26/12/2016 18:32 GMT+7
(giaidauscholar.com) - Có thông tin cho rằng trước khi nghỉ hưu, Sir Alex Ferguson đã cân nhắc về việc chọn Jose Mourinho. Nhưng ông quyết định tham vấn cho lãnh đạo Man United chọn David Moyes. Đơn giản, Moyes là người Scotland…
1. Trước trận gặp Man United, David Moyes có nhận định rằng “Man United đã phá vỡ truyền thống của mình. Man United là CLB không sử dụng HLV ngoại và không tiêu tiền một cách ồ ạt như gần đây”.
Điều Moyes nói không hẳn là phiến diện, do sự vị kỷ từ tổn thương sau khi bị Man United sa thải. Nó có lý của nó. Man United chưa bao giờ dùng HLV ngoài Vương quốc Liên hiệp Anh. Ferguson chọn Moyes cũng vì ông là công dân trong Vương quốc Liên hiệp Anh. Và ở thời Fergie, dù Man United có chi tiền mua những Cantona, Ferdinand hay Veron đi nữa, họ vẫn là một CLB bước ra châu Âu với diện mạo của tính tự lực rất cao, khi nòng cốt vẫn là những cầu thủ trưởng thành từ CLB. Bây giờ, điều đó không còn nữa.
Lời Moyes nói khiến chúng ta nhớ lại giai đoạn tuyển chọn người kế tục Ferguson. Nhiều ứng viên danh tiếng, tài năng. Nhưng cuối cùng, người được chọn là Moyes. Moyes vượt Mourinho ở năm ấy chẳng qua cũng chỉ là vấn đề về quốc tịch mà thôi.2. Khi Mourinho tới Man United, nhiều người đã lo ngại về chuyện Mourinho sẽ thay đổi đội bóng theo chiều hướng đối nghịch lại với văn hóa truyền thống của nó, từ lối chơi cho tới hình ảnh. Những thay đổi ấy đã xuất hiện và bởi thế, vẫn tồn tại một lực lượng CĐV Man United không ưa Mourinho. Nhưng thực chất, Mourinho chỉ là người làm việc, với các tiêu chuẩn công việc được đặt ra mà ông buộc phải đáp ứng. Thế nên, khó có thể trách cứ rằng ông là kẻ phá hoại CLB, nhất là khi Man United bắt đầu có dấu hiệu sáng sủa hơn rất nhiều.
Nhưng nói gì thì nói đi nữa, kể cả khi Mourinho đưa Man United lên đến thành công tột bậc, vẫn sẽ tồn tại quan điểm cho rằng đó không còn là một Man United như truyền thống nữa. Những luyến tiếc cho quá khứ bao giờ cũng dày, và ám ảnh. Chính nó khiến cảm tính trong đánh giá cũng mạnh mẽ hơn, và dẫn tới nhận định cũng chủ quan hơn.
Không ai có thể phủ nhận rằng bây giờ Man United đã là đội bóng hiếm hoi được coi là “đại cự phú” trong làng bóng đá toàn cầu. Họ, xét về tài chính, ở ngang tầm vóc với những Barca, Real, Bayern, Man City, PSG và bởi thế, họ khó lòng có thể đặt mình ở ngoài cuộc đua ở mỗi kỳ chuyển nhượng. Đại cự phú thì phải tiêu tiền kiểu đại cự phú. Đó là hình ảnh, là thương hiệu, và cả vị thế toàn cầu.
3. Đầu mùa, đội bóng khao khát muốn có Pogba là Man United, Barca và Real. Man United quyết định bạo chi, và cách họ chi tiền cũng chính là một tuyên ngôn mạnh mẽ đại ý: “Dù thành tích chưa tốt và Man United không có suất Champions League nhưng chúng tôi vẫn là một thế lực ngang bằng với những CLB vĩ đại nhất”.
West Brom 0-2 Man United
Sẽ là cách giải quyết kiểu nằm gai nếm mật gầy dựng lại đội bóng sau 1 thời kỳ khủng hoảng nếu bây giờ là thời đại như thập niên 80 và 90 của thế kỷ trước. Nhưng ở thời đại đã rất khác này, Man United không thể khư khư giữ cái truyền thống ấy được, khi mà mỗi thua sút so với đối thủ sẽ dẫn tới sụt giảm đáng kể doanh thu thương mại hàng kỳ của mình.
Mỗi lần phá cái cũ đi để xây dựng cái mới luôn có những nuối tiếc và thậm chí là phản kháng như thế. Điều quan trọng là cái mới sẽ được xây dựng thế nào mà thôi. Nếu nó còn tệ hơn cái truyền thống thì đúng là thảm họa. Nếu nó tốt hơn, cái tốt đến từ những nguyên nhân không hề phản cảm, nó cần phải được thông cảm, chấp nhận và ủng hộ.
Bởi vì nói gì thì nói, Man United của tương lai sẽ thuộc về thế hệ tương lai, và thế hệ ấy luôn có tư duy khác hẳn với thế hệ đi trước, những người vẫn còn nhìn về truyền thống với ánh mắt ngưỡng vọng và hoài cảm.
Hà Quang Minh
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất