NSND Lan Hương: Dựng Hamlet chỉ với... 50 triệu đồng!

22/10/2009 14:52 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) -Cụ thể, kiệt tác của nhà viết kịch vĩ đại người Anh đang được NSND Lan Hương dàn dựng tại đoàn kịch hình thể (Nhà hát Tuổi Trẻ) với mục đích tham dự Ngày Shakespeare toàn cầu 2009. Vào tối mai 23/10, cùng với thời điểm những vở kịch của Shakespeare được công diễn trên khắp thế giới, vở kịch hình thể Hamlet Hamlet của Việt Nam sẽ chính thức ra mắt khán giả. TT&VH có cuộc trao đổi với NSND Lan Hương.

“Kể lại” Hamlet không dùng lời thoại


NSND Lan Hương
* Cơ duyên nào khiến chị chọn Hamlet để dàn dựng cho kịch hình thể?


- Đây là một kế hoạch khá bất ngờ. Nói vắn tắt thì mỗi năm Hội Nghệ sĩ Sân khấu VN vẫn giúp đỡ chúng tôi một khoản kinh phí nhất định để dàn dựng các vở diễn thử nghiệm. Lần này, khoản tiền đó là 50 triệu đồng, và cũng trùng vào thời điểm Ngày Shakespeare toàn cầu 2009 chuẩn bị diễn ra.

Lựa chọn các kịch bản của Shakespeare, tôi thấy Hamlet là phù hợp nhất với kịch hình thể. Trên thế giới, đó cũng là kịch bản được dàn dựng với tần suất cao nhất cho đủ mọi loại hình sân khấu, nhạc kịch, vũ kịch..

* Dựng một kịch bản cổ điển cho loại hình kịch hình thể, chị chọn “chìa khóa” cho vở diễn theo cách nào?

- Vở diễn bỏ toàn bộ lời thoại. Tất cả câu chuyện được “kể lại” bằng ngôn ngữ của hình thể, bằng vũ đạo tuồng, múa đương đại và cả ballet nữa. Cũng có lúc, đó là những màn diễn thể hiện diễn biến nội tâm, không có nhạc, không có động tác, diễn viên tự kể câu chuyện bằng sự biểu cảm qua nét mặt của mình. Để phù hợp với câu chuyện, thì lối diễn cách điệu được sử dụng khá nhiều. Chẳng hạn như màn đấu kiếm trong kịch bản, khi lên sân khấu thì diễn viên cũng không có kiếm, chỉ sử dụng các động tác để người xem nắm bắt được thôi...

* Trong một số vở kịch hình thể trước đây, chị vẫn dàn dựng bằng cách kết hợp diễn xuất hình thể với một số ít lời thoại. Tại sao trong Hamlet, lời thoại lại bị bỏ đi hoàn toàn?

- Đó là đặc trưng của kịch hình thể. Thật ra, trong những vở diễn trước đây, chúng tôi vẫn muốn sử dụng càng ít lời thoại càng tốt, để có thể tạm thời phù hợp với nhu cầu của khán giả quen xem kịch nói. Tới vở Biến vĩ của tình yêu cách đây vài tháng, vở diễn đã gần như không sử dụng lời thoại nữa rồi, có chăng chỉ là một vài tiếng “có” “không” hoặc tiếng thét của diễn viên.

Tới Hamlet, chúng tôi quyết định cắt bỏ hẳn lời thoại. Rất nhiều lớp diễn, tôi và biên đạo múa Hoài Nam phải trao đổi với nhau để tìm hướng giải quyết sao cho hợp lý. Chẳng hạn, trong vở có chi tiết Hamlet sỉ vả mẹ chàng vì đã làm những điều xấu xa cùng với ông chú của mình. Trong lời thoại kịch thì như vậy, nhưng đưa lên sân khấu thì phải làm sao để khán giả hiểu được? Chỉ có cách để Hamlet kể lại câu chuyện bằng động tác, nhưng với nét mặt và lối diễn để khán giả hiểu được chàng muốn nói tới chú mình..


Một cảnh trong vở kịch hình thể Hamlet

Dàn dựng trên tinh thần “vượt khó”

* Khoản tiền 50 triệu đồng đó có đủ để chị triển khai cho vở diễn này?

- Trước mắt, đó là số tiền duy nhất để đầu tư dựng vở. Phía Nhà hát Tuổi Trẻ cũng giúp đỡ chúng tôi về điều kiện sàn tập, rạp diễn, các thiết bị âm thanh ánh sáng... Khỏi phải nói, bạn cũng biết chúng tôi phải chi tiêu dè sẻn thế nào cho nguồn kinh phí ít ỏi ấy. Chẳng hạn, riêng khoản lo trang trí, thiết kế cho vở diễn đã hết vài chục triệu đồng rồi - cho dù họa sĩ đã cố gắng làm giản dị hết mức có thể. Phần còn lại dùng để tạm bồi dưỡng tập vở cho các em diễn viên.

* Những chi phí còn lại thì giải quyết ra sao?

- Tính đến giờ, đạo diễn, biên đạo múa, nhạc sĩ... của vở diễn chưa hề tính phần thù lao cho mình. Chúng tôi chỉ biết động viên nhau lấy sự say mê của người làm nghề để bù vào. Nói như vậy không phải để kể khổ - vì sự giúp đỡ của Hội Nghệ sĩ Sân khấu trong điều kiện kinh tế hiện nay là rất đáng quý rồi. Chúng tôi chỉ muốn mọi người hiểu rằng đây là một vở diễn thử nghiệm “khiêm tốn”, cố gắng dàn dựng trên tinh thần “vượt khó” trước khi nghĩ tới cái gì to tát hơn.

* Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này!


Hoàng Nguyên (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm