13/10/2020 19:28 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Hai làng Canh Hoạch - Tiên Điền có cùng chung nguồn cội “Cây chung nghìn nhánh sinh từ gốc/Nước chảy muôn dòng phát tại nguồn”. Những cuộc thăm hỏi của dòng họ Nguyễn làng Canh Hoạch đã được Ban quản lý Khu di tích Nguyễn Du, dòng họ Nguyễn Tiên Điền đón tiếp rất nồng hậu, ấm áp tình họ tộc.
1. Thấy cha con Nguyễn Thiến theo vua Lê, vua Mạc rất lo sợ. Trận đánh của Nguyễn Quyện đánh nhà Mạc ở vùng Sơn Nam năm 1557 càng làm vua Mạc lo sợ hơn. Khi biết Nguyễn Bỉnh Khiêm là thầy dạy của Nguyễn Quyện, vua Mạc Phúc Nguyên sai sứ sang hỏi kế. Sống dưới thời nhà Mạc, chán ghét cảnh binh đao, tàn sát lẫn nhau, Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đã gửi Nguyễn Quyện một bức thư: “Đạo ở trong ta có khó gì/ Phương chi trí khí đã tương kỳ/ Nghìn năm quân phụ cương thường đó/ Trung hiếu một lòng chớ đổi đi”.Sau đó, trước sự thúc bách của nhà Mạc, Trạng Trình tìm cách thuyết phục Nguyễn Quyện.Ông giữ trọn chữ hiếu với cha, theo cha quy thuận nhà Lê. Sau khi cha chết, trước sự thúc bách của nhà Mạc, nể thầy học, 2 anh em Nguyễn Quyện trở lại nhà Mạc…
Vua Mạc được anh em ông Nguyễn Quyện trở về rất lấy làm vui mừng, úy lạo 2 ông, phong chức tước và gả con gái tôn thất cho… Uy danh Nguyễn Quyện kể từ đó càng lừng lẫy, được phong nhiều tước vị quan trọng: Văn Phái hầu (năm 1549), Thạch Quận Công (năm 1557). Đặc biệt năm 1584, ông được phong Thường Quốc Công và sau một năm (1585) được phong Thái Bảo. Ngoài ra, Nguyễn Quyện còn giữ chức Đông quân Đô Đốc, Nam đạo tướng quân, Bình chương quân trọng quốc, kiêm trưởng phụ sự.Đông đảo trai hai làng Canh Hoạch và làng Tảo Dương đi theo ông xông pha nơi trận mạc và lập nhiều công danh. Đến nay, trong dân gian vẫn truyền tụng câu ca: “Gái thì bảy huyện xứ Đông/ Trai thì Gạo, Vác cháu ông già Thường”.
Năm Nhâm Thìn 1592, các con cháu của Trạng nguyên Nguyễn Thiến là Nguyễn Quyệncùng bốn người con, NguyễnMiễncùng 5 người con quyết tử khôi phục và giữ Nhà Mạc… Năm 1592, Trịnh Tùng huy động quân đánh nhà Mạc. Quân Mạc chịu tổn thất nặng nề. Vì muốn bảo vệ Kinh thành Thăng Long, Nguyễn Quyện tổ chức tàn quân trấn giữ ở ô Cầu Dền, nhưng thua trận và ông bị bắt. Bắt được Nguyễn Quyện, Trịnh Tùng đãi ông theo lễ thân khách, không giết, chỉ nhắc ân nghĩa của Tiên Vương nuôi dưỡng. Nguyễn Quyện than rằng: "Tướng thua trận không thể nói mạnh được, trời đã bỏ nhà Mạc thì người anh hùng cũng khó thi sức". Chúa Trịnh biệt đãi, thu phục Nguyễn Quyện quy thuận triều đình, nhưng ông một mực thể hiện khí tiết của một danh tướng nhà Mạc. Biết không thể dụ dỗ được, chúa Trịnh ra lệnh tống 3 cha con ông vào ngục. Sáng mùng 4/11 nhuận năm Quý Tỵ (1593), cả 3 cha con Nguyễn Quyện, Nguyễn Tín và Nguyễn Trù cùng chết trong ngục.
Nguyễn Miễn - em ruột Nguyễn Quyện - cùng 2 con là Văn Bảng hầu và Đô Mỹ hầu cũng bị sát hại. 3 người con còn lại của ông Nguyễn Miễn, trong đó có Nam dương công Nguyễn Nhiệm (con thứ 3, cụ tổ 7 đời của Nguyễn Du) thu thập tàn quân, đánh phục thù ở sông Hoàng Giang định khôi phục lại nhà Mạc.
Tháng 10/1600, Nguyễn Đình Luyện (tướng của Lê - Trịnh) dẫn quân cùng nhiều chiến thuyền tiến vào xứ Sơn Nam đánh chiếm Hoàng Giang, nhưng đã bị quân của Nguyễn Nhiệm đánh bật trở ra, mất hơn 40 chiến thuyền. Sau trận này, Nguyễn Nhiệm được phong Quận Công.
Để trả thù cho trận thua nặng nề năm trước (tháng Giêng năm 1601), Trịnh Tùng đích thân mang toàn bộ quân tinh nhuệ vào vùng Nam Xươngđánh Nguyễn Nhiệm. Trận đánh diễn ra vô cùng ác liệt. Chấn Quận công (tướng tiên phong của Trịnh Tùng) tử trận. Quân Trịnh quá đông, quân nhà Mạc bị đánh tan.
Sách Lê Quý Đôn toàn tập ghi “Khi Nhiệm bị giết thì bọn giặc (quân Mạc) đều tan”. Trịnh Tùng cho quân thu về Thăng Long. Sách Đại Việt sử ký toàn thư viết: “Nam Dương hầu bị tử trận, còn 2 người em là Nguyễn Tào và Nguyễn Vị (tức An Nghĩa hầu và Thọ Nham hầu) bị bắt và bị chém đầu”. Nhưng theo gia phả dòng họ Nguyễn Tiên Điền và họ Nguyễn ở Canh Hoạch thì trong trận ấy, Nam Dương hầu Nguyễn Nhiệm chỉ bị thương. Ông thoát chết là do nằm ở dưới các tử thi, đến khi chiến trận yên ắng thì thoát được. Ông nghĩ tới nhiều phương án: Vận nhà Mạc đã hết, nên theo nhà Mạc lên Cao Bằng cũng không được. Trở về làng Canh Hoạch lại càng không thể vì sẽ bị quân Trịnh bắt… Sau thời gian suy nghĩ mông lung, Nguyễn Nhiễm nghĩ tới Trấn Nghệ An tiếp giáp với Thuận Quảng của Nguyễn Hoàng. Có đến vùng đất này may ra mới tránh được sự truy bức của quân Trịnh (Theo Họ Nguyễn Tiên Điền - Đinh Sỹ Hồng).
Và hướng đi đã hiện ra trước mắt. Nguyễn Nhiễm cùng một số người sống sót đã chạy ra biển. Theo đường biển thuyền vào tới cửa Hội thì ngược dòng sông Lam, đến làng Tiên Điền thì dừng lại.
Tiên Điền khi ấy còn là một nơi hoang vu, ít người. Nguyễn Nhiệm bắt đầu một cuộc đời mới, tránh xa việc binh đao. Nhờ người bản Mường, “Ông Nam Dương” sống qua những ngày gian khổ và lên bờ dưới danh nghĩa một thầy lang chữa bệnh. Cuối Nhà Mạc, đến thời Quang Hưng - Lê Thế Tông năm Bính Thân (1596), người con của đất Sơn Nam Thượng xứ Canh Hoạch đã tổ chức, hình thành khu dân cư sống chuyên nghề nông tang, mới đổi U Điền ra làng Tiên Điền và khẳng định dòng họ Nguyễn ở vùng đất mới - xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh - địa danh gắn với tên tuổi Đại thi hào Nguyễn Du…
2. Như vậy, tổ quán (nội, ngoại) của Nguyễn Du đã có nhiều đời ở Canh Hoạch, Tảo Dương. Thủy tổ họ Nguyễn Tiên Điền là Nam Dương hầu Nguyễn Nhiệm (con của Nguyễn Miễn, cháu nội của Trạng nguyên Nguyễn Thiến). Từ đời Nam Dương công đến đời Nghi Hiên công Nguyễn Nghiễm là 6 đời...
Họ Nguyễn Canh Hoạch đến họ Nguyễn Tiên Điền danh gia vọng tộc, văn võ toàn tài có nhiều danh nhân nổi tiếng:
- Thủy tổ là Nguyễn Doãn Địch đậu Thám hoa năm 1481.
- Công tử Nguyễn Doãn Toại - con trai Thám hoa Nguyễn Doãn Địch.
- Trạng nguyên Nguyễn Thiến (1495-1557) - con trai công tử Nguyễn Doãn Toại và bà Nguyễn Thị Hiền.
- Làng Canh Hoạch có 2 Trạng nguyên Nguyễn Đức Lượng và Nguyễn Thiến, thường được gọi là Trạng cậu, Trạng cháu.
- Nguyễn Huệ - anh ruột Nguyễn Nghiễm: Tháng 3 năm Quý Sửu (1733) dự thi Hội đứng thứ 6, thi Đinh Dậu tam giáp Tiến sĩ suất thân đứng thứ 7.
- Tể tướng Nguyễn Nghiễm(1708 - 1775) cha của Nguyễn Du.
- Tể tướng Nguyễn Khản (1734 - 1786) anh trai cùng cha với Nguyễn Du.
- Tiến sĩ Nguyễn Tán (1804 - 1835) cháu nội Nguyễn Nghiễm.
- Tiến sĩ Nguyễn Mai (1876 - 1954): Cháu 4 đời thuộc chi Nguyễn Trọng (Nguyễn Trọng là em ruột Nguyễn Nghiễm).
- Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du (1765 - 1820), tự Tố Như, hiệu Thanh Hiên, con thứ 7 Tể tướng Nguyễn Nghiễm. Truyền đến đời thứ 6 kể từ ông Nguyễn Nhiệm có Tể tướng Xuân quận công Nguyễn Nghiễm sinh được 21 người con, 12 con trai, 9 con gái, trong đó có người con trai thứ 7 là Đại thi hào Nguyễn Du, tác giả Truyện Kiều nổi tiếng “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn…”.
Con cháu dòng họ Nguyễn tự hào về mảnh đất “địa linh nhân kiệt” đã nuôi dưỡng người tài cho đất nước: “Duyên vàng lại nảy cành vàng/ Đất thiêng lại nảy những hàng kiệt linh”. Do có nhiều người đỗ đạt, vinh hiển, nhiều đời đỗ đạt làm quan, hiện ở nhà thờ Sắc có nhiều đôi câu đối vinh danh:
- Văn đỗ Trạng Nguyên, võ làm Quốc công, áo tía đầy triều.
Nam thì trung thần, nữ thì oanh liệt, sử sách ngợi ca.
- Ngọn bút lấn mây, văn chiếm trạng nguyên, võ chuyên chức tướng.
Cành bạc chia nhánh, nhà ở Canh Hoạch, quán tại Tảo Dương.
- Cậu Trạng nguyên, cháu Trạng nguyên, khoa bảng đỗ đầu sáng danh sử sách.
Bố Tiến sĩ, con Tiến sĩ, tám đời quyền quý phúc lớn gia truyền.
Đất kiệt linh, quê hương của Thám Hoa Nguyễn Doãn Định cụ tổ 11 đời, quê hương của Trạng Nguyên Nguyễn Thiến cụ tổ 9 đời, quê hương của Thái Bảo Thường Quốc Công Nguyễn Quyện, Phù Hưng hầu Nguyễn Miễn cụ tổ 8 đời và quê hương của Thái Bảo Nam Dương công Nguyễn Nhiệm cụ tổ 7 đời của Đại thi hào Nguyễn Du:
“Gặp buổi Mạc vương thành sụp đổ
Nam Dươmg hầu còn cố hy sinh
Tiên Điền thành đất lánh mình
Nghi Xuân đại tộc ngát xanh muôn đời”.
(Đinh Công Vĩ)
3. Tại Lễ giỗ 200 năm Đại thi hào Nguyễn Du (10/8 năm Canh Thìn 1820 - 10/8 năm Canh Tý 2020) tại Khu di tích Tiên Điền, nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Nhạ nói với tôi: “Năm 2012, dân làng Canh Hoạch vào Tiên Điền được đón tiếp rất ân cần, chu đáo và được cung cấp rất nhiều tư liệu quý để Canh Hoạch bổ sung vào lịch sử nhà thờ Thường Quốc Công Nguyễn Quyện. Năm 2014, Canh Hoạch dẫn đoàn đại biểu họ Nguyễn Duy thôn Tảo Dương, xã Hồng Dương vào nhận họ tộc. Năm 2014, Lễ đón bằng Di tích lịch sử nhà thờ Thường Quốc Công Nguyễn Quyện, làng Canh Hoạch vinh dự được đón lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh và dòng họ Nguyễn Tiên Điền ra dự chung vui. Năm 2017, Canh Hoạch vào dự lễ kỷ niệm ngày mất Đại thi hào Nguyễn Du đã đề xuất trồng một cây đại lấy từ nhà thờ Trạng nguyên Nguyễn Thiến và tặng đôi câu đối gỗ tặng Khu di tích Nguyễn Du”. Đôi câu đối nối liền Tổ quán với dòng họ Nguyễn Tiên Điền có ý nghĩa nhân văn như chim có tổ, như người có tông:
“Canh Hoạch cổ danh hương, Trạng nguyên cậu, Trạng nguyên cháu danh truyền khắp nước
Tiên Điền miền phúc địa, Tể tướng cha, Tể tướng con phúc ấm muôn nhà”.
Hai làng Canh Hoạch – Tiên Điền có cùng chung nguồn cội“Cây chung nghìn nhánh sinh từ gốc/ Nước chảy muôn dòng phát tại nguồn”. Những cuộc thăm hỏi của dòng họ Nguyễn làng Canh Hoạch hai đã được Ban quản lý Khu di tích Nguyễn Du, dòng họ Nguyễn Tiên Điền đón tiếp rất nồng hậu, ấm áp tình họ tộc. Đúng như lời cổ nhân: “Chim có tổ, người có tông, tuy ở cách nghìn sông không mờ nhạt tổ tông Hồng Lạc/ Nước có nguồn, cây có cội, dẫu đi xa vạn đỗi chẳng phai nhòa nguồn cội Rồng Tiên”.
Từ làng Canh Hoạch đến đất Tiên Điền - dòng họ Trạng nguyên Nguyễn Thiến đã làm rạng danh, xứng đáng là họ trâm anh thế phiệt. Tính từ đời Nam Dương hầu Nguyễn Nhiệm đến Nguyễn Du là đời thứ 7. Dòng họ Nguyễn Tiên Điền tự hào có Đại thi hào dân tộc, danh nhân văn hóa Nguyễn Du.
Tôi đọc đôi câu đối trong nhà thờ Thường quốc công: “Văn đỗ Trạng nguyên, võ tước Quốc công đầy triều đỏ tía/ Nam là trung thần, nữ là liệt phụ, thực chép sử xanh” mà ngẫm ngợi bao điều sâu xa. Câu đối ca ngợi công danh vinh hiển ông và cháu, cha và con, vợ và chồng. Như vậy, nội dung đôi câu đối đã lan tỏa từ đất Canh Hoạch đến đất Tiên Điền, đến con cháu Nguyễn Nghiễm, Nguyễn Khản, Nguyễn Du… 2 vị Trạng Nguyên có quan hệ thân tộc Trạng cậu, Trạng cháu, lại cùng từ một nơi nuôi dưỡng phát triển tài năng là làng Canh Hoạch. Dòng Trạng nguyên Nguyễn Thiến trâm anh thế phiệt, kinh bang tế thế đã làm rạng danh đất Canh Hoạch và đất Tiên Điền.
Khi Chi hội Kiều học trở về, hậu duệ Trạng nguyên Nguyễn Thiến cùng dòng họ Nguyễn Canh Hoạch đã bày tỏ nguyện vọng tha thiết: “Dân làng Canh Hoạch chúng tôi mong muốn xây dựng Nhà lưu niệm Trạng nguyên Nguyễn Thiến cùng dòng Nguyễn tôn vinh xứng đáng những danh nhân của đất nước khởi sinh từ mảnh đất này. Nhà lưu niệm tọa lạc ở trên chính mảnh đất thiêng này - nơi sinh ra Trạng nguyên Nguyễn Thiến, Thường Quốc công Nguyễn Quyện… là Thủy tổ dòng họ Nguyễn Tiên Điền và Đại thi hào Nguyễn Du. Chúng tôi muốn lưu danh dòng họ Nguyễn Canh Hoạch và dòng họ Nguyễn Tiên Điền cho muôn đời sau…”.
(Bài viết sử dụng tư liệu của dòng họ Nguyễn Canh Hoạch; Họ Nguyễn Tiên Điền và Khu di tích Nguyễn Du của Đinh Sỹ Hồng).
PTS-TS Lê Thị Bích Hồng
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất