Diego và 'Con đường Chula'

30/11/2021 12:00 GMT+7 | Văn hoá

(giaidauscholar.com) - Ngày 1/12 tới đây, nhân 49 ngày kể từ khi nhà thiết kế người Tây Ban Nha Diego Cortizas del Valle qua đời, nhóm nghệ sĩ trong dự án nghệ thuật Phúc Tân sẽ thực hiện tác phẩm Con đường Chula để tưởng nhớ ông.

NTK Diego Diego Cortizas: Ở Việt Nam, xem bóng đá tại quán bia là… nhất

NTK Diego Diego Cortizas: Ở Việt Nam, xem bóng đá tại quán bia là… nhất

Đến Việt Nam từ 2004, một tình yêu không hẹn trước đã níu giữ Diego Cortizas ở lại Hà Nội và trở thành nhà thiết kế Tây Ban Nha có tiếng với thương hiệu Chula.

Buổi lễ công bố dựng tác phẩm này dự kiến sẽ diễn ra ở“con đường nghệ thuật” Phúc Tân, có sự tham gia của cộng đồng yêu nghệ thuật cùng bạn bè trong nước và quốc tế. Được thiết kế dưới hình thức một biển phố, Con đường Chula do họa sĩ Trần Hậu Yên Thế sáng tác bằng chất liệu sắt cắt CNC, sơn màu, inox gương. Nó sẽ được đặt ngay bên cạnh tác phẩm của Diego trên "con đường nghệ thuật” Phúc Tân.

Trước đó, việc Diego đột ngột ra đi vào ngày 13/10 ở tuổi 49 đã để lại cú sốc lớn cho các bạn bè và đồng nghiệp. Là một kiến trúc sư Tây Ban Nha, Diego đến sống tại Việt Nam năm 2004 và trở thành nhà thiết kế thời trang với thương hiệu Chula- để rồi từ nhiều năm nay, Chula là một điểm hẹn văn hóa nghệ thuật của những nghệ sĩ và công chúng Việt Nam, nước ngoài với các sự kiện thời trang, triển lãm mỹ thuật, âm nhạc.

Diego có mối quan hệ rộng khắp và thân thiết với văn nghệ sĩ ở Việt Nam. Năm 2020 ông tham gia dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân - dự án truyền cảm hứng lớn trong dư luận thông qua việc biến một khu vực tập kết phế thải ven sông Hồng thành “con đường nghệ thuật” độc đáo của Hà Nội và được trao giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội năm 2020 của báo Thể thao và Văn hóa. Diego vinh dự là tác giả của 1 trong 16 tác phẩm làm nên “con đường” này.

Chú thích ảnh
Diego (ngoài cùng bên phải) cùng nhóm tác giả dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân nhận giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội năm 2020

“Ông Tây” tìm về những họa tiết Việt Nam

Những ký ức văn hóa đời thường của cuộc sống đô thị Hà Nội đã có sức hút kỳ lạ với kiến trúc sư- nhà thiết kế thời trang Tây Ban Nha Diego Cortizas del Valle. Để rồi trong một lần đến Việt Nam năm 2003 ông đã phải lòng đất nước này vàquyết định về bán hết tài sản, chuyển đến Việt Nam ở lại vô thời hạn trong 20 năm cuối cùng của cuộc đời. Tinh thần thương hiệu Chula mà ông đem đến gần 2 thập niên qua luôn hướng về văn hóa Việt Nam.

Những họa tiết xuất hiện trong thời trang và nội thất kiến trúc trong ngôi nhà Chula làm bất kỳ ai khi bắt gặp cũng phải xao xuyến, có khi nín lặng. Người nước ngoài thì ngạc nhiên về những hình ảnh văn hóa độc đáo của Việt Nam còn người Việt thì có thể “chạnh lòng” khi những hình ảnh quá đỗi đời thường trong cuộc sống hàng ngày hay cả những nhận diện văn hóa, tín ngưỡng của mình lại được tái cấu trúc một cách táo bạo đến thế bởi một “ông Tây”.

Sống gần 20 năm ở Hà Nội, với bất kỳ hình ảnh nào trong đời thường mà Diego thấy quen thuộc, ông cũng dùng đồ họa thiết kế lại thành những họa tiết trang trí đầy tính thẩm mỹ lên những bộ váy áo của Chula. Từ những vật dụng trong sinh hoạt hàng ngày của người dân như than tổ ong, vỏ cam quýt phơi khô, rổ tre, bó đũa, thúng mẹt, lồng chim, cột điện dây điện chằng chịt, gạch ngói xây dựng, biển báo, biển chỉ đường, loa phường, cửa sắt, ô cửa sổ xanh lá, chắn song, lan can sắt uốn, bóng bay… đến bún phở - đặc sản ẩm thực Hà Nội - đều được tái hiện trên váy, áo dài Việt Nam một cách hài hước tự nhiên hoặc nhân lên thành họa tiết vừa quen vừa lạ. Đó cũng chính là cách lặp lại kiểu hồi văn thường gặp trong trang trí kiến trúc Việt Nam truyền thống.

Chú thích ảnh
Tác phẩm “Bức tường danh vọng” của Diego trong dự án nghệ thuật Phúc Tân 2020. Ảnh: Hanoigrapevine.com

Rồi đến những địa danh kiến trúc quan trọng của Hà Nội như chùa Một cột, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Tháp Rùa, cầu Long Biên đến những biểu tượng văn hóa, nghệ thuật, tín ngưỡng nhưđèn lồng, cá chép, rồng, hình ảnh trong tranh dân gian Đông Hồ, bó hương, cờ hội, mái đình chùa, vòng tròn sắc không, hay các chữ Hán: Phúc, Lộc, Vạn, Thọ, Song hỷ… là những minh văn trong hệ thống biểu tượng trang trí kiến trúc Việt Nam đều xuất hiện trong Chula.

Sự thân thương và đa dạng của các họa tiết trong Chula là sự tổng hòa của đời sống đương đại. Dành tình yêu đặc biệt cho Hà Nội bởi ông cùng gia đình gắn bó và sống tại đây, nhưng bên cạnh đó, Diego cũng đi mọi miền đất nước Việt Nam và cùng một phương thức, ông đem về Chula những mảnh ghép văn hóa của đất nước này.

Những chi tiết ấy trong tương lai cũng không chắc chắn sẽ còn tồn tại nguyên vẹn trong dòng chảy công nghiệp hóa. Diego cho con cái mình tham gia vào thảo luận thiết kế và trình diễn bộ sưu tập Trung thu - đó cũng là một cách, ông giáo dục các con. Và như vậy, gia đình ông đã coi Việt Nam là quê hương thứ 2, và nghiêm túc nghĩ về điều đó như một cơ hội để nuôi dưỡng phát triển tâm hồn và tri thức.

“Con đường Chula” - tấm biển thứ 37

Trở lại với tác phẩm Con đường Chula sắp được trưng bày. Đây được coi là tấm biển thứ 37 do họa sĩ/nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế thiết kế cùng nhóm nghệ sĩ Phúc Tân để “tưởng nhớ một người bạn, người nghệ sĩ, nhà thiết kế trong nhóm, đã cống hiến và đóng góp cho dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân, cũng như đóng góp cho sự giàu có của văn hóa sáng tạo Hà Nội và Việt Nam suốt gần 20 năm qua”.

Trước đó 36 tấm biển của dự án nghệ thuật Qua phố nhớ gì đã được họa sĩ Trần Hậu Yên Thế cùng nhóm cộng sự ra mắt vào năm 2010. 36 tấm biển phố nhưng không phải là chỉ dẫn lộ giới hành chính mà là chỉ dấu về văn hóa đặc trưng của 36 phố phường Hà Nội một thời. Và bây giờ, tấm biển thứ 37 được tạo nên để “Tri ân một con người có tâm hồn nghệ sĩ đầy nhân văn, luôn nặng lòng và trân quý những giá trị văn hóa bản địa và con người Hà Nội”.

Chú thích ảnh
Tác phẩm “Con đường Chula”

Trong nhóm nghệ sĩ của dự án nghệ thuật Phúc Tân, nghệ sĩ/giám tuyển Nguyễn Thế Sơn đã có những dự án nghệ thuật về đô thị Hà Nội từ những năm 2004. Song hành với những nghệ sĩ địa phương quan tâm đến những giá trị bản sắc văn hóa như thế luôn là sự có mặt của Diego ở mọi triển lãm.

Nghệ sỹ Thế Sơn chia sẻ:“Tôi biết đến Diego và có sự đồng cảm trong mạch sáng tác cách đây hơn chục năm. Cùng thời gian những năm 2004-2008, cả Diego và tôi đều có triển lãm về ký ức đô thị Hà Nội. Diego cũng yêu những khung cửa sắt, những cột điện Hà Nội…Ngoài ra Diego còn đưa các món ăn Hà Nội và thổ cẩm của các cộng đồng dân tộc thiểu số vào thời trang theo tính chất linh hoạt của công việc thiết kế thời trang. Tôi còn nhớ cùng thời gian đó, mỗi khi bà Suzanne Lecht tổ chức triển lãm tại Art Vietnam gallery cho họa sỹ nào là bà lại nhờ Diego làm cho một bộ váy áo có đưa những mảng tranh của họa sỹ đó lên váy áo làm kỷ niệm, và sau này bà có một bộ sưu tập tới hơn ba chục bộ váy như thế do Diego thiết kế”.

“Diego rất nhạy cảm và thông minh trong việc bắt sóng cùng những người nghệ sĩ địa phương có cùng quan tâm đến vấn đề văn hóa truyền thống khai thác yếu tố bản địa và thực sự Diego rất quý mến họ. Thế kỷ 21 đúng là thời gian mà mọi người đang bàn luận về các vấn đề công nghiệp văn hóa, khai thác lại truyền thống bản địa… những điều này Diego làm được rất tự nhiên từ hàng chục năm nay” - nghệ sĩ Thế Sơn bày tỏ.

Con đường tận hiến cho cái đẹp

Đánh giá về những đóng góp của Diego đối với nghệ thuật và văn hóa ở Việt Nam, với tư cách là một giảng viên, đồng thời là nghệ sĩ thực hành nghệ thuật, Thế Sơn cho rằng, “con đường” của Diego không phải thực hành thời trang đơn thuần mà là thực hành văn hóa. Diego không xuất phát từ học thời trang, Diego là một kiến trúc sư nhưng lại có tâm hồn của một thi sĩ nhiều hơn một người kinh doanh và làm nghề thời trang (ông thiết kế, vẽ tranh, làm thơ, làm nội thất, sáng tác nhạc...).

“Cách đây mấy năm, Diego có mời bố tôi triển lãm tại không gian Chula và rồi đến tôi cũng từng có một triển lãm ở đó” - nghệ sĩ Thế Sơn kể - “Khi thương hiệu được định hình, Diego bắt đầu chia sẻ không gian với các nghệ sĩ Việt. Diego và vợ rất tự hào và chắt chiu những thứ rất nhỏ từ văn hóa Việt”.

Anh nhận xét thêm: “Chula không chỉ là thời trang theo kiểu công năng mà như một nhận diện văn hóa. Chula giống như một “hub”- không gian kết nối sáng tạo cộng đồng - như rất nhiều nơi đang hướng tới trên tinh thần không phân biệt, không định kiến và chào đón tất cả các loại hình văn hóa nghệ thuật từ âm nhạc, hội họa, trình diễn thời trang, thơ ca…”.

Và như lời nhóm nghệ sĩ thực hiện dự án nghệ thuật Phúc Tân, “Con đường Chula” mà Diego đã mở ra rồi đi trên đó là con đường tận hiến cho sự nhân văn rực rỡ sắc màu. Dẫu rằng, giờ đây, ông đã thành những đám mây trắng nhẹ trôi trên châu thổ sông Hồng, trên mảnh đất Việt này, nhưng họ biết rằng Diego vẫn sẽ luôn đồng hành cùng mình trên con đường phụng sự cho cái Đẹp.

Chú thích ảnh
Tác phẩm của Diego trong tuần lễ thiết kế Việt Nam 2021: Cuộc sống mới ký ức cũ. Ảnh: Vietnamdesignweek.com
Chú thích ảnh
Diego và bức tường ông vẽ trong ngôi nhà Chula. Ảnh: An ninh thủ đô
Chú thích ảnh
Ngôi nhà Chula tại phố Nhật Chiêu – Tây Hồ Hà Nội. Ảnh: Mapvn.com
Chú thích ảnh
Họa tiết lấy cảm hứng từ bức tường khoan cắt bê tông đặc trưng ở Việt Nam
Chú thích ảnh
Họa tiết lấy cảm hứng từ chắn song sắt – đặc trưng của đô thị Hà Nội sau thời Pháp Thuộc
Chú thích ảnh
Váy thiết kế của Chula trong tuần lễ: Vietnam International Beauty & Fashion Week 2019.  Ảnh: Tạp Chí Phong Cách
Chú thích ảnh
Một thiết kế của Chula lấy họa tiết văn hóa truyền thống Việt Nam. Ảnh: chulafashion.com
Chú thích ảnh
Họa tiết của Chula lấy cảm hứng từ đời thường. Ảnh: chulafashion.com
Chú thích ảnh
Một thiết kế của Chula lấy họa tiết văn hóa truyền thống Việt Nam. Ảnh: chulafashion.com
Chú thích ảnh
Bộ sưu tập áo dài trong trình diễn ở dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân năm 2020 của Diego. Ảnh: Nguyễn Thế Sơn

Một “không gian sáng tạo” đặc biệt của Hà Nội

“Trong suốt hơn 10 năm, hầu hết các nghệ sỹ đương đại Việt Nam đều có triển lãm tại Chula. Chula gần như mô hình không gian sáng tạo phi lợi nhuận mà Diego đã tạo ra. Đây không còn là một mô hình kinh doanh mà trở thành không gian hỗ trợ các hoạt động sáng tạo nghệ thuật” - Nhận định của họa sĩ Nguyễn Thế Sơn.

Tinh thần thiết kế của Diego

“Điều giá trị nhất mà Diego để lại có lẽ chính là cách sống của mình. Cách đối nhân xử thế của Diego rất tự nhiên không hề giáo điều. Anh có một sự đồng cảm và không hề định kiến. Diego có thể làm việc được với rất nhiều nghệ sỹ Việt và đặc biệt với khoảng 70 người khuyết tật mà anh cộng tác trong Chula. Doanh nghiệp của Diego rất đặc biệt, có thể nói chưa có một doanh nghiệp nào hoạt động như thế. Diego khuyến khích những người thợ vẽ kiểu. Ngay cả khi Diego đã mất thì những cách làm và tinh thần thiết kế của Diego đã thấm nhuần trong môi trường Chula như một sự chuẩn bị trước, để đến khi ông có không ở đây thì Chula vẫn tiếp tục cuộc sống. Diego không chỉ tạo ra giá trị Chula ở Hà Nội, mà đi khắp đâu trên đất nước Việt Nam hay ba bốn chục quốc gia trên thế giới đều với một tinh thần như thế” (Chia sẻ của nghệ sĩ Thế Sơn).

“Thời trang chỉ là một cái cớ…”

Chula trong tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là “đẹp”. Nhưng Diego và gia đình ông đã tạo nên cả một đời sống văn hóa cho cái đẹp đó chính vì vậy mặc dù Diego không còn hiện diện nhưng Chula thì không dễ dàng mất đi. Như cách Diego nói: “đối với chúng tôi đó là cuộc sống. Thời trang không phải là mục đích duy nhất mà chỉ là một cái cớ để chúng tôi hiểu hơn về đất nước và môi trường và cũng như để hiểu hơn về chính mình”. Ký ức văn hóa mà Chula mượn của mảnh đất này có thể được thể hiện một cách khác biệt. Nhưng sau cùng nhìn lại, chắc hẳn chúng ta đều thấy tự hào và ghi nhận những đóng góp của Diego như một sự lưu giữ và nhắc lại văn hóa, cần thiết trong đời sống của đô thị Việt.

Trần Thu Huyền

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm