23/03/2014 15:37 GMT+7 | Bóng đá Việt
(giaidauscholar.com) - Không có một sự đảm bảo chắc chắn rằng những người như ông Lê Hùng Dũng hay Đoàn Nguyên Đức, hoặc một doanh nhân A, B, C nào đó làm ông chủ mới của VFF thì bóng đá Việt Nam sẽ cất cánh. Nhưng ít nhất, người hâm mộ đang kỳ vọng vào điều gì đó mới mẻ, sau bao cuộc bể dâu.
Cái mới thường được chào đón…
Cuối năm 2011, VPF ra đời sau cuộc cách mạng mang tên những ông bầu. Với “cương lĩnh hành động” mà bầu Kiên là người khởi xướng, nhiều người tin rằng, bóng đá Việt Nam với các giải đấu chuyên nghiệp sẽ sang trang mới. Với cơ chế mở được tạo ra, người trong cuộc kỳ vọng tiêu cực sẽ bị triệt tiêu và thứ bóng đá bạo lực sẽ không còn chốn dung thân nữa.
Đến thời điểm này, sau hơn 2 mùa giải thử nghiệm, V-League, hạng Nhất và Cúp QG đã có những chuyển biến khá tích cực, nhưng chưa thể nói là “đã sang một trang mới”. Nguyên nhân thì nhiều, nhưng cơ bản là thuộc tính của một nền bóng đá không thể thay đổi trong ngày một ngày hai. Chính các thành viên BTC các giải đấu cũng toàn những người cũ (từ VFF), huống hồ...
Hoàn cảnh lịch sử cho sự xuất hiện của VPF, cũng tương tự như làn gió mới mà đội tuyển U19 Việt Nam, với nòng cốt là lứa cầu thủ đầu tiên thuộc Học viện HA.GL Arsenal JMG đem lại. Chưa thể khẳng định, U19 Việt Nam sẽ nâng tầm nền bóng đá hay đưa đội tuyển Việt Nam tới VCK World Cup (điều rất khó xảy ra, thậm chí là không thể), nhưng sự thật là đội bóng trẻ này được chào đón rất cuồng nhiệt.
Thay đổi, hoặc là không gì cả. Suy cho cùng, nếu hành động có thể thành công hoặc thất bại, nhưng nếu chỉ ngồi yên đó và suy tư về điều viển vông hay lặp lại những thứ buồn tẻ, chán ngắt, chúng ta sẽ mãi là những kẻ thất bại.
Chỉ vì cái cũ quá ê chề
Trước khi VPF ra đời, không ai tin rằng với sự điều hành của VFF, bóng đá Việt Nam sẽ tốt hơn. Một lý do cơ bản khác khiến VPF được chào đón, ủng hộ, bởi chính các ông bầu đã và đang quyết định vận mệnh nền bóng đá, quyết định sự sống còn của các CLB. Cái mới có thể chưa hoặc không tốt hơn, nhưng nếu hỏi nên thay đổi hay giữ lại những giá trị cũ, rất nhiều người sẽ chọn vế đầu.
Sau Đại hội VFF khóa VII tới đây, nhiều khả năng các doanh nhân (ngoài quốc doanh) sẽ lần đầu tiên cầm cương nền bóng đá. Người trong cuộc đồng loạt cho rằng, với cơ chế thông và thoáng được tạo ra, bóng đá Việt Nam sẽ lại thu hút trợ lại rất nhiều nhà đầu tư. Nói tóm lại, chúng ta sẽ có rất nhiều tiền, rất nhiều mối quan hệ, nhằm làm đòn bẩy để nền bóng đá đi lên.
Nói thế, há phải chăng các nhiệm kỳ VFF trước đây không có đủ mối quan hệ, thiếu tiền và thiếu cả những định hướng?! So sánh khập khiễng, song rõ ràng, một thời gian dài chúng ta đã chứng kiến đủ những trì trệ của cơ chế làm việc kiểu cũ, với bộ máy cồng kềnh nhưng thiếu hiệu quả. Hoàn cảnh lịch sử buộc nền bóng đá phải vận động, làm mới mình, nếu còn ước muốn bay cao.
Tất cả đều biết, trước năm 2000, bóng đá Việt Nam đã chỉ có giải các đội mạnh và A1, A2, rồi Cúp QG. Sau đó, V-League ra đời với cha đẻ của đề án là đương kim Phó chủ tịch VFF, kiêm Tổng giám đốc VPF Phạm Ngọc Viễn bây giờ. Chúng ta sẽ tiếp tục thay đổi, với những tư tưởng và phương pháp làm bóng đá đột phá.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất