21/06/2014 19:23 GMT+7 | Bảng G
(giaidauscholar.com) - Sự sụp đổ của Tây Ban Nha, trong khi các ứng viên khác thiếu tính liên tục và thậm chí chưa định hình được lối chơi mở ra cơ hội cho đội tuyển Đức, tập thể có lẽ đã đạt độ chín muồi ở World Cup lần này.
1. Đêm nay, đội tuyển Đức đón chào một sự kiện đặc biệt, mà không… đặc biệt: Per Mertesacker chơi trận thứ 100 cho Die Mannschaft. Đặc biệt là vì anh mới 29 tuổi, chơi cho ĐTQG được 10 năm (Ballack đá cho đội Đức 11 năm mà cũng chỉ có 99 lần khoác áo tuyển). Không đặc biệt là bởi trong đội hình tuyển Đức dự World Cup lần này, có bốn cầu thủ khác còn ra sân nhiều hơn anh, và ba trong số đó chưa quá 30 tuổi.
Đó là đội trưởng Philipp Lahm (30 tuổi, 107 lần khoác áo tuyển), tiền vệ Bastian Schweinsteiger (29, 102), hai tiền đạo Lukas Podolski (29, 115) và Miroslav Klose (36, 132). Đây là kỳ World Cup thứ ba của Lahm. Ngoài ra, anh cũng là trụ cột ở EURO 2004, 2008 và 2012. Schweinsteiger và Podolski cũng vậy: 3 kỳ World Cup và 3 VCK EURO.
Đó là hạt nhân của cuộc cách mạng tấn công ở đội tuyển Đức được khởi xướng từ năm 2006 tới nay, một minh chứng cho thấy tính liên tục về nhân sự của Die Mannschaft. Dàn cầu thủ ấy được dẫn dắt bởi Joachim Loew, người được chọn làm trợ lý cho Juergen Klinsmann từ sau EURO 2004 và chính thức tiếp quản ghế HLV trưởng sau World Cup 2006.
2. Đó là sản phẩm được hậu thuẫn bởi cả một nền bóng đá: Từ năm 2002, LĐBĐ Đức buộc lò đào tạo trẻ ở các CLB chơi tại hai hạng đấu cao nhất nước Đức huấn luyện theo giáo án được chuẩn hóa, trong một dự án tiêu tốn 1 tỷ USD. Bóng đá Đức phải đào tạo ra được những con người tấn công, để đi theo con đường tấn công.
Đó là một dự án hiệu quả, và đến giờ vẫn duy trì được sự tiếp nối: Tại World Cup 2010, có 8 cầu thủ trẻ Đức được đôn lên từ đội U23 vốn là sản phẩm của dự án được khởi xướng năm 2002 góp mặt, là Thomas Mueller, Mesut Oezil, Sami Khedira… Tại World Cup lần này, họ mang đến giải thế hệ thứ ba của dự án này, với những gương mặt tiêu biểu là Mats Hummels, Toni Kroos, Andre Schuerrle.
Đức chỉ thất bại một lần trong 19 trận vòng bảng gần đây, về nhì ở World Cup 2002 và hai lần về ba tại VCK năm 2006 và 2010, chưa kể danh hiệu á quân ở EURO 2008 và giải ba ở EURO 2012. Lối chơi tập thể của họ cũng tạo ấn tượng có lẽ chỉ sau đội tuyển Tây Ban Nha, với điểm nhấn là tốc độ, sự hiện đại, chính xác và khoa học.
3. Chỉ có một chút lo ngại với cơ hội của Đức: Văn hóa chiến thắng của họ đã mai một. Trong quá khứ, Đức thậm chí không cần lực lượng mạnh và được tiền hô hậu ủng, nhưng vẫn gan lì tiến lên đỉnh cao. Đó là những gì đã diễn ra ở EURO 1996 (Đức vô địch) và á quân World Cup 2002 (á quân).
Nhưng trong tám năm qua, vị trí thứ nhì và ba đã được xem như “thói quen” của đội tuyển Đức, và họ thậm chí vui vẻ với điều đó. Đội tuyển này vẫn tạo nên những lễ hội, nhưng không còn là một cỗ máy chiến thắng.
Đây có lẽ là thời điểm để họ “nghiệm thu” lại quá trình của cuộc cách mạng, thay vì cho rằng lối chơi đẹp là đủ. Những áp lực và sự soi mói đã dồn cả vào Tây Ban Nha trong 6 năm qua, giải phóng rất nhiều kỳ vọng đặt lên đội tuyển Đức. Nhưng TBN đã xách va li về nước, và đội Đức sẽ đứng vào trung tâm sân khấu, nhất là sau trận đại thắng BĐN 4-0 ở loạt trận ra quân. Không có lý do gì mà sản phẩm của một quá trình đầu tư dài, liên tục và nghiêm túc lại không thể đặt mục tiêu phải vô địch.
Ban Cầm
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất