Đức toàn thắng 3 trận vòng bảng: Ma trận của Loew

19/06/2012 13:58 GMT+7 | Bảng B

(TT&VH) - Trong lần đầu được đá chính tại một giải đấu lớn, Lars Bender, tại vị trí hậu vệ phải mới toanh, đã bất ngờ tỏa sáng. Màn trình diễn của Bender cho thấy trong lối chơi được tổ chức rất khoa học của HLV Joachim Loew, một tân binh, gần như vô danh cũng có thể đóng vai người hùng.



Lối chơi hệ thống của HLV Loew giúp một tân binh như Lars Bender cũng có thể tỏa sáng - Ảnh Getty

Chia sẻ về bí quyết thành công của tuyển Đức, HLV Joachim Loew cho biết: “Vị trí trên sân là yếu tố quan trọng nhất để tạo nên một thứ bóng đá xuất sắc. Các cầu thủ phải biết được vị trí của mình ở trong hệ thống của đội để không ai phải nghĩ rằng anh ta phải chạy lung tung khắp sân”. Để thực hiện triết lý này, nhà cầm quân của “Die Mannschaft” đã chia sân bóng thành 18 hình chữ nhật với ba vạch theo chiều dọc và sáu theo chiều ngang.

Từ đó, chiến lược gia này sẽ bố trí các cầu thủ ở những vị trí thích hợp, đồng thời yêu cầu họ di chuyển sao cho phù hợp với hệ thống. Khi một cầu thủ rời khu vực mình phụ trách, ngay lập tức một người khác sẽ lao vào lấp chỗ và các vị trí khác cũng như vậy. Chẳng hạn, khi Mesut Oezil đá lệch sang cánh phải, Thomas Mueller sẽ lao vào vòng cấm, Bastian Schweinsteiger dâng lên như số 10 còn Mats Hummels ở phía dưới dịch chuyển lên để quán xuyến nhiệm vụ phòng ngự từ xa.

Linh hoạt như HLV Loew

Do một cầu thủ phải biết chám trỗ đồng đội khi cần thiết nên HLV Joachim Loew thường rất chuộng những gương mặt đa năng. Gần như tất cả tiền vệ tấn công của Đức hiện nay đều có thể thi đấu được ở mọi vị trí, từ cả hai cánh tới vai trò nhạc trưởng. Lukas Podolski là cầu thủ ít đa năng nhất nhưng bù lại, rất tích cực hỗ trợ cho phòng ngự lại có kinh nghiệm dồi dào nên vẫn được tin cậy. Thậm chí với những cầu thủ chưa đa năng, ông Loew cũng tìm cách huấn luyện để họ có thể chơi tốt ở một vị trí mới. Xét trên khía cạnh một tiền vệ trung tâm, Lars Bender (Leverkusen) không nổi trội như người anh em song sinh Sven Bender (Dortmund) nhưng nhờ có những tố chất ở vị trí hậu vệ phải, cầu thủ này đã được chọn, đào tạo và tỏa sáng như tất cả đã thấy. Sự đa năng cũng giúp “Die Mannschaft” có thể dễ dàng chuyển đổi sang các sơ đồ chiến thuật khác khi cần thiết. Chẳng hạn với bộ đôi tiền vệ trung tâm Bastian Schweinsteiger và Toni Kroos, Đức có thể thi đấu 4-2-3-1 hướng tới cân bằng hoặc 4-1-4-1 thiên về tấn công. Thậm chí, với khả năng chuyền ngắn xuất sắc, Schweinsteiger thi thoảng cũng có thể dâng cao đóng vai trò “số 10” (khi đó Kroos sẽ lùi về đá phòng ngự). Sau thất bại tại World Cup 2010, tuyển Đức đã bị chê bai về sự thiếu linh hoạt, dẫn tới dễ bị bắt bài và trong hai năm qua, ông Loew đã tiến hành hàng loạt thay đổi nhằm giúp lối chơi của “Die Mannschaft” đa dạng, khó lường hơn. Trong ba trận ở vòng bảng, đoàn quân của HLV Loew cho thấy họ có thể tấn công trung lộ (trận gặp Hà Lan), cánh (Đan Mạch) hay sử dụng cả bài lật cánh đánh đầu cổ điển (Bồ Đào Nha). Chắc hẳn ông Loew vẫn còn nhiều độc chiêu khác đang giấu kín và điều này khiến Đức càng trở nên nguy hiểm.

Với cách tổ chức khoa học cùng việc yêu cầu các cầu thủ di chuyển liên tục như môn bóng bầu dục ở Mỹ (một sáng tạo của người tiền nhiệm Juergen Klinsmann), ông Loew đã tạo nên cho tuyển Đức một hệ thống vô cùng vững chắc với sự liên kết chặt chẽ giữa các mắt xích. Khi tấn công, “Die Mannschaft” có đủ quân số để triệt hạ đối phương nhưng vẫn đảm bảo không có những khoảng trống mênh mông cho đối thủ phản công.

Nhờ được thi đấu trong một hệ thống có tính tổ chức cao như vậy, nhiều cầu thủ Đức không phải thật sự xuất sắc về kỹ thuật cá nhân như Mario Gomez cũng có thể tỏa sáng. Theo yêu cầu của bóng đá hiện đại, Gomez sẽ phải di chuyển rất rộng, tự làm bóng, đột phá rồi dứt điểm, những điều không tưởng với chân sút này. Tuy nhiên, trong lối chơi của HLV Loew, Gomez chỉ cần quan sát hướng di chuyển của các đồng đội và chọn vị trí thích hợp cũng đủ để xuyên thủng mành lưới đối phương.

Bên cạnh đó, với cách quản lý theo mô hình mạng (nơi đề cao sự dân chủ, ý kiến của mỗi cá nhân chứ không phải áp đặt như mô hình tháp trước đây), các cầu thủ Đức có thể tự tin thể hiện ngay trong lần đầu có tên trong đội hình xuất phát ở một giải đấu lớn tại một vị trí mới toanh như trường hợp của Lars Bender. Vị trí sở trường của Bender là tiền vệ trung tâm nhưng khi được xếp đá hậu vệ phải trong trận gặp Đan Mạch, cầu thủ này cũng đã dám xông vào tận vòng cấm địa đối phương và ghi bàn.

Sự tỏa sáng bất ngờ của Bender cho thấy hệ thống của Đức hiện nay tuy vô cùng chặt chẽ nhưng không hề khô cứng, thậm chí vẫn còn rất nhiều chỗ cho sự đột biến, điều lối chơi tiqui-taca, vốn dựa trên sự nhuần nhuyễn có được qua một quá trình dài luyện tập, thi đấu cùng nhau, chưa chắc đã làm được. Như trường hợp của Bender, do đã biết khi dâng cao sẽ có đồng đội chám trỗ nên cầu thủ này mới có thể tự tin đột nhập vào vòng cấm của đối phương thay vì lo sợ sẽ bị hở sườn.

Những sự đột biến như vậy khiến lối chơi của “Die Mannschaft” vô cùng biến hóa bởi đối phương như bị lạc vào một ma trận, không rõ các cầu thủ Đức sẽ di chuyển như thế nào để phong tỏa. Thực ra tại World Cup 2010, ông Loew cũng đã sử dụng ma trận này nhưng tại thời điểm đó, đẳng cấp của các cầu thủ Đức còn hạn chế nên chưa phát huy được tối đa ý đồ của HLV, dẫn tới thất bại trước Tây Ban Nha. Tại EURO 2012, khi đã trưởng thành, các học trò của ông Loew liệu có vượt qua được mọi thử thách để chinh phục giấc mơ vàng đã cháy bỏng 16 năm nay?


Trần Khánh An

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm