(giaidauscholar.com) - Cuộc gặp gỡ chớp nhoáng với giới truyền thông tác nghiệp tại Singapore là dịp hiếm hoi Ánh Viên và HLV Đặng Anh Tuấn trải lòng về chuyện nghề, chuyện đời. Với Ánh Viên giờ này, bơi lội là riêng, là duy nhất trong tim chứ không có tình yêu trai gái.
22h00. Cuộc gặp gỡ của Ánh Viên, HLV Đặng Anh Tuấn và các phóng viên đã kết thúc. Kình ngư Vàng của bơi lội Việt Nam tiết lộ sẽ đi ăn cháo ếch, món ăn ưa thích trước khi rời Singapore về nước trong ngày mai.
HLV Đặng Anh Tuấn: Ngay bây giờ nếu Ánh Viên nói thầy ơi con không muốn bơi nữa thì mọi việc sẽ chấm dứt ngay. Ánh Viên là người có ý chí thép, tôi rất hãnh diện khi Ánh Viên có nhận thức rất cao về nghề của mình. Tôi tin chắc Ánh Viên hết thi đấu sẽ trở thành một HLV giỏi trong tương lai.
Mục tiêu ở giải VĐTG sắp tới của Ánh Viên là gì?
-Ánh Viên: Em muốn vào chung kết 400m hỗn hợp.
Ánh Viên có tự thưởng gì cho mình sau SEA Games không?
- Em muốn được ngủ thoải mái
Ngoài học bơi Ánh Viên muốn học gì nữa và thấy cần học gì nữa?
Em thấy mình cần học tiếng Anh thật giỏi và cả các kiến thức khác nữa.
HLV Đặng Anh Tuấn: Năm 2010 khi nhìn thấy Ánh Viên bơi trong hồ gần 20 VĐV, lúc đó Ánh Viên bơi như con lăng quăng, chưa hình thành kỹ thuật gì cả. Nhưng tôi đã nhìn thấy bước bơi của Ánh Viên nên tôi biết Viên là một viên ngọc thô.
Trong hai năm trời tôi chỉ ngủ 2 tiếng mỗi ngày để lo cho quy trình tập luyện của Ánh Viên. Nhiều khi tôi không hiểu vì sao mình lại có thể bền bỉ đến như vậy. Đi với tôi thì Ánh Viên không bao giờ được khóc. Lần đầu tiên Ánh Viên khóc là giao thừa 2013, nhưng lúc đó tôi đã nói nếu tiếp tục khóc, Ánh Viên sẽ không thể tiếp tục.
Ánh Viên có bao giờ nghĩ sẽ chuyển nghề và không trở thành vận động viên?
- Nếu em nghĩ tới việc từ bỏ sẽ không thể trở thành vận động viên đỉnh cao được. Em muốn thành công giống như Michael Phelps.
Một ngày có 24 giờ, ngoài bơi, Ánh Viên còn có thú vui gì khác không?
-Em chưa biết thích gì. Em chỉ có bơi. Một ngày 24 giờ em chỉ có ăn và tập luyện.
Ánh Viên có bất ngờ trước sự quan tâm của truyền thông như thế này không và điều này có làm thay đổi 1 cô gái mới 19 tuổi hay không?
- Em rất bất ngờ nhưng nếu cứ nghĩ mình là một siêu sao thì có lẽ sẽ không được đi chung với thầy trong những chặng đường tiếp theo.
Em có tấm hình chụp chung với kình ngư nổi tiếng Michael Phelps. Khi chụp hình đó em nghĩ gì?
-Ánh Viên: Em nghĩ ai cũng muốn chụp ảnh với thần tượng của mình. Em đã hy vọng mình có thể bơi tầm thế giới.
HLV Đặng Anh Tuấn: Nếu dùng hai từ khắc nghiệt thì chưa diễn tả đúng những gì Ánh Viên trải qua ở Mỹ, Anh Viên được quyền hưởng vinh quang của thành công. Nhưng Ánh Viên phải giữ cái đầu và đôi chân ở mặt đất, nếu có suy nghĩ gì khác thì Ánh Viên đã thất bại .
Mục đích cuối cùng mà tôi mong muốn là VĐV của mình phải đứng trên bục nhận huy chương ở giải thế giới và Olympic. Tôi tin Ánh Viên sẽ trở thành VĐV vĩ đại, nhưng bây giờ Ánh Viên chỉ là người đang trên đường trưởng thành.
Trước đây tôi không biết gì về nấu ăn, nhưng khi sang Mỹ tôi phải làm gương cho Ánh Viên. Tôi biết không ai tự nhiên trở thành người giỏi, nên tôi phải học làm bếp khi ở Mỹ.
Có bao giờ Ánh Viên nghĩ bản thân sẽ không phải là một VĐV bơi lội không?
- Nếu nghĩ như vậy thì em sẽ không thể là một VĐV giỏi được. Ban đầu em cũng không biết về điều này cho đến lúc gặp thầy. Chính thầy Tuấn đã khai sáng cho em nhiều điều.
Ánh Viên chia sẻ rằng bản thân không thích là số 2, chỉ muốn là số 1. Điều đó có phải là áp lực lớn cho em không?
- Em không nghĩ đó là áp lực bởi đơn giản đây là điều bản thân tôi cần phải làm để tiến bộ.
Ai là người có ảnh hưởng lớn nhất trong sự nghiệp phát triển của Ánh Viên? Ai là thần tượng của Ánh Viên?
-Đó là thầy (thầy Tuấn) của tôi. Nếu không có thầy sẽ không có tôi ngày hôm nay (khóc).
Em trả lời báo chí nước ngoài rất hay, việc học tiếng Anh của em diễn ra như thế nào?
- Trong khoảng thời gian ở Mỹ thầy Tuấn đã dạy em rất nhiều về tiếng Anh.
Em có cảm thấy áp lực với mục tiêu trở thành người số 1 không?
Ánh Viên: Em không thấy áp lực. Đấy là động lực để em phấn đấu, rèn luyện. Thực sự lúc đầu em không nghĩ mình là VĐV bơi giỏi. Nhưng khi gặp thầy em đã được dạy nhiều điều, để mình thành người tốt trong xã hội.
HLV Đặng Anh Tuấn: Trong cuộc sống mỗi người có một đam mê, nhiệt huyết và sống theo lý tưởng của mình. Trong tôi luôn có mong muốn để đất nước Việt Nam có VĐV giỏi để vươn tầm thế giới. Tôi chưa bao giờ nghĩ là mình hy sinh.
Về việc chế độ ăn uống của Ánh Viên, tôi xin phép được không tiết lộ vì đây là một bí mật chuyên môn. Tôi chỉ có thể nói rằng chế độ ăn uống của Ánh Viên đã được tính toán một cách khoa học. Nhờ đó, trong những ngày qua, Ánh Viên đã đủ năng lượng để thi đấu liên tục
Ánh Viên: Em không nghỉ mình là một ngôi sao. Bởi vì nếu em nghĩ mình là một ngôi sao thì em không thể trở thành một học trò của thầy Tuấn. Sau này em mong muốn được như thầy Tuấn dạy được nhiều học trò giỏi.
Lúc đầu em không nghĩ em là VĐV bơi giỏi, nhưng khi thầy Tuấn dạy em những điều hay em mới ý thức được nhiệm vụ của mình nên em luôn nỗ lực của mình. Thầy Tuấn là người ảnh hưởng lớn nhất đến với em. Nếu không gặp thầy Tuấn em sẽ không có ngày hôm nay. Chính thầy Tuấn cũng là người dạy em nói tiếng Anh.
Tất cả người nhà của em đều hy vọng ở em nên em sẽ nỗ lực hơn đó là cách em báo hiếu với ba mẹ
Ánh Viên đã giành 8 HCV tại SEA Games lần này, một thành tích vô tiền khoáng hậu trong lịch sử thể thao Việt Nam. Cảm giác của em như thế nào?
- Cảm giác là... em vẫn muốn có nhiều thêm nữa. Có những nội dung em nghĩ có thể cố gắng đạt thành tích tốt hơn, thậm chí có những nội dung mà em tự thấy mình còn mắc nhiều khuyết điểm, thi đấu không được tốt như khi tập luyện. Em sẽ phải khắc phục nhiều.
Anh Viên nghĩ sao khi biết mình là VĐV đoạt nhiều HCV cá nhân nhất tại SEA Games năm nay?
- Em không nghĩ nhiều lắm về việc đoạt huy chương, em chỉ thích thành tích trên đường bơi hơn.
Ba mẹ nói rất nhớ em, em cảm thấy thế nào?
Ánh Viên: Em rất yêu thương gia đình của em.
Nhiều người trẻ coi em là thần tượng. Em có thể nói gì với họ?
Ánh Viên: Em muốn nói nếu họ mong muốn trở thành VĐV thì cần có ý chí. Có ý chí rèn luyện thì mọi thứ đều dễ dàng.
Ánh Viên nghĩ thế nào về Tao Li, đối thủ lớn nhất của bạn tại SEA Games?
- Tao Li là VĐV từng đạt rất nhiều thành tích cao ở châu Á. Cô ấy bơi tốc độ. Em thất bại ở những nội dung đòi hỏi tốc độ như thế này thì em sẽ phải cố gắng hơn để cải thiện tốc độ và cố không mắc khuyết điểm nữa.
Kế hoạch của Ánh Viên sau khi về nước vào ngày mai?
Từ ngày mai, em sẽ cố gắng ngủ bù. SEA Games chỉ là một trong nhiều kế hoạch của em trong năm nay, và vẫn còn nhiều kế hoạch phía trước và em cần phải thực hiện những kế hoạch tiếp theo. Em sẽ cố gắng tập luyện và thi đấu thật tốt để lọt vào phần thi chung kết ở giải vô địch thế giới tại Kazan, Nga.
Báo chí khu vực gọi em là "người thép". Em thấy danh xưng đó như thế nào?
Ánh Viên: Em thấy điều đó chưa phù hợp với em. Ở đây em mới chỉ bơi ở Đông Nam Á thôi. Thế giới còn nhiều người bơi giỏi, nhanh hơn em.
Nếu bây giờ có điều ước, em ước gì?
- Em ước mình trở thành nhà vô địch Olympic trong tương lai.
Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam Trần Đức Phấn phát biểu mở đầu buổi họp báo: "Ánh Viên và thầy Tuấn đã kết thúc những nội dung thi của mình ở SEA Games 28 nhưng cả hai sẽ tiếp tục tập để chuẩn bị cho giải vô địch thế giới ở Nga nên thời gian khá gấp. Sau ngày hôm nay, họ sẽ về nước.
Mục tiêu của Ánh Viên trong thời gian tới là Olympic Rio 2016".
21h20. Ánh Viên và HLV Đặng Anh Tuấn đã có mặt.
21h15. HLV Đặng Anh Tuấn và Ánh Viên đến phòng họp báo muộn hơn so với giờ hẹn vì phải hoàn tất mọi công việc sau đó di chuyển từ hồ bơi tại Khu liên hợp thể thao đến địa điểm gặp gỡ phóng viên.
21h00. Các phóng viên đã có mặt tại phòng họp khách sạn Swissotel để chờ đón những câu trả lời từ Ánh Viên.
Với tấm huy chương vàng nội dung 4x100m hỗn hợp tiếp sức cùng các đồng đội Singapore trong tối 11/6, Joseph Schooling đã chính thức vượt qua Ánh Viên để trở thành VĐV giành nhiều HCV nhất SEA Games 2015.
Joseph Isaac Schooling đã kết thúc ngày thi đấu 11/6 với tấm huy chương vàng thứ chín tại SEA Games 2015 ở nội dung 4x100m hỗn hợp tiếp sức nam. Anh đã thu về một “mẻ vàng” ở các nội dung 100m bơi bướm nam, 100m tự do nam, 200m bơi bướm nam, 200m hỗn hợp nam, 50m bơi bướm nam, 50m tự do nam và 3 nội dung đồng đội.
Ngày 11/6: Dù không thể phá kỷ lục SEA Games nhưng Ánh Viên đã xuất sắc vượt qua đối thủ Pawapotako Phiangkhwan để giành chiếc huy chương vàng thứ 8 ở nội dung 200m bơi ếch. Thành tích của Ánh Viên là 2 phút 31 giây 16.
Ánh Viên đã có một chặng đua không hề dễ dàng khi đối thủ người Thái Lan Pawapotako Phiangkhwan đã đua rất sát sao. Ở 50m cuối cùng, Pawapotako thậm chí đã gần như đuổi kịp Ánh Viên, nhưng ở khoảng 20m cuối cùng, kình ngư Thái Lan dường như đã đuối sức và đành chịu về nhì.
Ngày 10/6: Ánh Viên giành HCV thứ 7 tại SEA Games 2015 khi về nhất ở nội dung 400m tự do nữ. Ngoài ra, với thành tích 4 phút 08 giây 66, Ánh Viên còn phá kỷ lục SEA Games ở cự li này. Kỷ lục cũ thuộc về Khoo Cai Lin (Malaysia), thiết lập tại SEA Games 2009 trên đất Lào, với 4 phút 10,75 giây.
Ngày 9/6: Ánh Viên đã giành HCV thứ 6 tại SEA Games 2015 khi về nhất ở nội dung 200m nữ tự do. Đây cũng là kỷ lục của SEA Games, kỷ lục thứ 7 mà Ánh Viên thiết lập tại SEA Games 2015 trên đất Singapore.
Kỷ lục ở nội dung 200m tự do của Ánh Viên là 1 phút 59 giây 27. Kỷ lục cũ thuộc về vận động viên Quah Ting Wen của Singapore, được lập từ SEA Games 2009 tại Lào với thời gian là 2 phút 0 giây 57.
Cũng trong ngày 9/6, Ánh Viên đã giành thắng lợi ở nội dung 200m bơi bướm nữ và lập kỷ lục SEA Games. Thành tích của Ánh Viên là vô cùng xuất sắc: 2 phút 11 giây 12, phá sâu kỷ lục cũ của SEA Games là 2 phút 13 giây 53 của Tao Li, VĐV của chủ nhà Singapore.
Ngày 8/6: Ánh Viên đã giành HCB ở nội dung 100m tự do nữ. Ánh Viên về đích với thành tích là 56 giây 05. HCV thuộc về Ting Wen Quah, với thời gian là 55 giây 93 - kỷ lục mới của SEA Games.
Ở nội dung 50m bơi ngửa nữ, Ánh Viên giành HCĐ với thời gian là 29 giây 40. Người giành HCV ở nội dung này là Tao Li, lập kỷ lục SEA Games với 28 giây 90.
Ngày 8/6 là ngày thi đấu duy nhất Ánh Viên không giành HCV nào.
Ngày 7/6: Ánh Viên giành huy chương vàng và phá kỷ lục ở nội dung 200m hỗn hợp nữ. Thành tích 2 phút 13 giây 53 của Ánh Viên đã vượt qua mức kỷ lục cũ của vận động viên người Malaysia Siow Yi Ting với 2 phút 14 giây 57, lập năm 2009.
Cũng trong ngày 7/6, Ánh Viên đã giành HCV ở nội dung 200m bơi ngửa nữ tại SEA Games 2015 với thời gian kỷ lục. Ánh Viên đã hoàn thành bài thi của mình với thời gian 2 phút 14 giây 12 để phá kỷ lục SEA Games ở nội dung này. Kỷ lục cũ ở cự ly 200m bơi ngửa nữ là 2 phút 14 giây 80, do chính Ánh Viên lập tại SEA Games 2013.
Ngày 6/6: Ngày thi đấu đầu tiên ở SEA Games 2015, Ánh Viên đã lập kỷ lục khi giành 2 huy chương vàng ở các nội dung 800m hỗn hợp nữ, 400m tự do nữ. Ở nội dung 400m tự do nữ, thành tích của Ánh Viên là 4 phút 42 giây 88, phá vỡ kỷ lục cũ 4 phút 46 giây 16 do chính Ánh Viên thiết lập tại SEA Games 2013.
Ở nội dung 800m tự do nữ, thành tích của Ánh Viên là 8 phút 34 giây 85. Kỷ lục cũ là 8 phút 35 giây 41.
giaidauscholar.com