Lille vô địch lần đầu sau 57 năm: Cái rùng mình của cả đời người

23/05/2011 12:49 GMT+7 | Bóng đá Pháp

(TT&VH) - Cuối cùng thì họ cũng đã đến đích, sau một hành trình kéo dài qua bao thế hệ, với biết bao công sức, mồ hôi và nước mắt đã đổ xuống, cho giấc mơ mà có khi phải mất cả một đời người mới được trải nghiệm. Giấc mơ trở thành nhà vô địch. Giữa Paris, kinh đô ánh sáng, sau 57 năm núp mình trong một cái vỏ ốc bình dị, Lille đã trở lại đỉnh vinh quang.

Marceau Somerlinck, hậu vệ trái nhỏ con của đội hình đoạt chức VĐ mùa 1953-1954 và cũng là người ra sân nhiều nhất ở Ligue 1 cho Lille trong lịch sử, đã trút hơi thở cuối cùng vào ngày 9/11 năm năm về trước ở tuổi 83. Andre Strappe, chân sút số một của Lille trong mùa bóng nghẹt thở ấy (họ vô địch với 47 điểm chung cuộc, hơn đội thứ hai Bordeaux và đội thứ ba Reims đúng một điểm!), với 15 bàn sau 38 trận ra sân trên mọi đấu trường, qua đời sau đó một năm, ở tuổi 77 (9/1/2005). Thêm một năm nữa (12/12/2006), huyền thoại Cor van der Hart, trụ cột hàng thủ của Lille và một trong những trung vệ xuất sắc nhất trong lịch sử bóng đá Hà Lan, từ giã cõi đời (78 tuổi). Hai năm trước, đúng vào cái ngày mà bây giờ, Lille giải cơn khát danh hiệu 56 năm sau khi đăng quang ở Cúp QG (14/5), cái chết gõ cửa chốt chặn cuối cùng của đội bóng 6 thập niên trước: Thủ môn người Pháp gốc Ba Lan Cesar Runimski, người ra đi ở tuổi 78.

Lille ăn mừng chức vô địch - Ảnh Getty

Sự ngắn ngủi của đời người không cho phép họ được nhìn thấy Lille vô địch một lần nữa, trước khi nhắm mắt xuôi tay. 57 năm trôi qua, kể từ triều đại vinh quang của HLV người Pháp Andre Chueva (ông này đã qua đời năm 1989, thọ 80 tuổi), đã có thêm 26 đời HLV, ba đời Chủ tịch (Henno, Lecomte, và giờ là Seydoux), hàng chục ngôi sao mới xuất hiện ở sân Metropole, từ thủ môn Bernard Lama, hậu vệ Jocelyn Angloma, anh em nhà Cheyrou (Benoit và Bruno)…, nhưng tất cả đều bất lực trước cánh cửa đóng im lìm mà lịch sử đã dựng lên. Khi cái chết lần lượt mang đi những huyền thoại của đội Lille đăng quang lần gần nhất, thì cơn khát danh hiệu của đội bóng vẫn cứ mãi kéo dài. Cá tính dữ dội của một đội bóng từng được mệnh danh là “cỗ máy chiến tranh” cũng chết dần theo những thất bại chất đống theo tháng năm, và sự thất bát ấy được chấp nhận như một điều hiển nhiên trong 6 thập niên an phận đã qua.

Nhưng cá tính ấy đã sống lại trong một mùa bóng kỳ diệu của 57 năm sau, theo một cách khác. Nếu như chức vô địch năm 1954 được xây dựng dựa trên một hàng thủ siêu kiên cố (chỉ để thủng lưới 22 bàn sau 34 vòng), thì bây giờ, Lille đã giật lại vương miện với hàng tấn công khủng khiếp nhất Ligue 1 hai mùa bóng vừa qua. Biểu tượng của đội bóng 57 năm trước là trung vệ người Hà Lan Cor van der Hart, một người khổng lồ thực sự, rất mạnh mẽ, đọc trận đấu cực tốt và là một chuyên gia “tắc” bóng, đang ở độ tuổi chín chắn nhất của sự nghiệp (năm ấy, ông 26 tuổi). 57 năm sau, ngôi sao lớn nhất của Lille là một chàng trai người Bỉ mặt còn măng tơ, mới 20 tuổi, rất mảnh khảnh, chỉ cao 1m70, không có sức mạnh phi thường, nhưng nhanh nhẹn, khéo léo, đầy kỹ thuật và sức sáng tạo: Eden Hazard. Đội Lille của năm 1954 phòng ngự chắc như bê tông với sơ đồ ba trung vệ (cặp van der Hart – Pazur chơi phía trên hậu vệ quét Lemaitre), để rồi 57 năm sau, những hậu bối của họ đã lên ngôi với cái đinh ba khủng khiếp Sow-Gervinho-Hazard, những người đã ghi đến 44 trong tổng số 65 bàn của Lille ở Ligue 1 mùa này. Những biểu tượng của một lối đá tấn công phóng khoáng và đẹp mắt.

Hai thế hệ cách nhau một khoảng thời gian dài bằng cả đời người ấy cuối cùng đã được trải nghiệm cùng một cảm giác. Một cái rùng mình sung sướng khi biết mình đang ở trên đỉnh cao nhất, và quan trọng hơn, chiến thắng cuối cùng là kết quả được tạo thành của một cá tính đã đánh mất hàng thập kỷ. Cá tính của một đội bóng non trẻ (thành lập năm 1944), nhưng đã bắt đầu viết những trang đầu tiên lịch sử của họ bằng một tinh thần chiến đấu dữ dội, trong mùa giải gần nhất giành cú đúp cách đây 65 năm, chỉ hai năm sau khi Lille được thành lập (Họ vô địch Ligue 1 với chỉ một điểm nhiều hơn St. Etienne, và đánh bại Red Star Olympique 4-2 trong trận chung kết Cúp QG), đến mức mà các tờ báo địa phương khi ấy đã phải sửng sốt gọi Lille là một “cỗ máy chiến tranh”. Bây giờ, một lần nữa, người ta lại nhìn thấy hình ảnh đầy tính tranh đấu ấy. Tranh đấu để trải qua một cảm giác mà cả đời người có lẽ chỉ được trải nghiệm một lần, và giữa lần thứ nhất và lần thứ hai, có thể là cái chết của cả một thế hệ. Nhưng tinh thần ấy thì không bao giờ chết, dù có trải qua bao năm tháng, bao thăng trầm, thất bại, và đắng cay…

Phạm An




Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm