26/06/2014 18:48 GMT+7 | Ký sự World Cup
(giaidauscholar.com) - “Muốn thắng, trước hết phải ghi bàn. Muốn ghi bàn, phải có tiền đạo xuất sắc. Không có tiền đạo nào hay ho, châu Âu thảm bại là đúng rồi còn gì”.
Cái cách anh Joao Miguel, từng rất thần tượng Ronaldo “béo” và giờ mê Neymar cuồng nhiệt, chỉ ra nguyên nhân thất bại của hàng loạt đội châu Âu ở World Cup 2014 khiến tôi giật mình. Có thể anh bạn sống ở Sao Paulo đã đúng. Đôi lúc, bản chất của vấn đề là rất đơn giản, nhưng chúng ta cứ thích phức tạp hóa nó lên, nào là thời tiết khí hậu, nào là trọng tài, nào là “âm mưu” của FIFA...
Vấn đề tiền đạo và chuyện số áo
Chỉ cần nhìn áo cổ động viên ở Brazil trong những ngày qua là đủ biết điểm mạnh, điểm yếu của các đội bóng.
Rất nhiều fan tuyển Italy đến Brazil với chiếc áo của Pirlo. Đa số CĐV Tây Ban Nha tỏ ra tự hào khi mặc áo Xavi, Iniesta. Mọi hy vọng của họ rõ ràng dồn lên hết hàng tiền vệ.
Chiếc áo trắng số 10 của Rooney xuất hiện khá nhiều. Nhưng chỉ vì họ là fan của Manchester United. Số khác mặc chiếc áo số 4 của Gerrard. Khi được hỏi vì sao chỉ mặc áo Rooney và Gerrard, họ bảo rằng cả đội bóng chỉ có hai người này là ngôi sao.
Fan tuyển Đức mặc áo đa dạng nhất. Áo số 1 của Manuel Neuer không hề ít. Áo số 16 của Philipp Lahm khá nhiều. Bạn vẫn có thể bắt gặp áo của những Schweinsteiger, Oezil, Mueller, Goetze, Kroos trên đường phố. Và không thiếu chiếc áo số 11 của Klose. Điều này cho thấy, tuyển Đức là một tập thể đồng đều.
Fan tuyển Bồ tràn ngập áo số 7 của Ronaldo. World Cup nào họ cũng kỳ vọng rất nhiều ở CR7, nhưng anh luôn gây thất vọng.
Người Brazil chỉ có số 10 của Neymar. Người Argentina chỉ có số 10 của Messi. Người Chile mặc chiếc áo số 7 của Sanchez đi khắp nơi. Người Uruguay ưa chuộng áo số 9 của Suarez và số 21 của Cavani.
Rất dễ nhận ra vấn đề của các đội châu Âu và cũng là điểm mạnh của các đội Nam Mỹ nằm ở vị trí tiền đạo. Neymar đắt giá. Suarez đắt giá. Cavani đắt giá. Falcao đắt giá, tiếc là không thể kịp bình phục chấn thương để cùng Colombia dự World Cup. Tất cả họ có giá không dưới 60 triệu euro. Messi có giá bao nhiêu? Barca bảo rằng “vô giá”. Đối với các đội bóng châu Âu dự World Cup năm nay, trừ Ronaldo, rất khó kiếm được một tiền đạo có giá trên 40 triệu euro.
Châu Âu yếu đi hay Nam Mỹ mạnh hơn?
Nam Mỹ không hề mạnh hơn so với chính họ 4 năm về trước. Tại World Cup 2010, tất cả các đội Nam Mỹ đều vượt qua vòng bảng và 4/5 đội đã tiến vào vòng sau với ngôi đầu, gồm Brazil, Argentina, Uruguay và Paraguay. Đội duy nhất không xếp đầu bảng là Chile, nhưng cùng có 6 điểm như đầu bảng Tây Ban Nha.
Nếu soi xét kỹ, Brazil hiện tại chưa chắc mạnh hơn Brazil của Dunga tại World Cup 2010. Về tính tổ chức và kỷ luật trong lối chơi thì Brazil của Dunga vẫn nhỉnh hơn. Chỉ tính riêng vòng bảng, Argentina của Sabella đá còn chán hơn Argentina của Maradona tại Nam Phi. Điểm khác biệt tích cực là Messi đã ghi bàn.
Uruguay của năm 2010 đáng sợ hơn nhiều so với Uruguay hiện tại. Bốn năm về trước, hàng thủ Uruguay chơi cực hay (không để thủng bàn nào ở vòng bảng), bộ đôi Suarez - Forlan thi đấu ăn ý hơn nhiều so với cặp Suarez - Cavani. Chile của Marcelo Bielsa đá pressing hay hơn hẳn so với Chile của Jorge Sampaoli hiện nay. Colombia đang được ca ngợi rất nhiều. Nhưng cách đây 4 năm, người ta cũng từng ngợi ca lối chơi khó chịu của Paraguay.
Nam Mỹ không hề mạnh hơn, nhưng châu Âu thực sự yếu đi. Nhìn Tây Ban Nha thì đủ biết. Nhìn Bồ Đào Nha là đủ thấy. Những sai lầm của trọng tài là có thật. Thời tiết phần nào có tác động. Nhưng đó không phải là nguyên nhân khiến hàng loạt đội bóng lớn châu Âu sớm từ giã cuộc chơi. Và nguyên nhân đầu tiên phải kể đến nằm ở hàng công.
ĐỨC LỘC (từ Sao Paulo)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất