Số phận các thủ lĩnh thi ca Nga

18/02/2010 08:36 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH Cuối tuần) - Được gọi là “thế kỷ bạc” của nền văn học Nga - thế kỷ 20, thời điểm sản sinh ra hàng loạt các tên tuổi lớn cùng với số phận cực kỳ phức tạp, đậm chất bi kịch. Đặc biệt, trong lĩnh vực thi ca, số phận của các tên tuổi lớn không phải của riêng cá nhân họ mà còn là của lịch sử nước Nga.

Nếu chỉ liệt kê thôi, cũng khó có thể kể hết các tên tuổi lớn cùng các bi kịch của họ. Vì thế, trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ muốn đề cập đến 3 trong nhiều tên tuổi là Vladimir Mayakovsky, Marina Tsvetaeva và Boris Pasternak. Đây là 3 tên tuổi sáng chói, mà số phận, dấu ấn của họ về cơ bản đã khắc họa khá đầy đủ diện mạo thi ca Nga trong thế kỷ 20.

Marina tsvetaeva - Người tái tạo thi ca


Marina tsvetaeva
Đánh giá sự nghiệp của Marina Tsvetaeva, nhà thơ Xô Viết Evgheni Evtushenko viết: “Marina cùng với Boris Pasternak, Vladimir Mayakovsky đã cách tân, đưa thơ ca Nga tiến về phía trước hàng nhiều năm. Một nhà thơ tuyệt vời như Anna Akhmatova, người rất khâm phục Tsvetaeva cũng chỉ là người bảo vệ thơ ca truyền thống, chứ không phải là người tái tạo nó. Trong bình diện này, Tsvetaeva cao hơn hẳn Akhmatova”.


Marina Tsvetaeva (1892) sinh tại Moskva, trong một gia đình có truyền thống văn hóa. Mẹ bà là nữ nghệ sĩ piano tài danh, còn bố là giáo sư, nhà ngôn ngữ Vladimirovich Tsvetaev và là người sáng lập bảo tàng mỹ thuật mang tên Pushkin. Ngay từ nhỏ Marina được thụ hưởng nền giáo dục hàn lâm, tiếp cận với các kiến thức cơ bản của nghệ thuật, văn hóa cổ điển Nga cũng như của nước ngoài. Ngoài tiếng mẹ đẻ, bà còn sáng tác thơ bằng tiếng Đức và tiếng Pháp.

Là nhà cổ điển lớn, Marina đã để lại một di sản đồ sộ, nhiều tập thơ trữ tình, 17 trường ca, 8 kịch thơ, tự truyện, hồi ký văn học, tiểu luận, phê bình triết học, truyện, bút ký... Dấu ấn lớn nhất của Marina là bà đã kết hợp tài tình hai chủ nghĩa đối lập nhau là Chủ nghĩa tượng trưng và Chủ nghĩa đỉnh cao (Acmeism) để cách tân ngôn ngữ thi ca Nga.

Cách mạng tháng Mười thành công, thay vì chạy ra nước ngoài như nhiều trí thức thời Sa Hoàng, Marina ở lại nước Nga. Điều này làm giới ngoại kiều Nga không ưa bà. Tháng 5/1922, Marina cùng con gái được phép ra nước ngoài để đoàn tụ với chồng là cựu sĩ quan bạch vệ - Ephron. Ban đầu giới ngoại kiều Nga hoan hỉ đón chào Marina như một con bài chính trị. Nhưng dù phải xa quê hương, Marina vẫn một nỗi nhớ đau đáu quê nhà và viết “bằng ngôn ngữ bình đẳng” như bà từng nói. Chính vì thế, trong cộng đồng Nga ở nước ngoài, bà bị xem như con ghẻ, bị xa lánh, bị bài xích.

Trong tình thế ấy, trở về Nga dường như là lối thoát duy nhất. Và 6/1939, Marina trở lại Moskva. Nhưng với Liên Xô khi ấy, những ai từng sống lưu vong thì người đó cũng phải đứng bên lề xã hội. Hơn thế, ngay khi trở về, Marina đã nghe hung tin: Cô em ruột Anatasia bị bắt, còn chồng thì ốm thập tử nhất sinh. Thế chiến II bùng nổ, người con trai duy nhất của bà hy sinh ngoài mặt trận. Marina đi sơ tán tại thành phố nhỏ Elabuga, bà sống hết sức nghèo khó, thậm chí ngay cả khi bà viết đơn xin làm người rửa xoong nồi trong nhà ăn dành cho các nhà văn cũng không được chấp nhận. Tuyệt vọng và cô đơn, ngày 31/8/1941 Marina treo cổ tự vẫn, vĩnh biệt cuộc đời cay đắng mà bà đã yêu mến đến tận cùng. Evgheni Evtushenko viết: “Không ai treo cổ, xử bắn bà. Nhưng người ta đã bắn bà bằng sự ghẻ lạnh, thờ ơ và không in ấn thơ của bà”.

Boris Pasternak - “Hiệp sĩ của thi ca Nga”


 Pasternak
Người ta kể lại rằng, khi Marina Tsvetaeva chuẩn bị đi sơ tán ở Elabuga, Boris Pasternak đến giúp bà thu xếp hành lý. Ông đem theo sợi dây thừng, giúp Marina buộc vali. Khi thắt buộc xong, Pasternak đùa vui: “Sợi dây này rất chắc, cho dù có treo bà lên cũng không đứt được”. Sau này, người ta kể với ông rằng, Marina treo cổ tự tử bằng chính sợi dây ấy, Pasternak không thể tha thứ cho mình về câu nói đùa tai hại này.


Pasternak là bạn thân thiết của Marina nhưng lớn hơn bà 2 tuổi. Sinh trưởng trong một gia đình gốc Do Thái, bố là giáo sư Leonid Pasternak, dạy trường kiến trúc - mỹ thuật, còn mẹ là nữ nghệ sĩ piano, nên Pasternak sớm được tiếp xúc với các tên tuổi lừng danh như nhà soạn nhạc Sergey Rahmaninov, nhà thơ Rainer Maria Rilke, văn hào Lev Tolstoy.

Dường như nhắc đến Pasternak, người ta chỉ biết ông là nhà văn đoạt giải Nobel năm 1958 với tác phẩm Doctor Zhivago gây đầy tranh cãi. Tuy nhiên, với văn học ông trước hết là nhà thơ lớn mà chỉ riêng tác phẩm Cuộc sống người chị hiền của tôi được ông viết vào năm 1917 đã có sức ảnh hưởng, chi phối toàn bộ thơ ca Nga trong thế kỷ 20. Pasternak đã có thể trở thành họa sĩ (ảnh hưởng của cha), trở thành nhạc sĩ (ảnh hưởng của mẹ), hay nhà triết học (ông học triết ở Đức) nhưng cuối cùng lại trở thành nhà thơ như ông nói vào năm 1912: “Về cơ bản tôi là người làm thơ. Ngày cũng như đêm, tôi buộc phải viết về biển, về bình minh, về ngôi nhà mùa Hạ…”.

Kết bạn thân thiết với Vladimir Mayakovsky, nên không lạ khi Pasternak từng có lúc tôn thờ Chủ nghĩa vị lai. Tuy nhiên trong thời tiền sáng tác của mình, ông chịu ảnh hưởng sâu sắc tư tưởng của nhà triết học Kant cả về cấu trúc tác phẩm lẫn hình thức thể hiện. Không giống như nhiều bạn bè và họ hàng ra đi khi Cách mạng tháng Mười thành công, Pasternak đã ở lại với niềm hứng khởi mới. Nhưng chính vào năm 1932, khi ông tách khỏi Chủ nghĩa vị lai, tự tạo nên phong cách của mình thì ông đã bắt đầu là “nỗi thất vọng” của những người có quyền lực.

Liên tục trong khoảng 10 năm, Pasternak được đề cử giải Nobel văn học vì sự nghiệp thi ca, nhưng đến năm 1958, khi Doctor Zhivago đang gây dư luận trên thế giới thì ông được trao giải. Tuy chưa có bất cứ nhà phê bình văn học Xô Viết nào có cơ hội được đọc tác phẩm này, nhưng khi đó, một vài người trong số họ lại lớn tiếng yêu cầu: “Hãy đuổi con lợn ra khỏi vườn rau của chúng ta”. Điều này đồng nghĩa với việc trục xuất Pasternak khỏi Liên Xô, (chỉ mãi đến năm 1988, Doctor Zhivago mới được xuất bản ở Liên Xô). Có thể hiểu tâm trạng rối bới của tác giả Doctor Zhivago. Vào ngày 27/10/1958 sau khi biết tin mình được trao giải Nobel, ông đánh điện gửi Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển: “Tôi rất cám ơn, rất xúc động, tự hào, ngạc nhiên, cảm kích”. Vậy mà 4 ngày sau đó ông gửi bức điện khác: “Nhìn nhận ý nghĩa của giải thưởng với xã hội mà tôi đang sống, tôi buộc phải từ chối giải thưởng này. Đề nghị không phật ý với sự tự nguyện từ chối của tôi”.

Có thể bị hắt hủi, có thể bị phê phán, có thể phải cùng cực cô đơn… Tất cả những điều đó, Boris Pasternak có thể chịu đựng được. Và thực tế ông đã chịu đựng được đến ngày 30/5/1960 khi qua đời vì căn bệnh phổi. Nhưng với bức điện thứ hai cho thấy, ông không thể chịu đựng được một điều duy nhất: Bị tước quyền công dân. Ông sẵn sàng làm tất cả vì tình yêu tổ quốc và vì thơ ca. Chẳng thế mà người ta gọi Pasternak bằng đủ thứ tên: “Hamlet của thế kỷ 20”; “Hiệp sĩ của thi ca Nga”; “Con tin của sự vĩnh cửu”, “Nhà cổ điển không biết mệt mỏi”… Đấy cũng là sự tôn vinh không gì có thể so sánh cho một bậc thầy văn học Nga đương đại.

Nhà cách tân Vladimir Mayakovsky

Mayakovsky
Sinh năm 1893 và là bạn của Pasternak và Tsvetaeva, nhưng xuất phát điểm của Mayakovsky lại khác. Nếu như Pasternak và Tsvetaeva được coi là những trí thức của thời nước Nga phong kiến, thì Mayakovsky là nhà thơ vô sản. Là một trong những người sáng lập ra Chủ nghĩa vị lai, cổ vũ cho những cái mới, phá bỏ những cái cũ, thậm chí còn đòi đốt cả thơ của Pushkin, Lermantov, ông là người đầu tiên xây dựng nên thể loại thơ bậc thang và có ảnh hưởng sâu đậm với nhiều nhà thơ Nga cũng như các nhà thơ trên thế giới.

Cuộc đời và sự nghiệp của Mayakovsky được giới thiệu khá tường tận tại Việt Nam qua nhiều tập sách, tiểu luận và hàng ngàn bài báo. Trong đó, cái chết của ông (Mayakovsky tự tử ngày 14/4/1930 tại Moskva) được nhìn nhận thiên về góc độ là nhà thơ chết vì tình.

Thực chất bi kịch của Mayakovsky là ở chỗ: Ông là nhà thơ bậc thầy, nhưng lại là nhà chính trị kém (giống như hầu hết các nghệ sĩ khác). Ông tôn thờ các lý tưởng tươi đẹp của cách mạng, nhưng lại thất vọng về kết quả của nó. Ông đã đụng chạm với cả một hệ thống chứa đựng trong đó chủ nghĩa quan liêu hành chính mà không thể tìm thấy lối ra vì vẫn trung thành, vẫn yêu mến nó, vẫn muốn đấu tranh cùng nó như ông từng nói: “Tôi đến với cuộc đời không để thỏa thuận”. Khủng hoảng trong sáng tạo mới là nguyên nhân chính dẫn đến cái chết của Mayakovsky.


Nhật Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm