24/03/2021 07:10 GMT+7
(giaidauscholar.com) - Một lần, trong lúc đi bộ ban đêm, tôi có rẽ vào một nhà thuốc (dọc phố Đông Kim Ngưu, Hà Nội) mua một lọ thuốc nhỏ mắt. Khuya rồi nên lúc đó trong nhà thuốc chỉ có một cô gái trẻ (chắc cũng vào mua thuốc). Chủ hiệu đưa thuốc cho khách và dặn: "Em nhớ dùng ít nhất 2 đến 3 tiếng trước khi "quan hệ" nhé!"
Cô khách trẻ đi rồi, tôi nửa đùa nửa thật hỏi chủ nhà thuốc nọ: "Chị vừa nói với cô khách nọ từ "quan hệ". Vậy “quan hệ” ở đây nghĩa là gì thế chị?" Chủ nhà thuốc thoáng nghiêm nét mặt vẻ không hài lòng: "Chuyện tế nhị của người ta, sao anh lại tò mò bất lịch sự thế!". "Không! Tôi hỏi nghiêm chỉnh mà. Tôi chưa rõ "trước khi quan hệ" thì "cái quan hệ" mà chị nói kia là gì? Như tôi đang trao đổi với chị đây cũng được coi là quan hệ (quan hệ mua bán, trao đổi) được chứ?".
Chẳng lẽ tôi lại phải giở Từ điển tiếng Việt (Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, 2020) ra và đọc cho chị ấy nghe. Xin được chép lại nguyên văn định nghĩa từ “quan hệ” trong sách này:
"quan hệ d. trạng thái tác động lẫn nhau, ảnh hưởng lẫn nhau giữa các sự vật (VD: quan hệ 2 chiều; 2 nước cắt đứt quan hệ ngoại giao; giữ mối quan hệ láng giềng thân thiết...)
I đg. tiếp xúc và ảnh hưởng lẫn nhau như thế nào đó. (VD: Anh ta sống khép kín và không muốn quan hệ với ai; 2 gia đình quan hệ rất tốt với nhau.)
II t. [cũ] quan trọng, hệ trọng (VD: Anh nên lên gác thay quần áo cho trịnh trọng vào để mà đi theo tôi ngay bây giờ đây. Có việc rất quan hệ - Vũ Trọng Phụng)”.
Tất nhiên, tôi thừa biết từ “quan hệ” (trong phát ngôn chủ nhà thuốc vừa nói “Em phải dùng… trước khi quan hệ”) có nghĩa là “quan hệ tình dục”. Nghĩa cơ bản của nó có thể tìm ở từ “giao cấu”. Đó là hiện tượng “giao tiếp bộ phận sinh dục ngoài của giống đực với bộ phận sinh dục của giống cái, ở động vật, để thụ tinh” (Từ điển tiếng Việt, đã dẫn). Nó tương đương với từ “giao hợp” khi nói về người. Nhưng đấy là 2 từ Hán Việt (dùng để nói tránh chứ nếu dùng từ thuần Việt sẽ bị coi là thô tục).
“Quan hệ tình dục”, hay “quan hệ nam nữ”, hay “sinh hoạt tình dục” đều tương đương nhau (về ngữ nghĩa) khi người ta nói đến chuyện nam nữ làm “chuyện ấy” (“làm tình”, tức “thực hiện hoạt động tình dục”). Chẳng hạn, ai đó nói: “Chúng nó đã quan hệ với nhau như vợ chồng từ lâu rồi” thì ai cũng hiểu là “chúng nó” đã “đi trước thời đại” (làm cái việc chỉ khi chính thức được coi là vợ chồng mới được phép). Cũng như khi bác sĩ dặn dò một sản phụ: “Cô còn yếu, con lại nhỏ, cần thận trọng khi quan hệ...” thì cô gái nọ chắc chắn sẽ hiểu ngay mình cần phải “thận trọng” khi làm gì.
Như thế, chỉ nói “quan hệ” trong những bối cảnh tế nhị, tức người ta lược bỏ đi 2 âm tiết sau cùng (lẽ ra đầy đủ là: “quan hệ tình dục”, “quan hệ vợ chồng”, “quan hệ nam nữ”…).
Để kết thúc, tôi nghĩ có lẽ các nhà làm từ điển cần bổ sung 1 nét nghĩa cho mục từ “quan hệ” trong Từ điển tường giải tiếng Việt hiện đại:
quan hệ đg. (chỉ) quan hệ tình dục, nói tắt.
PGS-TS Phạm Văn Tình
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất