Thư châu Âu: Từ câu chuyện của quán Pompi

17/01/2015 11:12 GMT+7

(giaidauscholar.com) - Thưa quý anh chị,

Tôi hơi sốc khi nghe tin Pompi sắp đóng cửa. Báo chí Thủ đô Italy đưa tin chủ quán nổi tiếng vì món tiramisu đến mức người ta gọi quán này là “Vua tiramisu” ấy đang thương lượng với một doanh nhân gốc Hoa để chuyển sở hữu. Lý do đóng cửa, như lời chủ quán, là do quán ngày càng vắng khách vì cảnh sát không cho người đến ăn đỗ xe (trái phép).

Chủ quán đã viết một thông điệp đầy nhạy cảm: “Nhờ tầm nhìn của thành phố, mà người dân có thể thanh thản mà học tiếng Tàu...”. Thông điệp ấy khiến không ít người Rome nổi giận. Họ không giận ông chủ quán, mà giận cái sự thật là quán sắp sửa vào tay một người Trung Quốc, những người không được ưa thích ở nơi này. Tôi hỏi một người bạn Italy về thái độ mà họ dành cho người Hoa nói chung. Anh cười và trả lời: “Chúng tôi không ưa họ, vì họ ầm ĩ quá, sống bừa bãi quá, thiếu văn minh quá. Nhưng họ cũng... giàu và chăm quá. Chăm hơn cả người Italy”. Hàng chục nghìn người Hoa đang sống ở Rome, nhiều hơn thế nữa đang sống ở Milan, trung tâm kinh tế của Italy và Prato, ở ngoại ô Florence thậm chí đã trở thành một thành phố Hoa thu nhỏ. Hàng vạn người Trung Quốc được đưa đến đó và gia công đồ cho các thương hiệu lớn như Gucci.

Có một sự thật, nước Italy càng khủng hoảng, Rome càng xuống cấp, thì các quán như Pompi vào tay người Hoa càng nhiều. Người ta tính trung bình cứ 5 quán cà phê ở Rome thì 1 đã thuộc sở hữu của người Hoa. Ngay cả quán cà phê cổ nhất và nổi tiếng nhất của Milan cũng đã được một chủ người gốc Hoa mua lại. Chủ mới, một thanh niên người Hoa nhưng có quốc tịch Italy, đã nói rằng, quán sẽ không có gì thay đổi, để tránh sự nhạy cảm mang tính kỳ thị của người Italy với họ. Đã xuất hiện cả một trang web nhằm làm trung gian bán các công ty của người Italy cho người Hoa. Điều đó thể hiện một xu thế không thể cưỡng được trong thời điểm đất nước hình chiếc ủng đang suy thoái kinh tế. Trước kia, người Arab đổ xô vào đây để mua bất động sản hoặc shopping ở những phố hàng hiệu. Sau đó đến người Nga mang tiền sang đây, khi giá dầu còn cao ngất ngưởng. Nhưng bây giờ là người Hoa, đầu tư vào mọi thứ, từ cái quán tiramisu hoặc bar cà phê trở đi, cho đến việc bỏ ra hàng tỷ euro vào các tập đoàn của Italy. Mừng cho họ, nhưng buồn cho nước Italy mà tôi yêu.

Lại kể về cà phê. Kể từ khi cái quán cà phê ở khu Tor De Schiavi mà thỉnh thoảng tôi hay ngồi ở cạnh một tiệm làm móng tay của một chị bạn quen được một gia đình người Hoa mua lại, tôi chẳng muốn uống nữa. Có một cảm giác rất kỳ lạ, là Cappuccino ở đó không còn ngon như trước. Cũng vẫn quầy bar ấy, vẫn cái máy pha cà phê to đùng ấy, vẫn không gian ấy, thậm chí vẫn cái tách ấy, mà sao cà phê khác thế, không còn cái vị quen thuộc của ngày xưa, dưới tay chủ Italy, nay đã phá sản. Cái quán cũng không còn đông khách như trước, trừ những khách hàng quen thuộc là mấy người câm điếc chiều nào cũng đứng giao tiếp với nhau ở vỉa hè.

Phải chăng là vì cà phê kém chất lượng thật, hay là trong tôi đã tồn tại một định kiến, rằng những người Hoa ấy đang làm một thứ mà họ không thuộc về cách pha chế cà phê kiểu Italy, trong một không gian Italy, với văn hóa cà phê của người Italy? Tôi không biết nữa, nhưng tôi không muốn uống ở đó nữa, dù cô chủ béo nhìn rất tốt bụng, và cậu bưng bê cà phê đeo kính cận có tên tiếng Italy là Giuseppe trông rất ngoan ngoãn, dễ thương, nói một thứ tiếng Italy lơ lớ đúng kiểu Hoa, khi cứ nói chữ “r” thành chữ “l” (và vì thế, họ luôn đọc tên “Rome” thành “Lô-ma”, và cuối cùng, về đến nước ta, thành “La - Mã”!). Có một gì đó buồn man mác khi những gì thực sự Italy không còn chất Italy. Toàn cầu hóa có lý của riêng nó, một cái lý tàn nhẫn.

Tôi vẫn mê tiramisu, nhưng có lẽ sẽ không đến ăn ở quán Pompi nữa. Chẳng hiểu sao...

Hẹn gặp lại quý anh chị ở những thư sau.

Trương Anh Ngọc (từ Rome, Italy)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm