04/03/2019 14:00 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Đi lễ hội nhưng không hiểu biết về những giá trị truyền thống ở nơi mình đang đến, nhiều ứng xử lệch lạc vẫn tiếp tục là nguyên nhân tạo nên những biểu hiện biến tướng thái quá ở một bộ phận người tham gia hoạt động lễ hội, đặc biệt tại các lễ hội lớn, thu hút đông người.
Chen lấn, xô đẩy, đốt nhiều vàng mã, ăn mặc phản cảm, cười nói ồn ào, thậm chí cả những hành vi bất kính nơi tôn nghiêm, thể hiện sự thiếu tôn trọng tính thiêng và những giá trị nguyên gốc… đã và đang khiến cho diện mạo một số lễ hội trở nên xô lệch.
Đi lễ hội nhưng không hiểu về lễ hội
Nghị định 110/2018/NĐ-CP về quản lý và tổ chức lễ hội là văn bản quy phạm pháp luật đầu tiên đã đưa ra những quy định nhằm điều chỉnh ý thức và trách nhiệm của người tham gia lễ hội. Dấu “trừ” với những hành vi phản cảm trong lễ hội như chen lấn, xô đẩy, tranh cướp… đã được quy định cụ thể nhằm điều chỉnh những ứng xử thiếu chuẩn mực. Theo đó, Nghị định quy định người tham gia lễ hội có trách nhiệm chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật; nội quy thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội; ứng xử có văn hóa trong hoạt động lễ hội; trang phục lịch sự, phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam; không nói tục, chửi thề xúc phạm tâm linh, gây ảnh hưởng xấu tới không khí trang nghiêm của lễ hội; thắp hương, đốt vàng mã đúng nơi quy định; không chen lấn, xô đẩy gây mất trật tự an ninh; giữ gìn vệ sinh môi trường; không tổ chức hoặc tham gia các hoạt động mê tín, dị đoan, cờ bạc và các hành vi vi phạm pháp luật khác; không thực hiện việc đổi tiền có chênh lệch giá trong khu vực di tích, lễ hội…
Tuy nhiên, theo ghi nhận của Báo Văn Hóa tại một số lễ hội lớn, thu hút đông người thì những biến tướng, tiêu cực xảy ra tại các lễ hội này bên cạnh nguyên nhân khách quan, liên quan đến sự quá tải khi quá nhiều người cùng đổ về một không gian chật hẹp thì còn xuất phát từ nguyên nhân chủ quan là ý thức và ứng xử của người tham gia. Đến với chùa chiền, lễ hội để cầu an, cầu may nhưng không ít người lại mang theo tâm thế thô tục, sẵn sàng xô đẩy, chen lấn để tranh giành, cướp lộc. Đặc biệt trong số đó có không ít bạn trẻ đến chốn linh thiêng lại mang theo sự suồng sã, thiếu tôn kính và bộc lộ sự thiếu hiểu biết đối với những nghi thức, giá trị truyền thống của lễ hội.
Mục tiêu lớn nhất mà Nghị định 110 hướng tới là tạo điều kiện cho nhân dân được hưởng thụ các giá trị văn hoá tinh thần từ các lễ hội truyền thống. Nhưng thực tế trong thời gian qua, đáng chú ý lại là việc nhiều người dân đi lễ hội theo trào lưu mà không biết được nội hàm, giá trị thực của các lễ hội là gì, các di tích đền, chùa thờ cúng ai... Tâm lý thị trường, lối sống thực dụng cũng khiến nhiều người bất chấp các yếu tố tâm linh để “chèn” vào lễ hội những chiêu trò “buôn thần, bán thánh”, trục lợi, xem trọng vật chất nhằm đạt được các mục tiêu cá nhân. Thực tế này khiến không ít người coi “lộc” cướp được ở đền, chùa, lễ hội như một dạng “chiến lợi phẩm” chứ không đơn thuần là sự may mắn.
Dù đã có nhiều buổi làm việc, phân tích ngọn ngành giữa cơ quan quản lý với cộng đồng để tìm giải pháp dung hòa giữa truyền thống và đương đại, nhưng thực tế trong mùa lễ hội vừa qua, câu chuyện ý thức người đi lễ vẫn có những vấn đề bộc lộ ở nhiều khía cạnh khác nhau. Tranh giành chiếu lộc để cầu đinh ở lễ hội Đúc Bụt (xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc) hay cảnh tượng hàng trăm thanh niên quá khích, có hành vi gây rối nơi cửa đền tôn nghiêm khi BTC lễ hội Phết Hiền Quan đưa ra quyết định tạm dừng phần đánh phết… vẫn là những hình ảnh phản cảm đã khiến các nhà quản lý tiếp tục phải đau đầu.
Theo nhiều chuyên gia nghiên cứu, những cách hiểu trần tục đã khiến nhận thức về các vật thiêng, không gian thiêng trở nên sai lệch, thậm chí còn bị dung tục hóa. Những ngày qua, một vài hình ảnh khá phản cảm, khiến dư luận bức xúc được chụp tại hội Ná Nhèm (Bắc Sơn, Lạng Sơn) đã lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội, cho thấy câu chuyện về nhận thức, tôn trọng tính thiêng của lễ hội ở người đi lễ đang rất đáng báo động và cần thiết phải có định hướng chuẩn mực. Không hiểu biết dẫn đến thái độ cợt nhả, dung tục hóa, các chuyên gia văn hóa cho rằng, nhiều người đến hội nhưng hoàn toàn không hiểu gì về ý nghĩa của hội.
Đừng làm hỏng lễ hội vì không hiểu biết
Những ứng xử lệch chuẩn của một bộ phận người dân, đặc biệt là các thanh niên dự hội phết Hiền Quan (Tam Nông, Phú Thọ) năm rồi cũng được đánh giá từ câu chuyện nhận thức. Thiếu hiểu biết, không tôn trọng các giá trị truyền thống đã khiến nhiều người có hành vi bất kính trước các bậc tiền nhân. Theo quan sát của chúng tôi, rất nhiều thanh niên đến hội chỉ chăm chăm chuẩn bị tâm thế tranh cướp phết, trong khi rất nhiều những nghi lễ truyền thống của lễ hội thì hầu như đều không hay biết.
Bên cạnh đó, hàng loạt các biểu hiện cho thấy người đi lễ chưa hiểu đúng về những hành động chuẩn mực cần có khi đến các chốn thiêng trong những ngày đầu năm vẫn liên tục tiếp diễn. Chùa Đồng (Yên Tử) vốn mệnh danh là chốn non thiêng nhưng không gian này vẫn liên tục phải chứng kiến cảnh người người chen chúc, xếp hàng để xoa những tờ tiền lên chuông, khánh để cầu may. Nhiều người được hỏi cho rằng, họ lên trên đỉnh non thiêng cốt để làm được những việc này, để cầu mong cả năm may mắn, tài lộc.
Biểu hiện phản cảm cũng khá phổ biến trong văn hóa ứng xử tại lễ hội, rơi nhiều vào giới trẻ là có không ít những hình ảnh ăn mặc hở hang, không phù hợp khi tới các không gian thiêng này. Mặc dù tại các điểm di tích, lễ hội, các Ban quản lý, Ban tổ chức đều có biển bảng nhắc nhở, thậm chí một số nơi còn bố trí khu vực riêng cho mượn đồ hành lễ nhưng những hình ảnh “váy ngắn”, “quần đùi”, “áo hai dây”… vẫn tràn lan mỗi mùa lễ hội. Thậm chí nhiều người còn diện váy ngắn vô tư chụp ảnh ngay cạnh tấm biển “Đề nghị không mặc quần, váy ngắn vào chùa để đảm bảo sự tôn nghiêm”.
Để thay đổi nhận thức của người đi lễ, các nhà quản lý văn hóa cho rằng, không còn cách nào khác là đẩy mạnh truyền thông cho cả cộng đồng địa phương và người tham dự. Ở khía cạnh này, lãnh đạo Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL) cũng nhiều lần lưu ý, nếu người đi hội Hiền Quan, Đúc Bụt, lễ hội Đền Trần… đều hiểu đúng ý nghĩa cội nguồn và những giá trị truyền thống của từng lễ hội thì chắc chắn sẽ không để xảy ra những hình ảnh bạo lực, tranh cướp như thời gian vừa qua nữa.
Đừng làm hỏng lễ hội vì không hiểu biết cũng là lời khuyên của các chuyên gia văn hóa đối với câu chuyện nhận thức của một bộ phận người đi lễ hiện nay. Bên cạnh chuyện ăn mặc hở hang gây phản cảm, một số người tham gia hoạt động lễ hội đầu năm còn có nhiều hành động thái quá khác như đùa nghịch, trêu ghẹo, thể hiện tình cảm, nói năng thiếu chuẩn mực ngay giữa chốn linh thiêng.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, trước thực trạng này, bên cạnh các giải pháp tuyên truyền, vận động thì cần kèm theo những chế tài cụ thể. Nghị định 110 quy định về quản lý và tổ chức lễ hội cũng nêu rõ, cá nhân có hành vi vi phạm quy định của Nghị định và các quy định của pháp luật có liên quan thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Câu chuyện thay đổi ở hội Gióng đền Sóc (Hà Nội) cho thấy, một khi nhận thức của người đi lễ được định hướng chuẩn mực, đúng đắn thì những vấn đề bạo lực, phản cảm sẽ giảm bớt. Từ năm 2018, khi các chuyên gia văn hóa và các nhà quản lý cùng vào cuộc, bàn thảo với người dân để họ hiểu hơn về ý nghĩa của tục cướp lộc hoa tre thì những hành vi bạo lực ở lễ hội này đã không còn. |
Báo Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất