Giễu trẻ con có gì vui?

16/09/2013 08:07 GMT+7

(giaidauscholar.com) - “Nhà em có nuôi một ông nội, ông nội suốt ngày chẳng làm gì cả chỉ trùm chăn ngủ, đến bữa ăn ông ló đầu ra hỏi: Cơm chín chưa bây?” - câu văn này đúng là đã trở thành “bất hủ”.

1. Vì đó là câu văn đầu tiên được trích dẫn trong bài đầu tiên của chuyên mục về những bài văn bất hủ của học trò trên một trang báo mạng. Nguồn tin lại rất đáng tin cậy, đa số do chính các phụ huynh gửi đến.

Chuyên mục này lại khá ăn khách nên những câu văn được trích dẫn đã dần trở thành “điển tích, điển cố” trong “dân gian”. Nhất là câu “Nhà em có nuôi một ông nội…” thì nhiều người thuộc lòng.

Trong buổi nói chuyện về chủ đề Vì sao trẻ không thích học văn? ở Hà Nội cuối tuần qua, thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Hải khi thuyết trình đã chia sẻ: “Những đứa trẻ có thể không giỏi văn nhưng có gì vui khi cười cợt trẻ con? Họ cười mà không hiểu rằng chính những em đó mới đáng quý vì vẫn giữ được sự hồn nhiên ngô nghê và bộc lộ suy nghĩ chân thực khi viết”.

Thực ra thì những người cười cợt vẫn nhận ra được sự “chân thực” của học trò, các bài tổng hợp nói trên luôn nhắc đi nhắc lại “miêu tả chân thực”, “bài văn hồn nhiên”, “tả thực đến bất ngờ”. Mà tả thực lại là lối viết của những nhà văn lớn của văn chương Việt Nam thế kỷ 20 như Vũ Trọng Phụng, Nam Cao…

2. Giữ được lối viết tả thực mà không bị nền giáo dục văn hiện nay làm hỏng đi, thay thế bằng những câu văn sáo rỗng và rập khuôn, y như trong văn mẫu, mà văn mẫu thì cũ từ đời nào, cũng là việc khó. Muốn giữ được, thì phải nhìn đời hồn nhiên, đầu óc không bị làm hỏng vì những thông tin kiến thức mà truyền thông và mạng xã hội nhồi nhét.

Vậy đấy, tả thực là lối viết mà nếu có tài thì người ta vẫn có thể đi đến cùng với văn chương. Đó không phải là khởi đầu của việc viết văn, người ta không phải ai cũng đi từ tả thực đến trừu trượng, mặc dù, để trừu tượng được cũng lại phải có tài.

Vậy nên, trẻ con tả thực, có gì mà bất ngờ? Nói “bất ngờ”, lại là người lớn tự áp đặt cảm nhận của mình lên trẻ con rồi. Vì lâu nay cứ làm văn là chép theo văn mẫu nên đọc được câu nào nghe khác khác văn mẫu là thấy bất ngờ?

Có một thời cứ tả cô gái đẹp là “tóc đen dài, da trắng, người dong dỏng cao”, cứ tả một người bạn là “bàn tay búp măng xinh xắn”, tả một ngày nắng là “bầu trời trong xanh không một gợn mây”, mặt trời thì lúc nào cũng như “một quả cầu lửa”. Nếu tả con gà, nhất thiết phải là gà trống, để nó còn “có mào”, “lông tía oai vệ” và “biết gáy ò ó o” (còn gà mái hay gà con thì biết tả cái gì cho đủ số chữ?).

Trẻ em ngày nay chắc khá hơn rồi. Ít nhất, ngày nay đẹp thì có nhiều cô cũng không trắng lắm, tóc cũng không đen lắm, còn về chiều cao có khi lại còn “cao ngồng ngỗng” cơ. Sống khác thì phải viết khác thôi.

Mi Ly
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm