nhân gây lũ lụt không phải do các hồ thủy điện |
Theo báo cáo Bộ Công thương, thủy điện có 3 nhiệm vụ chính là phát điện, chống lũ vào mùa mưa và cấp nước cho hạ du mùa khô. Tuy nhiên, trước tình hình mưa lũ diễn biến thất thường và phức tạp, công tác dự báo chưa kịp thời, lượng nước đầu nguồn về lớn và nhanh vượt quá mức thiết kế, sức chứa của các hồ chứa thủy điện có giới hạn làm cho nhiều nơi thủy điện không phát huy được tác dụng ngăn lũ. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát khẳng định tác dụng điều hòa của các hồ thủy điện: “Khi mưa nhỏ, lượng nước mưa được giữ lại nên hạ du không có lũ lụt, nhưng khi có mưa lớn, các hồ chứa không thể giữ lại toàn bộ lượng nước mà chỉ có thể giữ lại một lượng nhất định. Vì vậy, các nhà máy thủy điện buộc phải để cho nước chảy qua hồ xuống hạ du”. Theo ông Hoàng Hữu Thận, Giám đốc Trung tâm Tư vấn và phát triển điện: “Các nhà máy thủy điện chỉ có thể tham gia hoặc không tham gia vào quá trình cắt lũ, chứ không làm tăng lưu lượng của lũ”. Như Hồ Hòa Bình là hồ thủy điện lớn nhất Việt Nam với các trận lũ lớn từ 5.000m3/s, Hòa Bình tham gia cắt lũ rất tốt, tuy nhiên trong những điều kiện bất khả kháng phải xả một lưu lượng vượt quá khả năng, khi đó, sẽ phải tính đến việc toàn bộ dân ở thành phố Hòa Bình phải sơ tán. Chuyện thủy điện Ba Hạ (Phú Yên) xả lũ “sai quy trình” được quan tâm nhiều nhất. Tuy nhiên, ông Đào Tấn Cam, Giám đốc Sở Công thương Phú Yên cho rằng: Nói thủy điện Ba Hạ không tuân thủ quy trình liên hồ là “oan”. Bởi trước khi xả lũ, Thủy điện đã báo cáo với Ban chỉ huy PCLB tỉnh và nhắn tin di động của ông Cam. Đồng thời, đã cử cán bộ thông báo cho UBND tỉnh nhưng do “gọi điện và fax đều không liên lạc được, sau đó cán bộ này phải tham gia tại đập tràn nên không báo cáo UBND tỉnh. “Thiếu sót” của Thủy điện Ba Hạ chính ở chỗ không thông báo với UBND tỉnh. Ông Nguyễn Trâm, Tổng giám đốc Thủy điện A Vương (Quảng Nam) giãi bày về sức ép tai tiếng chuyện xả lũ, ông Trâm khẳng định “bản thân hồ thủy điện không tạo ra nước”. Thủy điện A Vương cũng giống như các công trình thủy điện khác ở miền Trung nằm ở khu vực sông suối ngắn, lòng sông hẹp, độ dốc lớn nên khi có mưa to là lũ về hồ rất nhanh làm mực nước hồ tăng rất cao trong một thời gian ngắn. Hồ A Vương không thể tự gây ra lũ do xả với lưu lượng ít hơn lưu lượng nước về. Đại diện Công ty Thủy điện Ialy, thủy điện Srêpôk cũng cho biết, trước khi xả lũ, điều bắt buộc là phải thông báo tới chính quyền địa phương, bằng văn bản, fax, điện thoại, còi báo hiệu về mức xả, thời gian xả, mức xả để cảnh báo kịp thời đến người dân và chủ động công tác phòng chống lụt bão. Mặc dù vậy, do nước lũ lớn nên thiệt hại là điều khó tránh khỏi. Cùng chung tiếng nói “bảo vệ” các hồ thủy điện, ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương khẳng định, nguyên nhân gây ra lũ lụt những năm gần đây không phải do các hồ thủy điện. Bởi biến đổi khí hậu, thiên tai diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường. Đồng thời lũ về rất nhanh do rừng tự nhiên bị tàn phá quá nhiều, không còn tác dụng giữ nước và cản dòng chảy. Bản thân hồ thủy điện không tạo ra nước
Tăng cường phối hợp và minh bạch thông tin xả lũ Theo ông Cao Anh Dũng, Phó cục trưởng Cục An toàn Công nghiệp (bộ Công thương) dù đã có quy trình liên hồ về xả lũ nhưng vẫn chưa có quy định về xử phạt. Vì thế vẫn chưa thể xử phạt hồ thủy điện Ba Hạ vì chưa có chế tài. |
Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng, hiện Việt Nam đã vận hành 32 dự án thủy điện vừa và lớn, 86 dự án thủy điện nhỏ với tổng công suất lắp máy đạt vào khoảng gần 8.000MW, đóng góp cho hệ thống điện quốc gia 35% công suất. Đối với 32 hồ chứa thủy điện hiện đã ban hành đầy đủ quy trình vận hành và 3 quy trình vận hành liên hồ chứa.Để vận hành hồ chứa thủy điện có hiệu quả trong thời gian tới, các đại biểu đều khẳng định cần tăng cường sự phối hợp giữa các bên có liên quan, cần phải xây dựng quy chế phối hợp đồng bộ giữa chủ đầu tư, địa phương và các ban ngành; quy chế chia sẻ thông tin giữa các công trình. Đối với việc các chủ hồ đập không chấp hành đúng quy trình vận hành, các cấp phải xây dựng được quy định xử phạt rõ ràng; đồng thời hàng năm phải điều chỉnh quy trình cho phù hợp với thực tế. Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng yêu cầu, chủ các hồ thủy điện phải chủ động làm việc với cơ quan tư vấn và thủy văn trong việc điều hành xả lũ; đồng thời thông báo với các chủ hồ chứa khác để tất cả các bên cùng phối hợp với địa phương trong xả lũ. Đặc biệt thông báo rộng rãi tới công luận và người dân. Tuy nhiên, để ngăn chặn hiệu quả tác hại của lũ, sâu xa hơn, theo Phó Giám đốc Công ty Thủy điện Ialy Đoàn Tiến Cường quan trọng nhất là cần phải bảo tồn và phát triển rừng. Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia cần làm tốt hơn nữa công tác dự báo tình hình mưa lũ, rà soát và xem lại tính hiệu quả trong việc phòng chống lũ của các dự án thủy điện đang và sẽ được xây dựng trong thời gian sắp tới.Hoàng Lan