Gasperini có thực sự là "vấn đề" của Inter?

22/09/2011 11:40 GMT+7 | Bóng đá Italy

(TT&VH)- Tất cả dường như đang sụp đổ. Con đường mới đi lúc ban đầu đã đến điểm cuối và trước mặt Moratti là một ngã ba đường, điều mà không phải bây giờ, sau khi Inter thua thảm 1-3 trên sân Novara, trận thua đậm nhất của họ trước Novara trong 90 năm nay  và tiếp tục rơi tự do, ông mới nhìn thấy. Sa thải Gasperini là điều đơn giản và dễ quyết. Nhưng sau đó?

Con tàu lại chìm xuống dưới làn nước, như những năm tháng trắng tay trước Calciopoli, nhưng lần này, nó chìm nhanh hơn, và do đó, có lẽ sẽ ít đau đớn hơn những lần vật vã trong mệt mỏi và tốn kém với những người thuyền trưởng đã đưa những con tàu Inter trước đó vào bãi đá. Mùa trước, người ta bảo rằng, Benitez là một lão khờ và là một sai lầm lớn. Nhưng ông đã khởi đầu rất tốt, đã đoạt Siêu Cúp Italia và sau đó, World Cub Club. Thế mà nỗi thất vọng của các interista chưa quên được Mourinho vẫn rất lớn.

Còn bây giờ? Khi những hoài niệm Mourinho trở nên ít ám ảnh hơn vì thời gian bắt đầu xa, thì những nỗi lo lắng như đã có những năm trước kia lại trở về, khi Inter luôn là công trường. Các HLV đến rồi đi, các cầu thủ cũ mới lẫn lộn trong các sơ đồ thay đổi xoành xoạch theo triết lí bóng đá của những HLV ấy, các quan chức mua sắm như những gã khùng và sự kiên nhẫn của các interista luôn bị thử thách một cách dữ dội nhất.   

Inter nhạt nhòa, Gasp phải ra đi- Ảnh Getty

Đêm Novara, sự kiên nhẫn cuối cùng cũng đã kết thúc. Không phải Moratti sa thải HLV thứ 16 trong triều đại 16 năm của mình nửa ngày sau đó, khi những lời bào chữa trở nên vô nghĩa khi không còn ai tin vào Gasperini nữa, mà chính những gì Inter đã chứng tỏ trong trận đấu ấy, chứ không chỉ kết quả, đã chính thức biến người giờ này năm ngoái bị Genoa sa thải thành kẻ thất nghiệp một lần nữa.

Người viết bài khâm phục Gasperini ở ý chí của ông, ở lối đá tấn công và cống hiến mạnh mẽ mà ông muốn đem đến cho Inter như những lời phát biểu ở buổi ra mắt. Nhưng những gì đọng lại sau 5 trận đấu của Gasp là một “GaspInter” không bao giờ hình thành. Ông đã thử nghiệm tất cả, đã cố gắng trong mọi nỗ lực, các cầu thủ đã hết sức trong việc giúp ông và giúp chính họ. Nhưng giữa sự hỗn loạn và mù mịt về chiến thuật ở mỗi trận đấu, ở việc cố chấp và cứ nhất nhất sơ đồ 3 trung vệ đầy khiếm khuyết hở toang hoác ở 2 biên đã khiến chính họ cũng rơi vào sự rối loạn thực sự về tâm lí. Không ai biết phải chơi thế nào khi những cầu thủ quan trọng bị đá sai vị trí sở trường (điển hình là Sneijder, đá tiền vệ trung tâm). Không ai hiểu phải thực hiện các ý tưởng của Gasp ra sao. Cũng không ai trong số các ngôi sao Inter còn là chính họ, vì bản thân họ cũng có vấn đề về phong độ và tâm lí.

Gasp có quá ít thời gian nhưng lại có quá nhiều trận đấu dở diễn ra trong đó để tạo ra một Inter thực sự. Đội bóng không có đủ cá tính và thời gian để tạo ra một bản sắc mà Gasp mong muốn. Một ví dụ: Người viết cho rằng, vào thời điểm này, việc tranh cãi có nên dùng Milito hay Pazzini trở nên vô nghĩa, sau khi Pazzini, người mà Moratti yêu mến, bị “bỏ quên” trên ghế dự bị. Nhưng Inter hiện tại không thay đổi, dù Milito hay Pazzini đá, dù Sneijder đá cao lên hay lùi xuống, thậm chí Inter đá 3 hay 4 hậu vệ.

Điều rất thiếu ở Inter của Gasp là một sự tự tin mạnh mẽ để có thể chiến thắng chính mình trước khi chiến thắng các trận đấu. Inter đã mất đi sức mạnh tinh thần sau khi Leonardo bỏ đi, sau khi Moratti bán đi Eto’o, sau khi Branca nhầm lẫn tai hại với trường hợp không được dự Champions của Forlan, sau khi Inter không mua bổ sung bất cứ ai cho một hàng thủ ngày càng già nua và lấy lí do sắp áp dụng luật Công bằng tài chính của UEFA để không tiến hành những vụ chuyển nhượng lớn (thế nhưng họ lại đưa về một Alvarez vô danh với giá cắt cổ). Gasp, lựa chọn thứ “n” sau khi một loạt các HLV có tên tuổi từ chối vì nhận thấy Inter chất chứa quá nhiều rủi ro, đã trả giá vì những sai lầm của mình, nhưng cũng là nạn nhân của chính Inter.

Lịch sử nói rằng, trong hơn một thế kỉ tồn tại của mình, nếu không tính đến Verdelli là HLV tạm quyền sau khi Cuper bị “chém” trong một trận duy nhất của Inter hồi mùa 2003/04 (trận đó, Inter thua CSKA 1-3 ở Champions League), chưa bao giờ Inter đuổi việc một HLV chỉ sau một tháng. Người xấu số nhất mất việc theo cách ấy cũng chỉ sau khi đã dẫn dắt Inter ít nhất 19 trận (Nino Nutrizio, mùa 1946/47, sau 10 trận thua và 6 trận hòa). Nhưng có lẽ lịch sử của một kỉ lục buồn bây giờ sẽ được Gasperini viết lại, dù không phải ông là người duy nhất có lỗi trong một quá trình thảm bại, khi trên thực tế, cuộc phiêu lưu của ông đã bắt đầu một cách đẹp đẽ, trong 45 phút đầu xuất sắc của Inter-ba-trung-vệ ở Bắc Kinh, khiến người ta tin rằng, một câu chuyện tình đẹp đã bắt đầu. Thế rồi…

80 ngày và 5 trận đấu, và rồi Gasp bị chém vì không hợp với cả ông lẫn Inter. Phải, vì cũng giống như không ai có thể bắt Andrea Bocelli phải hát nhạc của Black Eyes Peas. Nhưng thực ra thì ai có thể hợp với Inter và Moratti trong hoàn cảnh suy thoái hiện tại?

Anh Ngọc

                       

Gasperini, ngài có tội!

1) Sơ đồ 3 trung vệ không tạo ra sự ổn định trong lối chơi và chắc chắn ở hàng thủ, nhưng trong thời điểm cần kiếm điểm bằng mọi giá, Gasperini vẫn tiếp tục lao vào thử nghiệm và không từ bỏ sơ đồ này như một con thiêu thân, đẩy Inter vào tình trạng khó khăn gấp bội.

2) Không sử dụng được Sneijder do không có vị trí hộ công trong sơ đồ của ông. Việc bệ nguyên xi tư duy chiến thuật với Genoa đã hạn chế khả năng của nhiều cầu thủ trụ cột và dẫn đến những phản kháng trong nội bộ.

3) Không tạo dựng được niềm tin nơi cầu thủ và Moratti rằng chiến thuật của mình là đúng đắn.

Vấn đề của Inter

1) Không có sự tin tưởng tuyệt đối vào Gasperini. Lời ong tiếng ve đã vang lên ngay sau thất bại ở Bắc Kinh, khi Moratti can thiệp vào việc phải sử dụng Pazzini và tỏ ra hoài nghi sơ đồ 3 trung vệ.

2) Gasp trở thành nạn nhân của cái gọi là “chủ nghĩa Moratti mới”: chi tiêu nhỏ giọt hơn, mua sắm cầu thủ sai lầm hơn và sẵn sàng bán đi những ngôi sao sáng nhất, miễn là được giá (Eto’o, và suýt Sneijder).



Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm