(giaidauscholar.com) - Chỉ cách đây vài năm, Kinh điển đã được nhắc đến từ cách đó cả tháng trời, vì sự thù địch của Jose Mourinho dành cho Barcelona. Trái ngược hoàn toàn với hiện tại, El Clasico cứ như thể không còn tồn tại, trong sự yên ắng của cả hai đội.
- Tôi cảm thấy tốt hơn sau quá trình hồi phục. Mọi thứ đang đi đúng hướng.
- Anh có kịp bình phục cho El Clasico không? Hi vọng cả hai chúng ta sẽ được góp mặt. Tôi cũng đang cố gắng đây.
- Chúng ta sẽ cùng có mặt mà. Hi vọng đội xuất sắc nhất sẽ thắng.
Hãy thử đoán, những ai có mặt trong đoạn hội thoại này? Câu đầu tiên là của Andres Iniesta, nói về tiến trình hồi phục sau chấn thương của mình. Ngay sau đó là Sergio Ramos, “trùm” thẻ đỏ của các trận "Kinh điển", động viên người đồng đội ở đội tuyển Tây Ban Nha. Người nói câu thứ 3 là Gerard Pique, kẻ chống Real từ trong gen, và luôn dành một sự quan tâm đặc biệt cho Sergio Ramos.
Pique và Sergio Ramos luôn đối đầu nhau trong những trận "Kinh điển"
Cuộc hội thoại này là những thứ mà có nằm mơ cũng không thể chấp nhận nổi dưới thời Jose Mourinho, người mà chỉ cần thấy ai nói chuyện với kẻ thù sau lưng ông, Mourinho cũng tống anh ta vào tù nếu có thể. Còn đối thoại công khai trên mạng xã hội như trên, hình phạt thật khó tưởng tượng.
Kinh điển không kẻ thù
Iker Casillas bị coi là kẻ phản bội, chỉ vì anh đã gọi điện trò chuyện với Xavi và Carles Puyol sau trận lượt về Siêu cúp Tây Ban Nha năm 2011 căng thẳng. "Mourinho xem Casillas như cỏ rác, một cái mụt nhọt, một kẻ phản bội ích kỷ", nhà báo Diego Torres tiết lộ trong cuốn sách về Người đặc biệt mà ông chấp bút. Chỉ hai mùa sau, đội trưởng của Real bị đẩy lên ghế dự bị, kéo theo đó là cuộc chống đối âm ỉ trong phòng thay đồ ở Bernabeu, Sergio Ramos bị gọi đích danh là cừu đen, bên cạnh những tên khốn trong mắt Mourinho như Ronaldo, hay thậm chí cả Pepe.
HLV người Bồ Đào Nha đã biến bầu không khí Kinh điển đặc quánh sự thù địch, nó phải là điều gì đó vượt quá sức chịu đựng của tất cả, đối với Real Madrid, với đối thủ của họ và dĩ nhiên cả những cổ động viên của hai đội. Trận đấu với Barca luôn được hâm nóng bởi vô số những lời chỉ trích cay nghiệt của Jose Mourinho, người đã mỉa mai đối thủ cách đấy cả tháng trời, trong bất kì một sự kiện nào, dù cho không liên quan đến đội bóng xứ Catalunya. Người ta biết, Pep là kẻ thủ của Mourinho, Barcelona là điều đáng ghê sợ với HLV này.
Mourinho tạo nên sự thù địch cho "Kinh điển"
Vậy mà chỉ vài mùa bóng sau, cầu thủ hai đội đã dành cho nhau vô số những lời thân ái. Dù cho Kinh điển không nhất định là thù địch, nhưng người ta cũng cần cảm thấy có một cuộc chiến lớn sắp xảy ra, hơn là sự bình lặng như hiện tại. Bất chấp việc Gerard Pique, người cũng tự coi mình là kẻ thù công khai số 1 của Real Madrid, như Jose Mourinho đã từng làm, không bỏ lỡ cơ hội nào để xỏ xiên đại kình địch, hay chế giễu Sergio Ramos, cũng không khiến El Clasico nóng bỏng hơn.
Những HLV đến rồi đi trong vài năm qua, khiến cho người yêu bóng đá quên khuấy mất một giai đoạn máu lửa mà Pep Guardiola và Jose Mourinho đã tạo ra trong cuộc đối đầu có một không hai này. Cố HLV Tito Vilanova, trong cuộc đối đầu với Jose Mourinho thiếu hẳn sức sống, và nhanh chóng bị Người đè bẹp ở Kinh điển. Thậm chí, người ta còn chẳng nhắc đến trận đấu này, mà dành thời gian theo dõi HLV người Bồ Đào Nha bị đám cừu đen xử lý thế nào ở mùa cuối cùng của ông tại Bernabeu. Tata Martino, đến từ Argentina một mùa sau đó, là kẻ ngoại đạo hoàn toàn, bên cạnh quí ông lịch lãm Carlo Ancelotti, người chẳng thể nổi giận lấy nửa cái nhíu mày.
Lượt về Kinh điển mùa trước, truyền thông xứ đấu bò cố gắng đẩy sức nóng trận đấu, khi lật lại vụ Zidane cào mặt Luis Enrique trong một trận El Clasico thời cả hai còn là cầu thủ. Rất nhanh chóng, HLV người Asturias gạt đi mâu thuẫn đó, “tôi chẳng nhớ gì lúc đó cả, đấy là chuyện của các anh, và tôi tôn trọng Zidane với tư cách đồng nghiệp”. Còn huyền thoại người Pháp chỉ nói về việc Real Madrid không dễ bị đánh bại như thế nào.
Zidane và Luis Enrique cùng bỏ qua quá khứ
Có một nhận xét rằng, các ngôi sao của Real Madrid và Barcelona như thể chẳng quan tâm đến điều gì khác ngoài sự nổi tiếng và những giá trị khác ngoài bóng đá. Một trận Kinh điển hiện tại không còn mang đến những cảm xúc thăng hoa, sự tuyệt vọng, nỗi tức giận hay sự xấu hổ như trong quá khứ chưa xa.
Người ta dễ dàng quên đi thất bại 0-4 của Real ở Bernabeu mùa trước, hay chuỗi 39 trận bất bại của Barca bị chấm dứt ngay tại Camp Nou, dưới cái bóng của Dải thiên hà. Mà trước đó, người ta luôn nhớ đến trận thua 0-5 trong ngày ra mắt của Jose Mourinho, hay như lúc ông diễn thuyết trước đám đông sau khi đả bại Barca để lên ngôi ở La Liga năm 2012, “chúng ta đã làm được điều tuyệt vời này như dự tính, thế giới lại ở trong tay các bạn, và giờ là lúc để mở ra một thời kì mới ở Tây Ban Nha”.
Cuộc chiến phi tính cách
Sự thay đổi nhanh chóng của bóng đá thế giới trong vài chục năm qua, và đặc biệt là sự phát triển vượt bậc của truyền thông và các mạng xã hội trong vài năm gần đây, đã biến đổi tính chất của trận Kinh điển mau lẹ. Người ta còn nhớ, trong ngày đầu tiên đặt chân tới Camp Nou vào năm 1973, huyền thoại người Hà Lan Johan Cruyff thề trên màu áo của Barcelona rằng, sẽ chống Real đến tận cùng.
Và Real Madrid cũng vậy, dù ngưỡng mộ thứ bóng đá tổng lực của người Hà Lan, nhưng họ sẽ không bao giờ chơi theo cách đó, khi nó thuộc về đội bóng xứ Catalunya. Đó là sự chia cắt rõ ràng về mặt cảm xúc hay lý trí. Nó kéo dài trong suốt hàng chục năm qua, nhưng đang dần mất đi một gương mặt cụ thể trong hai mùa bóng gần đây.
"Kinh điển" không còn giống như trước
Sự mờ nhòe về cá tính, sự mai một của những giá trị của sự thù địch, đang khiến cho Kinh điển đi theo một chiều hướng khác, gần giống như một trận đấu thông thường, mà truyền thông không còn nhắc đến ngay cả cuộc đối đầu giữa Leo Messi – Ronaldo nữa, vì chẳng có cuộc chiến nào giữa họ cả. Người ta có thể nói gì về trận Kinh điển ở Camp Nou vào thứ 7 này, ngoài những chấn thương, cơ hội giành Quả bóng Vàng của Ronaldo, hay là một phát kiến chiến thuật nào đó, giống như Pep Guardiola đã từng làm với Leo Messi vào mùa bóng 2008.
Chỉ cách đây 4 năm, khi Kinh điển đang ở phía trước, báo chí được nuôi dưỡng bởi vô số những phương thức công kích của Jose Mourinho, hay sự nổi điên của Pep Guardiola trước sự khiêu khích của Người đặc biệt. Người hâm mộ như không thể chờ lâu hơn được nữa, để chứng kiến hai đội bóng này tấn công nhau trên sân cỏ, bằng tất cả những thứ vũ khí mình có, như khả năng đá xấu của Real, hay kĩ năng ăn vạ của Barcelona để đối phó lại với đối thủ.
“Vinh quang luôn khoác trên người chiếc áo của sự phẫn nộ”, ông ấy đã khiến cho Kinh điển trở thành một cuộc nội chiến thật sự, mọi kĩ năng phòng ngự, mọi chiến thắng trong các cuộc đấu tay đôi, chỉ để thổi bay Barcelona”, Jonathan Wilson, kí giả của Guardian nói về sự căm giận của Jose Mourinho đối với đội bóng xứ Catalunya.
Liệu El Clasico có cần một vị thần chiến tranh kiểu mới, để khiến tính chất của nó lại trở về với giá trị nguyên thủy: Là trận đấu của mối thù kéo dài đến 300 năm, bao gồm sự dối trá, bất công, cảm giác bị áp bức, sự giận dữ, và cả những kẻ phản bội. Hay cứ là một trận đấu để truyền thông lật tìm điều mới mẻ sau lớp vỏ lịch lãm của những quí ông, những người mà dù có thất bại sẽ vẫn có mặt ở các hộp đêm để vui đùa, thay vì về nhà đóng cửa và đay nghiến bản thân?
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần