Từ sân bay tới cây xăng

01/11/2016 07:05 GMT+7

(giaidauscholar.com) - Lại khách hàng đánh nhân viên. Và là nhân viên nữ. Và lại đình chỉ công việc của "thủ phạm". Câu chuyện đang diễn ra tại thành phố Vinh (Nghệ An) đang diễn ra theo kịch bản khá gần với vụ việc ở sân bay Nội Bài vài ngày trước đó.

Cụ thể, chiều 31/10, lãnh đạo chi nhánh Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam đã chính thức công bố quyết định đình chỉ 15 ngày với anh Hoàng Hữu Đức, cán bộ của Ngân hàng này. Trước đó, sáng 24/10, anh Đức có dừng xe ô tô tại một cây xăng ở thành phố Vinh. Sau khi đổ xăng, vì nghi bơm xăng không chính xác, Đức có quay lại to tiếng và dùng cây bơm xăng đánh "chảy máu đầu" một nữ nhân viên tại đây.

Chỉ 6 ngày trước đó, vụ 2 hành khách hành hung một nữ nhân viên hàng không tại sân bay Nội Bài đã làm dư luận cực lực bất bình. Để rồi, một trong 2 hành khách này, vốn đang là cán bộ ngành giao thông, cũng lập tức bị cơ quan chủ quản cho nghỉ việc.


Cảnh nam cán bộ ngân hàng đánh nữ nhân viên cây xăng (bên trái) được camera cây xăng ghi lại - Ảnh cắt từ clip

Bây giờ thì tới lượt cán bộ ngân hàng. Cho dù, như những gì được chia sẻ trong câu chuyện, anh Đức là người cũng đã sớm có ý thức khắc phục hậu quả từ hành động của mình.

Cầm máu cho nữ nhân viên bán xăng, khẩn trương đưa vào bệnh viện để kiểm tra vết thương (dù nữ nhân viên gạt đi), sau đó lại tìm tới địa chỉ của nạn nhân để xin tha thứ...- chừng ấy hành động nối tiếp nhau cho thấy anh Đức lường được sự nghiêm trọng ở vụ việc.

Nghiêm trọng, bởi người phụ nữ đã có thương tích trên đầu. Và xa hơn, khi mà vụ việc tại sân bây Nội Bài vẫn còn nóng hổi, chắc chắn Đức sẽ tiếp tục "chịu đòn" từ dư luận, như một điển hình tiếp theo cho cách hành xử đáng xấu hổ này.

Không rõ, vài ngày trước đó, anh cán bộ ngân hàng này có theo dõi vụ việc của 2 "tiền nhiệm" tại sân bay Nội Bài hay không. Nhưng với cách xử sự của Đức, ít ra anh vẫn còn vớt vát được sự tha thứ từ người bị đánh, cũng như phần nào từ dư luận.

Và thực tế, với những thông tin được báo chí trích dẫn về sự ân hận của bản thân Đức, cũng như với lời tha lỗi từ nữ nhân viên bán xăng, có lẽ câu chuyện này cũng tới lúc khép lại với anh ở đây. Đức có thể bị thôi việc sau hạn đình chỉ 15 ngày và cũng có thể không. Nhưng chí ít, anh cũng kịp, và có cơ hội, để bày tỏ thành ý phục thiện của mình.

***

Người viết (và cả độc giả) cũng không nghi ngờ thành ý của Đức. Thế nhưng, cách mà câu chuyện xảy ra vẫn khiến chúng ta băn khoăn.

Băn khoăn, bởi nếu đòn đánh của Đức không đủ mạnh để làm người phụ nữ chảy máu đầu, liệu anh có sẵn sàng sốt sắng trong việc sửa chữa sai lầm như thế?

Băn khoăn, bởi nếu không có vụ việc "dọn đường" trước đó ở sân bay Nội Bài, liệu dư luận có chú ý tới vụ việc của Đức - và qua đó, tạo sức ép vô hình để chuyện xử lý người sai phạm sớm được thực thi?

Bởi, khác với câu chuyện trong hoàn cảnh khá đặc thù như sân bay Nội Bài, vụ việc của Đức diễn ra ở một cây xăng, trong hàng chục ngàn cây xăng vẫn đang hoạt động hàng ngày. Và, người bị anh ta đánh cũng là một người lao động trực tiếp, như hàng chục vạn người lao động trực tiếp mà chúng ta luôn gặp.

Và thực tế, chỉ cần kiểm tra trên internet, chúng ta đã có thể thống kê vô vàn những vụ va chạm theo kiểu rất "phổ thông" như vậy với các mức độ hậu quả khác nhau. Bởi, trong đời sống thường ngày, chuyện người bán – kẻ mua, nhân viên – khách hàng "gặp trục trặc" với nhau là vô cùng phổ biến.

Có nghĩa, câu chuyện của Đức không còn dừng ở vấn đề... đánh phụ nữ, như những gì được dư luận chú ý ở sân bay Nội Bài trước đó. Xa hơn, đó là sự tự kiềm chế của chính chúng ta, trong không gian công cộng hay các tình huống đơn giản của cuộc sống hàng ngày.

Đừng để, khi thiếu kiềm chế và thấy máu chảy ra trên đầu người khác, chúng ta mới thấy ân hận vì sự dại dột của mình

Anh Bảo
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm