Dùng phong cảnh để hút các đoàn phim quốc tế là chuyện cầu may!

26/06/2017 07:09 GMT+7 | Văn hoá

(giaidauscholar.com) - Tọa đàm “Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong sản xuất phim, tăng cường quảng bá hình ảnh Việt Nam và phát triển du lịch” được tổ chức tại Trung tâm Nghiên cứu & Lưu trữ điện ảnh (7 Phan Kế Bính, TP.HCM) mới đây đã đề cập đến những vấn đề cũ, nhưng vẫn còn khá nan giải.

Mục đích chính của tọa đàm này là lấy ý kiến để bổ túc hồ sơ tham mưu cho Bộ VH,TT&DL trong việc đưa ra những quyết sách mới trong việc hợp tác quốc tế về sản xuất phim, thông qua đó quảng bá du lịch Việt Nam.

Tư duy chưa đồng bộ

Ngay những năm tháng đầu tiên của lịch sử điện ảnh (từ đầu thập niên 1890), Việt Nam đã ghi dấu ấn của hợp tác quốc tế. Bộ phim truyện đầu tiên là Kim Vân Kiều đã do người Pháp và người Việt cùng thực hiện, hậu kỳ tại Pháp. Thậm chí sau các phim hài như Đồng tiền kẽm tậu được ngựa (6 phút, làm năm 1924), ông Nguyễn Lan Hương, chủ tiệm ảnh Hương Ký ở Hà Nội còn được tỉnh Vân Nam đặt hàng làm hai phim phóng sự quay tại Trung Quốc.

Chú thích ảnh
Tọa đàm mơ ước có những phim như “Đông Dương” để câu chuyện Việt Nam được cảm nhận sâu sắc hơn nữa. Thế nhưng khán giả trong nước thì phải đợi từ năm 1992 đến 2016 mới được xem vài suất chiếc rộng rãi tại Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ 4

Từ 1945 cho đến 2005, vì hoàn cảnh lịch sử, việc hợp tác quốc tế trong sản xuất phim tại Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn, nên số phim làm được chẳng đáng là bao.

Tham gia tọa đàm, ông Lưu Trọng Hồng (nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh) kể lại chuyện hơn 20 năm trước, năm 1995, vài tháng sau khi Mỹ tuyên bố bình thường hóa quan hệ với Việt Nam, đoàn tiền trạm của phim Điệp viên 007 đã đến để thăm dò việc quay phim. Khi mọi việc chuẩn bị gần xong thì có một cuộc điện thoại khiến cho dự án mà Việt Nam có thể kiếm 5 triệu USD phải đột ngột dừng lại, còn Thái Lan được hưởng lợi bất ngờ.

“Đến nay cũng vậy thôi, việc hợp tác của chúng ta vẫn còn thụ động, chưa thực chất; chúng ta vẫn thiếu nhân sự và kỹ thuật ngang tầm quốc tế để có thể làm việc chung. Hơn nữa, nhiều người ở cấp trên vẫn chưa thấy hết tầm quan trọng và tính tất yếu của việc hợp tác quốc tế trong sản xuất phim” - ông Hồng khẳng định.

Họa sĩ Đỗ Lệnh Hùng Tú cho biết đã có không ít trường hợp “gặp rắc rối” chỉ vì tham gia hợp tác sản xuất phim với quốc tế, mà hậu quả phần nhiều đến từ quan niệm và cách quản lý hơi cứng nhắc.

“Phim Yêu tiếng hát Việt Nam là một ví dụ đau buồn như vậy, khi duyệt kịch bản và đi quay, chúng ta luôn có người theo giám sát, nhưng khi họ về nước dựng, làm kĩ xảo, nội dung lại ngược với những gì đã quay, làm sao quản lý được. Cho nên, muốn hợp tác, đầu tiên chúng ta phải có con người và kỹ thuật tương đương, kế đến, phải có một tư duy thông thoáng, cởi mở hơn về phim hư cấu thì mới mong thu hút được” - ông Tú nói.

Chú thích ảnh
Ninh Bình xuất hiện trong bom tấn Kong: Skull Island. Sau đó, đạo diễn  Jordan Vogt-Roberts cũng được mời làm Đại sứ Du lịch Việt Nam

Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần nói rằng chúng ta không cho Điệp viên 007, Trời và đất… quay tại Việt Nam, nhưng lại cho các phim này công chiếu. “Chính mắt tôi đã xem Trời và đất trên truyền hình với nguyên xi những chi tiết mà trước đó ít lâu bị cho là nhạy cảm. Tư duy về việc này chưa đồng bộ thì việc hợp tác hiệu quả hãy còn xa”.

“Đa số phim trong nước hiện nay thì chỉ chiếu cho người trong nước xem, không đủ chất lượng để phát hành rộng rãi ra quốc tế thì làm sao quảng bá du lịch cho được?!” - ông Phần nói thêm.

Phim về Việt Nam mà cảnh nước khác

Những phim có mong muốn kể một câu chuyện về Việt Nam như Đông Dương, Điện Biên Phủ, Người tình… bây giờ sẽ rất ít, mà chủ yếu là mượn phong cảnh làm nền như Pan,  Kong: Đảo đầu lâu… Mà phong cảnh so với câu chuyện thì ít có sự thu hút, sức tác động, bởi rõ ràng chỉ có người Việt mới trở nên nôn nao với phong cảnh trong Kong: Đảo đầu lâu, khách quốc tế thì chỉ thấy đẹp vậy thôi, vì câu chuyện viễn tưởng, phi bản sắc này có thể diễn ra ở bất kì đâu, ngay với kĩ xảo máy tính. Nhiều phim bây giờ được làm chủ yếu bằng kĩ xảo, chẳng lẽ khán giả sẽ đi du lịch vào trong những chiếc máy tính sau khi xem phim?

'Welcome to Viet Nam' quảng bá hình ảnh Việt Nam bằng 9 thứ tiếng

'Welcome to Viet Nam' quảng bá hình ảnh Việt Nam bằng 9 thứ tiếng

Sáng nay (21/9) tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao đã tổ chức Lễ ra mắt clip quảng bá về Việt Nam mang tên Welcome to Việt Nam.

Điều này cũng giống như khi khán giả quốc tế chào đón các phim rất hay về chủ đề Việt Nam như Coming Home (1978, 3 giải Oscar), Apocalyse Now (1979, 2 giải Oscar và giải Cành cọ vàng), Sinh ngày  4/7 (1989, 2 giải Oscar), Forrest Gump (1994, 6 giải Oscar)… nếu muốn đến xem phong cảnh lạ, họ phải đến Thái Lan hoặc Philippines, do nhiều phân đoạn được quay ở đó.

Chú thích ảnh
Trường quay phim Kong được tu sửa và mở cửa tham quan ở Ninh Bình

Nhà lý luận phê bình Tô Hoàng, đạo diễn Việt Linh, đạo diễn Đào Bá Sơn… cũng như một vài người khác cùng cho rằng việc dùng phong cảnh để thu hút các đoàn phim quốc tế là chuyện cầu may, vì các đoàn phim cần nhiều lý do khác nữa, trong đó có thủ tục đơn giản.

Đạo diễn Charlie Nguyễn nói rằng giờ nhiều phim Hollywood chọn quay ở nước ngoài, vì phong cảnh lạ cũng có, mà vì giá thành rẻ và thủ tục đơn giản mới là điều thu hút hơn.

Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm