22/09/2015 14:31 GMT+7 | V-League
(giaidauscholar.com) - B.Bình Dương là đội bóng xứng đáng lên ngôi nhất tại V-League 2015, nhưng sự thống trị tuyệt đối của B.Bình Dương tại V-League với chức vô địch năm thứ 2 liên tiếp và là lần thứ tư ở kỷ nguyên chuyên nghiệp, có thể khiến giải đấu trở nên nhàm chán?
Số điểm 52 của B.Bình Dương sau 26 lượt trận tuy chưa thể xô đổ kỷ lục 55 điểm của chính mình ở V-League 2007, nhưng khoảng cách 6 điểm so với đội về nhì Hà Nội T&T và 31 điểm so với đội đứng chót bảng Đồng Nai, cho thấy V-League đã phân hoá như thế nào. Khi sức mạnh đồng tiền quyết định cơ bản sự thành bại của một đội bóng, khoảng cách giàu/nghèo ngày một lớn thì đó là điều thực sự đáng lo.
Như phân tích ở rất nhiều số báo trước, đội hình B.Bình Dương (với 22 cầu thủ, không tính 3 ngoại binh và 1 Tây nhập tịch) có thể căng ra làm tròn bảng danh sách tập trung ĐTQG, nếu HLV Toshiya Miura muốn. Họ đều là đương kim hoặc cựu tuyển thủ các ĐTQG. Và trong khi Abass Dieng (Senegal) đã ở đẳng cấp ngoại hạng, thì bản thân Oloya Moses cũng đang là đương kim tuyển thủ QG Uganda (33 lần khoác áo).
Becamex Bình Dương không vấp phải nhiều sự cạnh tranh trong cuộc đua đến ngôi vô địch. Ảnh: Tuân Phạm
Một đội bóng được "chăm sóc tận răng", với lương thưởng và các chế độ kèm theo ở mức độ tuyệt hảo thì còn điều gì phải bận tâm ngoài việc tận lực chơi bóng?! Theo HLV Hoàng Anh Tuấn, sự thống trị tuyệt đối của đội bóng đất Thủ ở các giải đấu quốc nội chỉ nói lên một phần sức mạnh nội tại của họ. B.Bình Dương từng vào đến bán kết AFC Cup 2009 và là CLB duy nhất của V-League chơi được ở AFC Champions League.
“Từ những năm 2007-2008, khi B.Bình Dương đoạt cú đúp danh hiệu vô địch V-League, họ đã xây dựng tham vọng bơi ra đấu trường châu lục. Theo tôi, để đánh giá một cách chính xách năng lực chinh phục của một đội bóng, cần phải xem họ làm được gì tại các giải đấu quốc tế ở ngoài lãnh thổ Việt Nam. Hiện tại, ngoài B.Bình Dương, không một đội bóng nào đủ sức chinh chiến ở AFC Champions League”, ông Tuấn nói.
Khi các giá trị thương mại cũng như thương quyền của V-League còn đặt nhiều dấu hỏi, chất lượng chuyên môn thiếu tính ổn định và sự lan toả của giải đấu cao nhất xứ sở đang rất hạn chế, việc B.Bình Dương có thể gây tiếng vang tại đấu trường châu lục cấp CLB thực sự rất có lợi cho nền bóng đá. Nếu mùa giải tới, đất Thủ tiến sâu hơn sau vòng bảng AFC Champions League, V-League chắc chắn sẽ được xem xét tăng suất tham dự.
Trở lại với V-League 2015 vừa hạ màn và thầy trò ông Mai Đức Chung gần như "bất chiến mà thành", khi các đối thủ như FLC Thanh Hoá và Hà Nội T&T "tự bắn vào chân mình", B.Bình Dương quả đúng như người tiền nhiệm Lê Thuỵ Hải miêu tả. Ông Hải “lơ” từng khẳng định, nhà vô địch phải là đội cầm được cuộc chơi, tấn công áp đảo đối thủ. B.Bình Dương mùa này, muốn thắng ai thì thắng và muốn thua ai… cũng được.
Trong số 6 trận thua của đội bóng đất Thủ ở V-League 2015, thì các biểu hiện không hết mình ở trận gặp HAGL (thua ngược 1-2) và QNK Quảng Nam trên sân nhà mới đây, là rất đáng trách. “Họ, các đôi chân tiền tỷ ấy, dường như không xem CĐV ra gì”, một ý kiến bức xúc. Trước đó, lượt trận thứ 17, B.Bình Dương chơi như mơ ngủ để “những đứa trẻ của bầu Đức” lấy trọn 3 điểm, khiến ông Chung một phen bức xúc.
Với độ tuổi trung bình là 28,5, giai đoạn chín nhất sự nghiệp một cầu thủ, cùng với chính sách tiếp tục mua vào đang nằm trong ngăn tủ, B.Bình Dương hoàn toàn đủ khả năng thống trị các giải đấu quốc nội thêm 1-2 mùa giải nữa. Hỏi ai có thể đấu với B.Bình Dương đây?!
Nguyệt Bàn
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất