29/09/2016 15:13 GMT+7
(giaidauscholar.com) - Theo thông tin từ Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, TP.HCM trong trận ngập vừa qua đã đón trận mưa lớn nhất trong 40 năm qua. Tổng lượng mưa đo được tại trạm Mạc Đĩnh Chi (quận 1) là 181, 2 mm. Con số đó bằng tổng lượng mưa trung bình của thành phố trong một tháng mùa mưa.
Cần nhắc lại, ngoài lời cảnh báo của các chuyên gia trong nước, Ngân hàng Thế giới cũng từng đánh giá Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu.
Mưa lớn kéo dài gây ngập nhiều tuyến đường tại TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: An Hiếu - TTXVN
Các hiện tượng kéo theo biến đổi khí hậu mà Việt Nam phải đối mặt bao gồm: mực nước biển dâng; thay đổi lượng mưa; nhiệt độ khắc nghiệt; gia tăng lũ lụt; thay đổi hình thế bão; xâm nhập mặn và thiếu nước ngọt.Đó là những đánh giá và dự báo mà chúng ta đang nhìn thấy rõ qua nhiều hiện tượng đơn lẻ.
Mũi Cà Mau đang bị biển "gặm". Từ năm 2007 đến nay, khoảng 80% đường bờ biển Cà Mau bị sạt lở. Mỗi năm, trung bình biển lấn sâu khoảng 15 mét, có nơi lên tới 50 mét.
Năm 2015, Hà Nội cũng đã qua trận nóng kỷ lục trong 40 năm. Lúc đó, nhiệt độ đo được ở Thủ đô là 40,3 độ C. Ngay hè năm sau, kỷ lục này ở Hà Nội đã bị phá vỡ khi nhiệt độ lên tới 41- 41 độ C. Cũng trong năm qua, hiện tượng thời tiết chưa từng xảy ra ở Thủ đô: tuyết phủ trắng Ba Vì.
Rồi, đầu năm qua, Đồng bằng Sông Cửu Long cũng chịu trận trước đợt hạn mặn lớn nhất trong vòng 1 thế kỷ. Hàng loạt các tỉnh miền Tây đã phải công bố thiên tai, hạn mặn. Thảm họa dấy lên những lo ngại khi vựa lúa của cả nước đang bị đe dọa, bởi mẹ thiên nhiên.
***
Đặt cơn mưa lịch sử ở đô thị lớn nhất phía Nam vào bức tranh tổng thể này để thấy, chúng ta có thể mổ xẻ nhiều yếu tố làm lên trận lụt lịch sử. Song, không vì thế chúng ta bỏ qua yếu tố quan trọng, cần nhìn nhận nghiêm túc: biến đổi khí hậu.
Việt Nam đã có Chương trình Quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu. Song, liên tiếp những lần "thất thủ" với ông trời đang cho thấy trong quy hoạch đô thị, chúng ta đang vấp phải những "vấn đề lịch sử để lại".
Nhất là khi, những dự án ứng phó tiến triển chậm,còn diễn biến bất thường của thiên nhiên lại diễn ra rất nhanh. Thái độ chung tay ứng phó với thảm họa chung thì ít, còn việc đổ lỗi cho nhau vì những vấn đề tiểu tiết thì nhiều. Nhận thức về thảm họa chung bị lờ tịt, còn nhìn nhận sự việc như hiện tượng đơn lẻ thì phổ biến.
"Sợi dây kinh nghiệm" cứ dài ra mãi còn quỹ thời gian để chống đỡ biến đổi khí hậu đang ngắn lại.
Chuỗi dài những nghịch lý để biến đổi khí hậu âm thầm diễn biến "đúng quy trình". Những hiện tượng tưởng như ít gặp ngày một nhiều và ngày một khắc nghiệt.Rõ ràng, chúng ta không thể giữ thái độ "chắc nó chừa mình ra" khi khắp các đô thị, các vùng miền đều đang oằn mình với những hiện tượng thời tiết quá bất thường.
Vấn đề ở chỗ, chúng ta cần xử lý những tồn tại cố hữu và không tạo thêm những "gánh nặng" cho các thế hệ sau. Ứng phó với biến đổi khí hậu cần được cân nhắc trong mọi lĩnh vực từ quy hoạch đô thị, chất lượng công trình, tới những thói quen nhỏ nhất của người dân như sử dụng túi nylon. Nó cũng cần được gọi tên, được nhắc nhở trong các chương trình giáo dục, hoặc khi các hiện tượng đặc biệt ấy diễn ra...
Có vậy, mới mong phá vỡ được "quy trình" tệ hại của ông trời!
Mỹ Mỹ
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất