Tuyển Việt Nam có HLV thủ môn Nhật Bản: Sự thừa thãi… hợp lý

09/08/2014 12:07 GMT+7 | Các ĐTQG

(giaidauscholar.com) - Theo thông tin từ lãnh đạo VFF, cùng với sự xuất hiện của chuyên gia thể lực người Nhật Bản, đội tuyển Việt Nam cũng sẽ chào đón trợ lý HLV thủ môn đến từ xứ sở mặt trời mọc. Thoạt nghe có vẻ như VFF hơi phí phạm (tiền bạc và nhân lực người bản địa), nhưng suy cho cùng điều này cũng bình thường thôi.

Từ cuộc khủng hoảng trong khung gỗ

Sau Dương Hồng Sơn với người thầy của anh tại CLB Hà Nội.T&T trước đây, Trần Văn Khánh, tại AFF Suzuki Cup 2008, giải đấu mà bóng đá Việt Nam lần đầu tiên (và cũng là cuối cùng cho đến thời điểm này) lên ngôi vô địch, cuộc khủng hoảng trong khung gỗ của ĐTQG vẫn chưa có hồi kết. Thậm chí, ngay cả U23 Việt Nam trở về sau SEA Games 2009 (Vientiane, Lào), cũng bị cuốn vào vòng xoáy.

Trợ lý HLV thủ môn Trần Văn Khánh, người đã đứng trong khung gỗ Thể Công cho đến năm 38 tuổi (một kỷ lục), bắt đầu làm việc với ông Henrique Calisto kể từ AFF Cup 2008 đến SEA Games 2009 và sau AFF Cup 2010 thì nói lời chia tay. Ở cả cấp độ ĐTQG, lẫn U23 QG, ông Khánh đã từng huấn luyện nhiều học trò, nhưng Dương Hồng Sơn và Bùi Tấn Trường được đánh giá là khá nhất thế hệ của họ.

Ở trận chung kết SEA Games 25 với Malaysia, Tấn Trường gặp tai nạn nghề về cuối trận, và đó được xem là một phần lý do khiến U23 Việt Nam đánh mất chiếc HCV. Tình huống bắt đầu xấu đi kể từ đó, khi ở AFF Suzuki Cup 2010, Trường thậm chí còn dính “phốt” nặng hơn, để thua 2 bàn hớ hênh trước Malaysia (lại là Malaysia), trận bán kết lượt đi tại Bukit Jalil. Sau giải đấu đó, ông Khánh cũng rút lui.

Kể từ sau AFF Cup 2010, tần suất xuất hiện của Dương Hồng Sơn trong màu áo ĐTQG cũng giảm dần, dù anh vẫn giữ được phong độ, giúp Hà Nội.T&T đoạt thêm 1 chức vô địch V-League nữa (2013). Hồng Sơn chưa chính thức nói lời chia tay sự nghiệp thi đấu quốc tế, nhưng xét những diễn biến gần đây, có thể khẳng định luôn rằng, thủ thành người Nghệ An sẽ không tham dự AFF Suzuki Cup 2014.

Sự rút lui của bộ đôi Trần Văn Khánh – Dương Hồng Sơn khiến khung gỗ các ĐTQG chịu cuộc khủng hoảng kéo dài chưa có hồi kết. Trợ lý HLV thủ môn Nguyễn Văn Phụng, rồi Quách Ngọc Minh được đôn lên, cùng với Mạnh Dũng, Tấn Trường, Thanh Bình, Tô Vĩnh Lợi, Bửu Ngọc và gần đây nhất là Nguyên Mạnh, thủ môn trẻ của SLNA, nhưng tất cả đều chưa thể tạo được niềm tin tuyệt đối, và hậu quả là khung gỗ chính là “tử huyệt” của đội tuyển Việt Nam hiện tại.

Đến khái niệm “ê-kíp” trên cabin BHL

Trong buổi lẽ ký kết hợp đồng với VFF (tại khách sạn Park Hyatt, TP.HCM), chính phóng viên Thể thao & Văn hoá là người đặt vấn đề “ê-kíp” làm việc với tân HLV trưởng Toshiya Miura. HLV trưởng người Nhật Bản đánh giá đó là một câu hỏi thú vị và cho biết, nếu được, ông cũng muốn có những cộng sự người Nhật. Mặc dù vậy, ông Miura vẫn khá dè dặt, vì ngại đụng chạm và sợ mang tiếng đòi hỏi.

“Tôi cảm thấy rất vui và hạnh phúc, với sự giúp sức, động viên của VFF. Các vị ấy nói với tôi rằng, sẽ ủng hộ hết mình để tôi hoàn thành công việc. Tôi chỉ có kiến thức khá ít ỏi về bóng đá Việt Nam, nhưng tôi tin rằng, VFF sẽ giới thiệu cho tôi những cộng sự tốt nhất. Qua thời gian, chúng ta sẽ hiểu nhau hơn và khi đó, tôi sẽ đưa ra quan điểm với VFF trong vấn đề nhân sự”, HLV Miura trả lời Thể thao & Văn hoá.

Xét những thất bại của cả thầy ngoại lẫn thầy nội khi dãn dắt các ĐTQG từ nửa thập niên qua, chuyên môn không hẳn là nguồn cơn của mọi nguồn cơn. Có gì đảm bảo HLV Falko Goetz (năm 2011) đã được cung cấp các trợ lý tốt nhất, tâm đầu ý hợp? Tình huống tương tự với HLV Phan Thanh Hùng, rồi HLV Hoàng Văn Phúc sau đó, khi đã có thông tin họ phải chịu sự chi phối từ cấp trên trong việc chọn trợ lý.

Rõ ràng, sự hối thúc của thời thế chỉ là một phần nguyên nhân khiến VFF phải tích cực mời bằng được trợ lý HLV thủ môn người Nhật Bản cho đội tuyển Việt Nam tham dự AFF Suzuki Cup trên sân nhà lần này. Nó phải bắt đầu từ nhu cầu có thật của chính HLV Miura, nhằm tạo được một “ê-kíp” làm việc ăn ý, hiệu quả trong cabin BHL đội bóng. Đó là chuyện bình thường, thậm chí là đương nhiên, trong thế giới bóng đá.

Chỉ một băn khoăn (có thật) là rào cản ngôn ngữ. Trong quá trình làm việc với các chuyên gia nước ngoài, các trợ lý ngôn ngữ người bản địa đã không ít lần mắc tai nạn nghề, tức HLV trưởng nói một đằng, trợ lý dịch một nẻo. Với “ê-kíp” BHL người Nhật chiếm đa số, VFF sẽ phải cung cấp thêm cho đội bóng các trợ lý ngôn ngữ có nghề, chứ một người không thể làm xuể. Điều này cũng sẽ được giải quyết rốt ráo?!


Tuỳ Phong
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm