04/10/2018 07:11 GMT+7
(giaidauscholar.com) - Nhạc sĩ Zack Hemsey (người Mỹ) đang đâm đơn khởi kiện ca sĩ Noo Phước Thịnh vì lý do vi phạm bản quyền trong MV Chạm khẽ tim anh một chút thôi phát hành hồi tháng 10/2017. Nội tình, diễn tiến và cái kết của chuyện này chắc chắn phải còn chờ khá lâu mới biết được. Tuy nhiên, nó cho ta thấy sự phức tạp trong câu chuyện bản quyền.
Trước đó, khi bị YouTube xóa MV Chạm khẽ tim anh một chút thôi - lần xuất hiện đầu tiên, với gần 30 triệu lượt xem - vì vi phạm bản quyền nhạc nền, Noo Phước Thịnh đã nhanh chóng chỉnh sửa. Nghĩa là anh nhận thấy ngay việc vi phạm này.
Với mức đầu tư lớn cho MV, rất có thể được vài nhãn hiệu gắn quảng cáo trong đó nữa, Noo Phước Thịnh chẳng có lý do gì để cố tình vi phạm bản quyền cả. Và đáng lý, Thịnh phải bỏ tiền làm hoặc mua cả nhạc nền phụ, bên cạnh bài nhạc chính và nhạc nền chủ đạo đã có bản quyền. Việc sử dụng một đoạn trong ca khúc The Way để làm nền cho câu chuyện, mà chưa xin phép có thể do hiểu sai, do ngây thơ, hoặc hay bất cẩn?
Chưa có câu trả lời, nhưng câu chuyện này gợi cho chúng ta về chuyện “vô tư” sử dụng nhạc nền của nhiều chương trình tại Việt Nam trước đây - nhất là thời chưa có YouTube. Họ cứ “tự nhiên nhi nhiên” sử dụng các bản nhạc của Richard Clayderman, Kitaro, Yanni… Khi bị nhắc nhở về vi phạm bản quyền của Kitaro, một chương trình thời trang còn “ngây thơ” trả lời rằng thấy nhạc này quá phổ biến, lại có âm hưởng cổ điển, tưởng đã hết bản quyền lâu rồi, nên cứ sử dụng thôi. Khi bị nhắc nhở thì chương trình này đã nhận lỗi và xin khắc phục bằng việc chi trả tác quyền.
Thực tế, khi nhiều đoàn quay phim nước ngoài vào Việt Nam để quay, đi đâu họ cũng có sẵn một tờ thỏa thuận đồng ý cho quay, dù cảnh đó đôi khi rất công cộng, nhưng họ cũng cần có chữ ký mới quay. Còn với chúng ta, dù không phải tất cả, nhưng nhiều cảnh trong phim Việt, quay dính tư gia người khác, nhưng không có được chữ ký đồng ý. Đôi khi các nhân vật ngồi quán cà phê, đi chợ, nhạc nền văng vẳng, nhưng đoạn nhạc sử dụng này cũng chưa có chữ ký đồng ý. Rõ ràng ở đây có sự hiểu nhầm hoặc bất cẩn về bản quyền, bởi người trong cuộc nghĩ phim mình đã có bản quyền về nhạc phim và ca khúc chủ đề, còn phần âm thanh, tiếng động, nhạc nền chỉ thoáng qua vài chục giây, chẳng quan trọng mấy.
Thực tế, trong trường hợp MV Chạm khẽ tim anh một chút thôi, cảnh có đoạn nhạc The Way hoàn toàn có thể thay thế bằng các đoạn nhạc có bản quyền khác, thậm chí dùng một đoạn nhạc cũ của chính Noo Phước Thịnh, cũng không sao.
***
Gần 10 năm qua, Noo Phước Thịnh nỗ lực xây dựng hình tượng một ca sĩ chuyên nghiệp, văn minh, thanh lịch, sang trọng… nên được rất nhiều thương hiệu quốc tế và quốc nội tin tưởng mời quảng cáo cho họ. Chắc chắn từ tháng 10/2017, Noo Phước Thịnh đã ý thức hơn, cẩn thận hơn trong vấn đề bản quyền, cũng như việc giữ gìn hình ảnh, thương hiệu cá nhân. Vụ kiện hôm nay chưa biết sẽ đi đến đâu, nhưng chắc chắn với Noo Phước Thịnh cũng là một sự phiền hà và tổn thất không đáng có.
Bản quyền và vấn đề bản quyền rất là phức tạp, đôi khi nhiều cạm bẫy, nhiều bất trắc. Sự việc mà Noo Phước Thịnh đang đối diện có thể thành bài học cho nhiều nghệ sĩ khác, giúp họ cẩn trọng hơn trong các sản phẩm của mình. Cũng đã đến lúc các nghệ sĩ nên dành chút thời gian để tìm hiểu kĩ hơn về bản quyền, nếu có điều gì chưa rõ thì nên nhờ tư vấn của luật sư chuyên ngành. Đừng để “há miệng mắc quai” thì mệt mỏi.
Vô Ưu
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất