05/06/2012 12:56 GMT+7 | Bảng C
(TT&VH) - Người lớn ở đây hẳn phải là Tây Ban Nha. Họ đến Euro này với một tư thế chưa từng được trải nghiệm trong lịch sử. Cái bóng của họ che mờ Italia, khỏa lấp Croatia và không cho Ireland “cửa” nào để với tới. Họ quả là “người đương thời” trên nhiều khía cạnh.
Tây Ban Nha được đánh giá là đội mạnh nhất bảng C EURO 2012 - Ảnh Getty
Chủ nghĩa vô địch tập thể
4 năm trước, người TBN vẫn đi tìm thứ “chủ nghĩa” vô địch đó, giữa những hồ nghi về đẳng cấp, con người, tâm lý, tính bè phái trong đội tuyển xuất phát từ truyền thống li khai và tự trị ở các vùng miền, cuối cùng là số phận. Yếu tố sau cùng đấy cũng có thể lí giải rằng TBN không sản sinh ra những thủ lĩnh, mà lịch sử bóng đá thế giới thì luôn ghi nhận những đội bóng đi đến vinh quang phải có những con người vĩ đại. Ví dụ trong 3 thập kỉ gần đây có Platini (Pháp- Euro 1984), Van Basten (Hà Lan - 1988), Brian Laudrup – Schmeichel (Đan Mạch 1992), Mathias Sammer (Đức -1996), Zidane (Pháp -2000).
Nhưng Hy Lạp đã lên ngôi năm 2004 dù chẳng có ngôi sao lớn nào. Bằng việc tổ chức vận hành khoa học, lối chơi đồng đội, họ vượt qua những Pháp, Czech hay BĐN. 4 năm sau, TBN cũng đăng quang bằng thứ bóng đá hiện đại. Những gì Hy Lạp làm được, TBN cũng làm được và còn ở một trình độ cao hơn hẳn mọi phương diện. Nếu xem Xavi là thủ lĩnh, thì anh chỉ là thủ lĩnh lối chơi chứ không là một dạng thủ lĩnh “truyền thống”, những người ngoài chuyên môn còn đặc biệt tỏ ra mạnh mẽ về tinh thần lúc khó khăn. Puyol chia sẻ việc động viên tinh thần cho toàn đội với vai trò trung vệ đội trưởng, Iniesta, Silva hay Cesc cùng gánh vác việc kiến tạo lối chơi cho đội. TBN vô địch với siêu sao là “tập thể”, một xu thế của bóng đá đương thời. Cuối năm đó Ronaldo mới là người đoạt QBV dù BĐN chỉ dừng ở tứ kết.
Con người quyết định cách chơi nhưng xu hướng bóng đá, điều tác động đến cách chơi thì bị chi phối bởi nhiều khía cạnh của xã hội. Khi toàn cầu hóa diễn ra và CNTT phát triển, trên góc độ giao thoa văn hóa và con người, đã khiến cá tính dân tộc được chia sẻ, ảnh hưởng lẫn nhau. Sự thực dụng, chất thép, tính kỉ luật không còn độc quyền của người Đức, Otto Rehhagel phổ biến nó tới Hy Lạp, hay người Anh cũng muốn chất Italia của Capello là những dẫn chứng. Người ta không thể bắt chước cá tính người khác, nhưng có thể học hỏi bản sắc và cách để chống lại điểm mạnh của đối phương để rồi phát huy điểm mạnh của mình. TBN không thể là Đức, là Italia, nhưng họ có thể phá tan chất thép Đức và đối phó được với sự ranh mãnh của Italia bằng sự điềm tĩnh và khôn ngoan tại EURO 2008. Đừng quên là năm đó, họ có Senna, một người gốc Brazil làm mỏ neo ở tuyến giữa, những yếu nhân khác như Cesc thì đang “du học” ở Arsenal và Torres thì đã là siêu sao của Liverpool, những CLB tốt để tôi luyện năng lực.
Và TBN đã vô địch World Cup 2 năm sau đó cũng theo cách như thế, họ tự tin đương đầu với mọi lối đá, trên nền tảng của Barca với tiqui-taca, làm mẫu cho thế giới về nghệ thuật chiến thắng với bóng đá đẹp. Có thể tìm ra những lí do rất cụ thể để TBN sẽ rời Eurozone vì cuộc khủng hoảng nợ công, nhưng quá khó để chỉ ra một lí do rõ ràng nào để nói TBN rời bỏ địa vị của mình ở Euro này, trừ những yếu tố rất bóng đá như lời nguyền hay xui rủi.
Bây giờ vẫn vậy, nền tảng về lối chơi của họ được luôn duy trì và hoàn thiện bên cạnh tài năng, kinh nghiệm , độ tuổi sung sức và sự tự tin của một đội ngũ có chiều sâu nhất Euro này. Puyol và Villa vắng mặt là tổn thất, nhưng không lớn đến mức nguy hại. Xavi đã có dấu hiệu tuổi tác, nhưng Del Bosque có thừa những chân chuyền siêu việt và Euro này có thể là đất diễn của nhạc trưởng Iniesta. Xét về tính tổ chức trong lối chơi, cũng không ai trong 15 đội còn lại vượt được TBN. Có đôi chút nghi hoặc về chuyện xích mích giữa Ramos và Pique, còn lại, những người Real như Casillas hay Alonso sẽ không là đầu mối rắc rối.
Chiếc vé thứ 2 cho ai?
Italia: Italia sẽ chào Euro với bản danh sách nghèo nàn về ngôi sao nhất trong vòng 2 thập kỉ trở lại đây. Buffon, Chiellini, Pirlo, Cassano là những niềm hy vọng, nhưng chỉ 2 người đầu thực sự đáng tin. Pirlo thì đã già còn Cassano mới trở lại. Italia đã vô địch World Cup 2006 cũng với không nhiều ngôi sao trong đội, nhưng điểm rơi phong độ các trụ cột, sự ổn định về triết lý huấn luyện của Lippi, kế thừa từ Juve ở nghệ thuật mai phục giành chiến thắng giúp họ lên ngôi. Niềm tin giờ trao cho Prandelli, không trẻ về tuổi đời và non về tuổi nghề, nhưng bản lĩnh trước lúc sinh tử của ông là một dấu hỏi. Không thể cứ phòng ngự tốt thì sẽ thắng vì ngay cả hàng thủ Italia cũng không vững vàng còn hàng công chưa thuyết phục . Sơ đồ 3-5-2 hay 4-3-1-2 đến trước giờ khai cuộc vẫn còn là băn khoăn.
Croatia : Đội bóng của Slaven Bilic được tổ chức tốt, linh hoạt với tuyến tiền vệ có khả năng giữ bóng vào hạng ưu. Với Srna, Modric, Kranjcar hay Rakitic, họ có thể vượt trội Italia, Ireland trong kiểm soát bóng dù rằng khái niệm “kiểm soát thế trận” trước người Italia luôn là một thách thức. Không có những cái tên đáng tin ở hàng thủ và việc mất tiền đạo Olic làm giảm xác suất đi tiếp của họ.
CH Ireland: Khó có thể trông đợi bất ngờ từ đội quân của Trapattoni, họ không mạnh trong cả con người lẫn sự sáng tạo. Tư duy huấn luyện của Trapattoni thì cứng nhắc và cũ kỹ. Những người có thể trông đợi như Given, Dunne, Damien Duff hay Robbie Keane đều qua thời đỉnh cao. Nhiều lắm thì Ireland chỉ đóng vai trò gây khó dễ.
Trận mở màn của TBN trước Italia sẽ không dễ dàng, phần vì Del Bosque không muốn phơi mình trước thiên hạ quá sớm, phần vì Italia vốn khắc chế tốt TBN. Italia sẽ đi tiếp, có thể nhờ vào trận hòa trước TBN, nhưng vòng tứ kết là giới hạn của họ!
Dự đoán thứ hạng bảng
1.TBN, 2.Italia, 3.Croatia. 4.CH Ireland
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất