24/02/2021 07:46 GMT+7
(giaidauscholar.com) - Bây giờ (nhất là sau Tết Tân Sửu), cứ mỗi sớm mai thức dậy, mở ti vi hay vào mạng, mọi người đều hồi hộp và lo lắng khi nhận thông tin về dịch bệnh Covid-19 đang trở lại. Những tin đại loại như: "Theo thông tin từ Ban chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch Covid-19, sáng nay, ngày..., lại có thêm 3 ca mắc mới, trong đó, 1 ca nhập cảnh và 2 ca lây nhiễm trong cộng đồng". Vậy từ “cộng đồng” ở đây được hiểu thế nào?
“Cộng đồng” là 1 từ Hán Việt 2 thành tố. “Cộng” (共), có nghĩa là "chung vào, cùng nhau", “đồng” (同) có nghĩa "cùng (như một)". “Cộng đồng” có nghĩa gốc là "cùng chung với nhau" và từ đó, có nghĩa (đang được sử dụng) trong tiếng Việt hiện nay là "toàn thể những người cùng sống, có những điểm giống nhau, gắn bó thành một khối trong sinh hoạt xã hội" (Từ điển tiếng Việt, Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, 2020).
“Cộng” với nghĩa là "chung, cùng", tiếng Việt còn có các từ kết hợp với thành tố này. "Cộng hoà" (hòa: cùng với nhau) là danh từ hoặc tính từ, "chỉ [chính thể] có quyền lực tối cao (không thuộc về vua chúa mà) thuộc về các cơ quan dân cử". “Cộng cư” (cư: ở), có nghĩa "[các dân tộc] sống cùng, sống chung trên một vùng đất, một địa bàn" (đồng nghĩa với “quần cư”). “Cộng sinh” (sinh: sống) chỉ "[sinh vật không cùng một loài] sống chung và cùng làm lợi cho nhau". "Cộng sự” (sự: việc làm) chỉ "những người cùng làm chung một nhiệm vụ trong một tổ chức". v.v…
Trở lại với từ “cộng đồng”, ta thấy có nhiều kết hợp mở rộng: cộng đồng xã hội (xã: nhiều người cộng lại, hội: họp lại), chỉ "tập đoàn người rộng lớn có những dấu hiệu, đặc điểm xã hội chung về thành phần giai cấp, nghề nghiệp, đặc điểm sinh tụ và cư trú"; cộng đồng làng xã là “tập hợp những người sống theo quan hệ xóm làng ở nông thôn”; cộng đồng ngôn ngữ chỉ “tập hợp những người cùng nói một ngôn ngữ nào đó”; cộng đồng người Việt ở nước ngoài chỉ “những người gốc Việt hiện không sinh sống ở trong nước mà đang ở các quốc gia khác”; Cộng đồng các nước nói tiếng Pháp - Cộng đồng Pháp ngữ là “các quốc gia có sử dụng tiếng Pháp là ngôn ngữ chính hoặc ngôn ngữ thứ hai...”; v.v…
Khi báo chí viết: "Hôm nay, Việt Nam không phát hiện ra một ca nhiễm virus corona nào trong cộng đồng", thì từ "cộng đồng" ở đây được hiểu là "tất cả những ai đang sống trong chính thể nước Việt Nam (theo phạm vi cùng một lãnh thổ có biên giới quốc gia) nói chung" (phân biệt với người nhập cảnh vào Việt Nam từ nước khác).
Nhưng nếu viết: "Hải Dương hay TP Chí Linh (cũng thuộc Hải Dương) hôm nay không có ca nhiễm nào trong cộng đồng" thì người viết đã hạn chế đối tượng sang một điểm quy chiếu hẹp hơn và "cộng đồng" ở đây được "khoanh vùng" chỉ Hải Dương hoặc TP Chí Linh (2 đơn vị địa danh thuộc một tỉnh) sau khi đã có sự cô lập, theo dõi.
Thậm chí, khi nói: "Sau khi bệnh nhân số N được phát hiện, chính quyền sở tại đã tạm cách ly khu phố X để theo dõi dịch bệnh trong phạm vi cộng đồng" thì cộng đồng (đang được nói đến) chỉ trong một phạm vi rất hẹp (một khu phố hay một thôn bản, một phường hay một xã...).
PGS-TS PHẠM VĂN TÌNH
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất